Màu nước mắt của huy chương Vàng

Thi đấu trong môi trường thiếu thốn, áp lực giải vàng, chấn thương và cả những nghẹn đắng là màu của huy chương SEA Games 30 tại Philippines.

img
img

Đại hội Thể thao Đông Nam Á đến hẹn lại lên, cứ 2 năm một lần, SEA Games khiến biết bao nhiêu con tim lại thổn thức. Chạm tay tới huy chương Vàng không chỉ là mục tiêu của biết bao tuyển thủ mà đằng sau đó là câu chuyện mưu sinh, là câu chuyện với nghề.

Phải có mục tiêu mới có sức phấn đấu, mà phấn đấu hết mình thì cái nhận về phải là một kết quả xứng đáng dẫu biết trong thi đấu còn ăn nhau ở chuyện rủi may.

Còn nhớ cách đây 3 ngày, tuyển thủ Nguyễn Thị Cúc uất nghẹn sau khi thua VĐV chủ nhà Philippines ở chung kết nội dung gậy mềm, hạng trên 60kg môn võ gậy tại SEA Games 2019 chiều 2/12.

Ngồi trên ghế để chờ lễ trao huy chương, Nguyễn Thị Cúc rơi nước mắt vì lỡ cơ hội giành huy chương vàng, không phải bởi cô thua mà là cô không phục phán quyết của trọng tài, cô không phục chuyện bảng tỷ số nhảy 1 – 0 nghiêng về đội chủ nhà khi kết quả đôi bên là hoà.

Lại vào buổi sáng nọ, các VĐV Việt Nam bức xúc với trọng tài ở trận chung kết hạng trên 65kg của nam.

Tuyển thủ Vương Thanh Tùng dẫn điểm VĐV chủ nhà Carloyd Tejada nhưng khi trận đấu còn 10 giây, trọng tài liên tục phất cờ cho điểm chủ nhà mà không có lý do.

Chưa hết, vào ngày 1/12, VĐV Vương Thị Huyền đã phải thực hiện nghi thức chào cờ tượng trưng sau khi đoạt huy chương Vàng nội dung cử tạ nữ bởi BTC Philippines quên quốc kỳ của cả 3 nước!

Và những trận cầu nảy lửa trên thương với muôn vàn chấn thương…

Thế mới thấy…

Màu huy chương và thứ hạng không đơn thuần là sự hãnh diện, nó là mồ hôi, nước mắt, là tiền là thưởng để trang trải cuộc sống của các VĐV.

Khoan chưa nói đến thể diện, khoan chưa nói đến sự tung hô của truyền thông trong ánh đèn flash rực rỡ, để có được một phút vinh quang đứng trên bục vàng, các VĐV đã phải đánh đổi, phải hy sinh, phải mất mát rất nhiều trong cuộc sống, thậm chí là những chấn thương có thể phút chốc phá hủy sự nghiệp.

Tại mùa SEA Games năm nay, VĐV Đào Thị Hồng Nhung bị “bỏ đói” trước giờ thi đấu!

Trong trận chiến với Singapore, Quang Hải chấn thương rách cơ và có khả năng từ bỏ SEA Games năm nay ở giai đoạn về đích. Cầu thủ hay nhất Đông Nam Á năm 2019 thừa nhận đang gặp khó khăn với mặt sân cỏ nhân tạo nên chưa có được những pha xử lý kỹ thuật.

Biết bao nhiêu người chấp nhận gạt gia đình, con nhỏ sang một bên để toàn tâm toàn ý cho thi đấu với tinh thần, lý tưởng thi đấu của VĐV đại diện quốc gia.

Dĩ nhiên họ được khen, được hô hào nhưng sau đó là câu chuyện “đánh đu” với số phận!

Đối với các VĐV trẻ tuổi, huy chương Vàng để đánh dấu mốc tiến quan trọng trong cuộc đời thi đấu.

Có VĐV ao ước có tấm huy chương Vàng để trả nợ, có VĐV muốn có huy chương Vàng để mua nhà, để báo hiếu.

Và có VĐV khi đã bước sang nửa dốc bên kia của sự nghiệp, thì huy chương Vàng là sự trang trải bởi trận đấu với cuộc đời mới đầy khó khăn, thách thức mà ít người tự tin giành phần thắng.

Vậy đứng trước những phán quyết thiếu thuyết phục của nhiều trọng tài, các VĐV sẽ có cảm giác như thế nào khi sự cố gắng bao lâu bị sụp đổ chỉ bằng hai từ “mơ hồ”?

Thế mới thấy, tấm huy chương Vàng SEA Games thực có nhiều màu!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img