Mới đây, vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng rúng động cả một vùng quê ở tỉnh Thanh Hóa khiến hàng trăm hộ dân đứng trước nguy cơ mất hết tiền.
Theo đó, một số người trong xã đã tự đứng ra làm chủ hụi và đi thu tiền của các “con hụi”. Chủ hụi đã huy động hàng trăm người chơi với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.
Đến kỳ hốt hụi, chủ hụi bất ngờ tuyên bố "vỡ hụi". Khi biết tin, nhiều người đã kéo tới nhà để đòi tiền, nhưng kết quả đều phải trở về tay không khi chủ hụi tuyên bố không còn tiền để trả.
Đây không phải chuyện hi hữu xảy ra ở Việt Nam. Dù đã được cảnh báo nhiều lần, thậm chí là có nhiều bài học cảnh tỉnh, tại sao người dân vẫn cứ làm con thiêu thân lao vào hình thức này?
Chúng ta có thể thấy, bằng hình thức chơi hụi, các thành viên trong nhóm có thể dễ dàng có được khoản tiền lớn bằng cách “góp tiền lẻ thành tiền chẵn” và chịu lãi vay từ những người tham gia. Hình thức này giúp cho người chơi huy động vốn một cách dễ dàng, thuận tiện hơn vay ngân hàng.
Khi tham gia vào một nhóm nhất định, sẽ có một người đứng lên làm chủ và những người chơi hụi chủ yếu dựa vào niềm tin, cũng như khả năng chi trả của chủ hụi. Do vậy, khi đóng tiền thì giữa các bên chỉ có giấy viết tay đơn giản, sơ sài, thậm chí mọi giao dịch tiền bạc có khi chỉ được thực hiện bằng miệng.
Nhìn lại những vụ vỡ hụi, ta thấy rằng chúng đều có “Mô tuýp” quen thuộc. Ban đầu chủ hụi cố tình phô trương tiềm lực kinh tế, tìm mọi cách để các hụi viên tin tưởng. Với mức lãi suất “trên trời” nhưng không sử dụng số tiền đó vào việc kinh doanh. Vậy thử hỏi lợi nhuận ở đâu ra để chủ hụi trả cho các thành viên?
Khi đã tin, các thành viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai, thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán lãi đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều người thấy lãi cao, lại được thanh toán “sòng phẳng” nên đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được hay tìm mọi cách vay mượn để có tiền đóng hụi.
Cho đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ thì những nạn nhân này mới biết mình bị lừa. Chỉ với chiêu trò đơn giản nhưng đã có hàng nghìn nạn nhân sập bẫy, lâm vào cảnh điêu đứng, kiệt quệ, nợ nần chồng chất, nhiều người, vì “xót của” nên đã phát bệnh.
Vậy, nếu là bạn thì với khoản tiết kiệm hàng tháng nên chơi hụi hay gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất thấp hơn?
Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.