img

Mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” – đừng để ăn “trái đắng” vì vi phạm luật

Ngô Huyền

Mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, nếu người đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt không đúng sự thật thì không chỉ gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến dư luận mà còn trực tiếp vi phạm Luật An ninh mạng.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số, trong đó, mạng xã hội chiếm khoảng 55 triệu tài khoản. Bên cạnh nhiều người dùng thể hiện ý thức, trách nhiệm với cộng đồng mạng và xã hội thì vẫn còn không ít người dùng mạng xã hội thiếu ý thức trong hoạt động tương tác (biểu lộ cảm xúc, bình luận, chia sẻ).

Chính vì vậy, khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin “nóng”, những sự kiện đang được dư luận quan tâm, và dù chưa được kiểm định là đúng hay sai, thì những tài khoản facebook vẫn thay nhau chia sẻ “rầm rộ”, gây hiệu ứng đám đông vô cùng nguy hiểm. Điều này vô hình chung tiếp tay cho tin tức giả lan truyền trên không gian mạng.

Công an tỉnh Quảng Bình đã và đang xử lý khá nhiều trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng. Đặc biệt, những ngày qua, trong khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gồng mình phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

img

Bên cạnh những thông tin chính thống được các cơ quan chức năng công bố, nhiều người dùng mạng xã hội lại đăng tải những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng. Với hiệu ứng đám đông, những thông tin này lại bị cư dân mạng lan truyền, chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.

Mới đây nhất, Thanh tra sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Bình, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng đối với cá nhân thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho cộng đồng.

Trước đó, chiều ngày 30/3, chị L.T.B. N. đăng tải dòng trạng thái: “Thông báo, chợ Đồng Hới nghỉ 17 ngày”. Sau khi phát hiện, Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã liên hệ với Ban quản lý chợ Đồng Hới để xác minh; đồng thời khẳng định chợ vẫn hoạt động bình thường. Làm rõ chủ trang Facebook này là của chị L.T.B.N., thường trú tại xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ngày 31/3, Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình đã làm việc với chị L.T.B.N. và có hình thức xử phạt theo quy định hiện hành.

Việc chị L.T.B.N. đăng tải thông tin chợ Đồng Hới đóng cửa là sai sự thật, gây hoang mang dư luận trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vi phạm điểm d, khoản 1, điều 5, Nghị định 72/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng đối với chị L.T.B.T..

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, xác minh 4 trường hợp tung tin thất thiệt, sai sự thật về dịch Covid – 19 trên mạng xã hội. Điển hình là trường hợp ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch. Trước đó, khi nghe thông tin chưa được kiểm chứng từ người thân về việc có trên 200 người làm ăn từ Trung Quốc về nước qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo mà không được cách ly, người này đã đưa lên trang cá nhân gây bất an cho cộng đồng. Lực lượng Công an Quảng Bình đã triệu tập, yêu cầu các đối tượng gỡ bỏ những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ về dịch bệnh, đồng thời lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, bà Phan Thị Ngọc Thúy, Thạc sĩ Giới và Nghiên cứu phát triển, Quản lý quốc gia, Viện tham gia toàn cầu (Global Engagement Institute) tại Việt Nam, cho biết, việc ngày càng có nhiều hành vi vi phạm Luật An ninh mạng xuất phát từ nhiều lý do.

“Như nhận thức của người sử dụng mạng xã hội, họ không hiểu được Luật đó cụ thể như thế nào. Vì thiếu hiểu biết nên họ đăng tải những thông tin phạm luật mà họ không hề hay biết.

img

Vấn đề ở phía người đọc, không phải ai cũng có khả năng nhận diện ra nguồn thông tin nào là chính thống, nguồn nào không chính thống cho nên vô hình chung họ dễ bị ảnh hưởng bởi những nguồn thông tin đa dạng trên mạng xã hội. Vấn đề này xảy ra vì ở nước ta, mạng xã hội nó mới chỉ phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây và không phải người tham gia mạng xã hội nào cũng có ý thức tự nhận diện thông tin”.

Dưới góc nhìn của một nhà Xã hội học, bà Thúy chia sẻ thêm: “Luật là một tài liệu rất chung và khó hiểu, thường sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết. Ví dụ, hiện nay mình có Luật An ninh mạng, rất là chung. Bây giờ mình muốn hướng đến một nhóm người cụ thể nào đó, thì người ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tết để làm rõ cái phạm vi, các mức quy định về khung hình phạt… để từng nhóm người cụ thể có thể dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các đoàn, hội cho tất cả các các đối tượng đặc biệt là bộ phận người dân có khả năng nhận thức sai lệch… để góp phần làm thay đổi nhận thức trong xã hội”.

N.H

img