Một chiều mưa lất phất, xóm nghèo ở ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, TP.Tây Ninh buồn hiu hắt, lữ khách bất giác tê tái trong khung cảnh nao lòng. Qua sự hướng dẫn của trưởng ấp Đồng Cỏ Đỏ, chúng tôi tìm đường đến nhà người đàn ông được làm đám giỗ 5 năm bỗng nhiên trở về. Một phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi bước ra, kéo ghế mời chúng tôi ngồi xuống trò chuyện. Bà tên Yêng Hồng Anh, SN 1963, ngụ ấp Đồng Cỏ Đỏ, chị gái nuôi của ông Yêng Hồng Mỹ, SN 1968, ngụ cùng địa phương. Thật tiếc, ông Mỹ vừa đến nhà người quen ở huyện Tân Biên, Tây Ninh chơi.
Bà Hồng Anh nói: “Nhà nghèo, tôi phải ra ngoài đi làm, kiếm tiền mua thuốc men cho em trai. Lúc tôi đi làm, Mỹ thường lén bỏ nhà đi, không biết đường về. Để an tâm, tôi gửi Mỹ đến nhà thông gia ở Tân Biên, cho có người trông nom. Khi nào hết việc, tôi đến đón em về nhà. Nó ở trên đó nhớ tôi lắm, cứ điện thoại kêu: “Chị Ba lên rước Mỹ về, Mỹ nhớ nhà, nhớ chị Ba”. Cuối tuần, tôi phải bắt xe khách lên thăm nó, chứ không nó nhớ nhà lại leo rào trốn đi mất biệt”.
Bà Yêng Hồng Anh nhắc đến những kỷ niệm gắn bó với người em trai nuôi bị bệnh tâm thần.
Bà Hồng Anh cũng nhớ em trai nhưng thấy ông Mỹ không được tỉnh táo, nhiều người hay chọc ghẹo, cho uống rượu. Bình thường, ông rất dễ thương nhưng mỗi lần ngấm rượu, ông Mỹ không còn kiểm soát được hành vi, nhẹ thì lăn lê bò lết ra đất, nặng thì rượt đánh người khác. Nhìn cảnh em trai như vậy, bà Hồng Anh rất lo lắng nên nhờ cậy người quen phụ chăm sóc.Có hôm, ông Mỹ nhớ chị gái, bỏ trốn khỏi nhà người quen, đi lang thang đến tận cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh). Lần đó, mọi người tỏa đi tìm cả mấy ngày trời. “Nó bị tâm thần, tôi có hỏi trên xã rồi, nếu đem đi gửi ở bệnh viện phải đóng tiền hàng tháng, mỗi tháng hơn 900.000 đồng và cắt hộ khẩu tại đây nên tôi rầu lo. Mấy bữa nay, tôi lo lắm cứ gọi điện thăm chừng bên nhà thông gia hoài. Bên đó nói, nó muốn trốn là nó trốn, nó muốn đi là nó đi, theo sát mà cũng không an tâm”, bà Hồng Anh thở dài.
Ông Yêng Hồng Mỹ mắc bệnh tâm thần, thường bỏ nhà đi lang thang.
Những lúc em trai bỏ đi lang thang, mọi người điện thoại báo thấy ông Mỹ ở đâu thì bất kể mưa nắng, đêm khuya, bà cũng đến tận nơi đưa về. Các con thấy bà vất vả nên lo lắng và tỏ ra bực mình. “Bữa trời mưa, nó đi mà không về. Khoảng 11h đêm, người ta gọi điện, tôi nghĩ đến chuyện nó nằm mưa nằm gió, chết bờ, chết bụi nên ráng đi tìm. Sau này, người ta chỉ tôi in áo ghi địa chỉ, số điện thoại của tôi lên đó để ai thấy người ta gọi báo. Tôi đặt 6 cái áo nhưng nó chỉ mặc 2 cái, mấy cái kia nó chê xấu không mặc”, bà Hồng Anh kể.
Nhiều người nói, bà mắc nợ ông Mỹ kiếp trước nên kiếp này phải trả. Bà nghe xong chỉ biết cười trừ, nợ thật nhưng cũng còn tình thân nữa. “Nói chung, tôi đi đâu, nó đi theo đó, có lúc nó cũng chịu làm, có lúc thì trở chứng lắm. Hễ trời nắng lên, nó sẽ phát bệnh. Năm nay gần 60 tuổi, tôi vẫn nhận làm đủ việc: giúp việc nhà, lãnh bánh tráng sống về nướng bán kiếm tiền nuôi nó. Nhiều người nói tôi làm chi mà làm dữ vậy. Không làm, tôi lấy đâu ra tiền mua gạo, mì gửi nhà thông gia nuôi nó”, bà Hồng Anh tâm sự.
Bà Hồng Anh nuôi ông Mỹ từ năm 2002 cho đến giờ. Trong khoảng thời gian đó, không ít chuyện dở khóc dở cười khiến người đàn bà nghèo đau đớn rồi mừng rỡ. Bà nhớ lại: “Năm 2013, Mỹ cũng còn tỉnh táo một chút, có đi làm ở lò mì phụ tôi. Một ngày nọ, nó đi làm, đến chiều không thấy về. Tôi đi tìm quá trời, tìm cả tháng mà không thấy. Tôi xem truyền hình, thấy ở Hòa Thành (Tây Ninh) có người đuối nước tử vong. Tôi mới đến đó hỏi thăm. Tôi cứ cầm bức hình đi hỏi từng nhà dân, người ta nói đúng người này chết đuối. Người vớt xác em tôi khẳng định, ai nhìn nhầm chứ ông này thì không. Do đó, tôi nghĩ em mình chết rồi nên lập bàn thờ, xây mả”.
Một lần ông Mỹ đi biệt tích 5 -6 năm, bà Hồng Anh nhận dạng nhầm, tưởng em trai đã chết nên làm giỗ, xây mồ mả.
Không có tiền nhưng thương em trai bạc số, bà Hồng Anh ráng lo cho em mồ yên mả đẹp, mỗi năm đều lo giỗ chạp tử tế. Sau đó, người hàng xóm đi khám bệnh ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM gặp ông Mỹ. Người này liền dẫn ông Mỹ về gặp bà Hồng Anh. “Lúc đó, chân nó bị xe đụng, băng bó tùm lum, tôi phải bỏ tiền chữa chạy. Người ta nói phải mổ liền, nếu không sẽ bị hoại tử. Chắc nó đi lang thang, không có ai chăm sóc. Lúc người ta gặp, nó đang mặc áo của bệnh viện Nhân dân Gia Định, tóc tai râu ria như ông già. Nhìn thấy em trai trong cảnh tình đó, tôi rơi nước mắt”, bà vẫn nghẹn ngào khi nhắc lại chuyện cũ.
Đèo bòng thêm đứa em bệnh tật, hoàn cảnh của bà Hồng Anh đã nghèo còn thêm khổ. Bà nhớ: “Năm 1996, chồng tôi lâm bệnh, tôi cùng quẫn đến nỗi dự tính đưa 2 con vào trung tâm bảo trợ xã hội. Nhiều lúc đi làm về đói quá, không có cơm ăn, tôi chỉ uống nước cho qua bữa, nhường cơm cho con. Biết tin tôi cho con, người thân tôi chạy lên can ngăn, chứ không chắc bây giờ con tôi hận tôi lắm. Khổ, tôi cũng không bỏ thằng em nuôi mà lại có suy nghĩ gửi con đi nơi khác”.
Bà Hồng Anh lo lắng, sợ mình mất đi thì không ai lo cho em trai nuôi.
Một mình nuôi 2 đứa con, 1 người em tâm thần, bà phải làm gấp 10 lần người khác. Khuya, bà đi vắt bột thuê, sáng leo hái me, rồi lột vỏ đem bỏ mối kiếm từng đồng. Bà làm quá sức dẫn đến bị tai biến nằm một chỗ. Năm 2009, chương trình Vượt lên chính mình hỗ trợ cho gia đình, từ đó cuộc sống của bà đỡ vất vả hơn.
Hỏi tại sao lại thương người em nuôi đến vậy, bà Hồng Anh cười hiền hậu: “Tội nó lắm! Hồi nhỏ, tôi nghe mẹ nói, cha mẹ nhặt nó về nuôi. Cha mẹ ruột của thằng Mỹ mỗi lần cãi nhau liền đem quăng nó xuống hầm rác. Gia đình tôi thấy thương nên đem về nuôi và đặt tên Yêng Hồng Mỹ. Từ nhỏ, Mỹ đã quấn quýt bên tôi. Thế nên, chị em thân và thương nhau nhiều. Hôm trước, tôi bệnh, nó thấy nó khóc rồi nói chị chết ai ở với em”.
Có việc gia đình xây mả, làm đám giỗ cho người em mất tích
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh cho biết: “Tôi nhớ năm đó, ông Yêng Hồng Mỹ thường lên lò mì chơi và phụ giúp công việc trên đó. Sau đó, không hiểu sao ông ta lại mất tích, người nhà không thấy. Tiếp đó, người dân phát hiện 1 người đàn ông đuối nước ở Hòa Thanh nên kêu gia đình xuống nhận dạng. Gia đình xác định, người mất là ông Mỹ nên đem xác đi chôn, làm mồ mả. Khoảng 5-6 năm sau, người dân ở đây đi xuống TP.HCM khám ở bệnh viện Ung Bướu lại gặp ông Mỹ mới thông báo cho gia đình đến dẫn về. Ông Mỹ bị bệnh tâm thần”.N.L