Mấy “bom hàng” bị xử phạt, xây dựng luật bảo vệ người vận chuyển

Tại sao người bán hàng lừa phỉnh khách một bước là “lên phường”, là bị phạt và bị tẩy chay, bêu riếu trong khi kẻ bom hàng (đặt mua nhưng không nhận) lại ung dung?

img

Sự việc một nhà hàng bị khách "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới cùng công dựng phông bạt tổ chức với tổng số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng tại địa bàn phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và gây nhiều bức xúc.

Bom tiệc cưới là chuyện hy hữu nhưng sự việc này dường như cũng là trường hợp hiếm hoi kẻ bom hàng phải đối diện trước cơ quan chức năng và trả giá cho sự vô trách nhiệm của mình.

Giữa thời đại chỉ một cú click chuột hay một tin nhắn để lại là người mua đã hoàn tất việc đặt hàng, việc mỗi ngày có không biết bao nhiêu chủ shop phải khốn khổ vì cảnh hàng giao đến địa chỉ không có người nhận hay điện thoại khách không liên lạc được xem ra cũng là điều không mấy khó hiểu. Tuy nhiên, một điều lạ, cho đến nay mấy kẻ bom hàng nào đã bị xử phạt?

Chưa kể đến chuyện khách dùng sim điện thoại rác hay dùng nick ảo để đặt hàng khó truy tìm, ngay cả khi có điện thoại, địa chỉ của khách bom hàng trong tay, mấy chủ cửa hàng nào có đủ kiên nhẫn và thời gian để làm tới cùng trong việc lôi kẻ xấu ra ánh sáng. Câu chuyện không hẳn nằm ở vấn đề giá trị đơn hàng nhỏ khiến chủ cửa hàng tặc lưỡi bỏ qua mà những biện pháp răn đe hay sự trừng trị của pháp luật dành cho những kẻ bom hàng dường như còn quá mờ nhạt, ít người biết.

Chia sẻ về vấn đề này với truyền thông, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh từng cho rằng: Hiện nay pháp luật hình sự chưa điều chỉnh hành vi đặt sử dụng hàng hóa, dịch vụ rồi sau đó không sử dụng nữa và không trả tiền bồi thường, bồi hoàn cho người nhận đặt. Trên thực tế trong một vài năm trở lại đây tình trạng bom hàng đã xảy ra khá nhiều nhưng vẫn chưa có trường hợp nào phải chịu tội.

Phải chăng đã đến lúc cần một quy định xử phạt rõ ràng hơn cho loại tội danh này mới mong vấn nạn phổ biến ám ảnh nhiều người đang kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online được loại bỏ.

Xã hội đổi thay, luật cần có sự điều chỉnh cho thích ứng phù hợp với sự phát triển.

Ở Philippines, một dự luật đã ra đời trong giai đoạn người dân ở nhà cách ly chống dịch Covid-19 nhằm bảo vệ các shipper, những người nắm giữ vai trò quan trọng trong thời điểm này.

Dự luật Giao hàng Thực phẩm và Tạp hóa mà đảng Ako Bicol trình lên Hạ viện nước này nghiêm cấm việc hủy giao dịch từ các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng thực phẩm khi shipper đã tiến hành thanh toán hoặc hàng đã được chuyển đến khách hàng. Người vi phạm sẽ phải nhận hình phạt cụ thể từ thị trưởng hoặc chịu án tù tới 6 năm. Đồng thời, người hủy đơn phải nộp phạt 100.000 peso (hơn 46 triệu đồng) và hoàn trả gấp đôi giá trị đơn hàng cho nhà cung cấp dịch vụ.

Cùng với đó, người có hành vi bôi nhọ, đùa cợt, sỉ nhục người giao hàng trên bất kỳ nền tảng nào cũng sẽ đối mặt án tù tới 6 tháng.

Có rất nhiều lý do khiến khách mua bom hàng từ những lý do bất khả kháng như ốm đau bất ngờ, có việc trọng đột xuất cho đến những lý do không thể chấp nhận: đổi ý, tiếc tiền hay thậm chí đùa giỡn, làm khó đối thủ cạnh tranh. Nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa việc đặt hàng rồi "bùng" khi người giao hàng mang đến đều là sự nhẫn tâm cần phải nhận sự trừng trị thích đáng.

Vũ Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img