Miền ký ức vô giá mang giấc mơ An Thuyên
Phía sau vẻ ngoài cá tính, mạnh mẽ với mái tóc ngắn “thương hiệu” là một tâm hồn đầy cảm xúc với những khắc khoải chưa nguôi. Chỉ cần đúng điểm “chạm” của cuộc đời, Bông Mai không ngại ngần “dốc hết gan ruột”… Sau 3 năm nuốt nước mắt sống tiếp những giấc mơ còn dang dở của ba, Bông Mai đã chịu mở lòng chia sẻ những miền ký ức vô giá…
Chừng 3-4 tuổi, Bông Mai sống tại khu Văn công đoàn nghệ thuật Quân khu 4, TP. Vinh. Mấy chục năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại chị vẫn nhớ mãi hình ảnh hai hàng phi lao dọc con đường hằng ngày mẹ chở chị bằng xe đạp. Rồi những hôm đứng trong cũi nhìn qua cửa sổ mong ngóng ba mẹ đi làm về. Sau này, khi mẹ hỏi “tại sao bé như vậy mà vẫn nhớ rõ?”, thì chính Bông Mai cũng không thể lý giải vì sao những miền ký ức đó lại hiện về sâu đậm như vậy.
5 tuổi, Bông Mai cùng gia đình chuyển đến sống ở căn hộ tầng 5, C7 Quang Trung. Dù quãng thời gian sống ở đây chỉ khoảng 1 năm nhưng đó lại là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Bông Mai kể: “Cũng chính tại căn nhà đó, ba An Thuyên đã dạy cho tôi bài hát đầu tiên, đó là ca khúc Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác. Tôi vẫn nhớ như in bóng dáng người cha hao gầy miệt mài đánh đàn guitar cho con gái tập hát, rồi dạy con múa. Hồi đó tôi tham gia văn nghệ và vui sướng khi tiết mục của mình đoạt giải A1. Mãi sau này, tôi luôn ấp ủ được làm những gì liên quan đến âm nhạc thiếu nhi, đặc biệt là những ca khúc đã gắn liền với tuổi thơ của mình”.
Tuổi thơ của Bông Mai bắt đầu xáo trộn khi chị theo bố mẹ ra Hà Nội sống. Những tháng năm đầu tiên của cô bé 6 tuổi tại Thủ đô trôi qua trong sự kỳ thị, phân biệt kiểu nhà quê ra thành phố. “Khi đó, gia đình tôi ở ký túc xá của trường Điện ảnh thuộc khu tập thể Văn công Mai Dịch. Tôi còn nhớ, Trung thu đầu tiên ở Hà Nội, ba tự tay làm đèn ông sao cho hai anh em. Trong căn phòng chật chội, ba cặm cụi cắt giấy, dán hồ làm đèn cho con. Rồi tiếng trống rộn rã ngoài đường khiến hai anh em xốn xang, háo hức được hòa vào dòng người để rước đèn, ấy nhưng họ không cho chúng tôi đi cùng chỉ vì “dân nhà quê”. Hai anh em đành phải chờ đoàn đi khá xa mới dám chạy lẽo đẽo theo sau, chứ không dám tới gần vì sợ bị phát hiện. Thậm chí, suốt thời gian đầu, anh em tôi bị xa lánh và không được tham gia bất cứ một trò chơi, chương trình nào trong khu tập thể. Nhưng, lên lớp 1 tôi may mắn gặp được những người bạn hiểu được hoàn cảnh của mình. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn chơi và gắn bó với nhau rất thân thiết”, Bông Mai ngậm ngùi.
Dù quãng thời gian từ một đứa trẻ nhà quê ra tỉnh gặp nhiều trắc trở, nhưng đến tận giờ phút này Bông Mai lại cảm thấy biết ơn kinh nghiệm sống đó. Chị trải lòng: “Nếu như không có sự phân biệt đó trong tuổi thơ, thì có khi tôi đã quên mất mình là ai, mình làm gì ở đây. Trong thâm tâm, tôi luôn ý thức được mình là người con của mảnh đất Nghệ An, và đã chứng tỏ được nỗ lực, bản lĩnh của một đứa nhà quê ra tỉnh thế nào”.
Vẫn còn đó trong miền ký ức của Bông Mai những khắc khoải khôn nguôi khi nhớ về người ba đáng kính của mình. Chị tâm sự: “Tôi và ba có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên. Năm đó, lần đầu tiên nhà tôi có xe máy. Đó là chiếc xe Simson được ba mẹ gửi mua từ Đức. Đúng ngày sinh nhật mẹ, chiếc xe được nổ máy. Ba hào hứng “chiêu đãi” hai anh em khai trương xe máy mới. Nhưng, không hiểu sao chạy được một đoạn thì xe chết máy. Lúc ấy có thể vì không muốn hai con thất vọng, nên ba vẫn để chúng tôi ngồi yên trên xe mà còng lưng mồ hôi nhễ nhại đẩy bộ về nhà. Trong suy nghĩ đơn giản của một đứa trẻ con, hai anh em chỉ thấy vui sướng vì được ngồi xe mới và sắp sửa hằng ngày được vi vu trên chiếc xe ấy. Đến bây giờ ngẫm lại tôi cảm thấy nuối tiếc về quãng thời gian đáng quý bên ba. Trong mắt tôi, ba là một người cực kỳ yêu chiều con, đến mức chấp nhận mọi thiệt thòi về mình để dành cho con những điều tốt đẹp nhất”.
Còn nhớ, thời điểm Bông Mai rời khỏi môi trường quân đội để bước chân vào Đài truyền hình Việt Nam cũng là lúc cô phải chịu nhiều điều tiếng. Người ta nói Bông Mai nhờ có ba hậu thuẫn nên mới được vào VTV. Nói tới đây, giọng chị trầm xuống: “Mọi người thường không hỏi lý do vì sao tôi đi, mà thường hay bàn tán lý do tôi đến đâu đó. Thời điểm công tác tại trường quân đội, tôi đang là đại úy chuẩn bị lên quân hàm thiếu tá, khi ấy ba đang là hiệu trưởng của trường… Nhưng chỉ vì bị gọi là “công chúa con vua” nên tôi quyết định rời khỏi trường. Khi tôi “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường truyền hình thì không có lý do gì để nói có sự hậu thuẫn của ba ở đó. Có chăng, tôi là con gái của nhạc sĩ An Thuyên nên sẽ được mọi người biết đến nhanh hơn. Hơn nữa, khi vào môi trường của VTV không ai làm hộ ai. Cũng giống như nghệ thuật, bạn phải tự làm, tự nỗ lực và chứng minh bản thân. Nếu chắc chắn từ đầu mọi người biết rõ lý do tôi rời môi trường quân đội thì hẳn đã không nói tôi “dựa hơi” ba để vào VTV”.
Với Bông Mai, ba vừa là một người bạn, vừa là một người thầy. “Không cần nói ra, hai ba con cũng hiểu được đối phương đang tâm trạng thế nào, nên chia sẻ như thế nào cho phù hợp. Đến độ, ba con tôi có rất nhiều bí mật riêng mà ngay cả mẹ tôi cũng không biết. Tôi và ba có những thỏa thuận ngầm với nhau, không cần một giấy tờ sổ sách để ràng buộc. Ba biết rất nhiều bí mật của tôi, ngược lại tôi cũng vậy. Có những bí mật tôi vẫn giữ kín, nhưng có những bí mật khi ba qua đời tôi đã chia sẻ với mẹ”, nữ ca sĩ trải lòng.
Thế nên, sự ra đi đột ngột của ba khiến Bông Mai vô cùng hụt hẫng khi mất đi một điểm tựa vô giá. Đây cũng là lý giải vì sao chị dành cả thanh xuân để tiếp tục “cháy” cùng những giấc mơ còn dang dở của ba. Bông Mai rưng rưng nước mắt: “Cảm giác như tôi vẫn còn điểm tựa, vẫn còn một nơi để mình thuộc về. Tôi và ba không phải tuýp người nói yêu thương nhiều, mà thiên về hành động. Từ lúc tôi còn bé đến lúc ba qua đời, tôi chỉ có hai bức ảnh chụp chung với ba. Đó là kỷ vật vô giá đối với cuộc đời tôi”.
Bông Mai tiết lộ, trong gia đình chị là người giống ba hơn cả về ngoại hình và tính cách. “Tới độ, mẹ tôi còn nói vui rằng, hai ba con giống nhau đến cả ngón chân. Nhưng, điều tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ba chính là tính cách. Rất quyết đoán, đã dự định là phải làm bằng được, không bỏ dở giữa chừng. May mắn hơn, tôi được ba truyền cảm hứng. Sau này, khi đã trải qua nhiều công việc, tôi cảm thấy việc “truyền lửa” là rất quan trọng và không phải ai cũng làm được”, chị chia sẻ.
Khi cố nhạc sĩ An Thuyên qua đời, nguồn cảm hứng ấy giống như một món quà hồi môn vô giá ông dành cho con gái. “Cảm giác như thể tất cả những năng lượng tích cực nhất, tươi đẹp nhất mà tôi có được trong cuộc đời này chính là hành trang mà ba đã truyền lại. Tôi làm những công việc ba để lại không đơn giản chỉ là tiếp nối giữa hai thế hệ, mà tôi cảm thấy một phần cuộc đời mình trong những mong ước của ba. Có lẽ, nhờ có “ngọn lửa” của ba nên khi bước vào một cánh cửa mới tôi không còn bị ngợp, mà cảm giác vô cùng thân quen”, chị chia sẻ.
Đã 3 năm trôi qua, nhưng đến tận giờ phút này Bông Mai vẫn chưa quen được cảm giác thiếu ba. Nhưng, giờ đây tôi không còn là đứa trẻ chỉ biết kêu khóc, đòi hỏi. Nỗi đau của một người phụ nữ đã trưởng thành sẽ khác với một cô gái mới lớn. Tôi đã gói gọn những nỗi đau, mơ ước của bản thân vào trong những dự định của ba. Có thể nói, cuộc đời của tôi bây giờ đang sống bằng những ước mơ, mong muốn còn dang dở của ba. Cứ thế, Bông Mai thuộc về những giấc mơ đó…
Sinh thời, cố nhạc sĩ An Thuyên luôn day dứt và đặt nhiều tâm huyết với dự án nhạc thiếu nhi. Để nối tiếp bước đường của ba, để những ca khúc thiếu nhi không bị mai một, ca sĩ Bông Mai và anh trai – nhạc sĩ An Hiếu đã triển khai dự án Sing Channel - kênh chuyên biệt đầu tiên về âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Bông Mai chia sẻ: “Thời điểm ba thực hiện dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi, tôi chỉ nắm sơ qua. Tôi biết ba dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng bản thảo, liên hệ, gặp gỡ từng nghệ sĩ để kêu gọi họ tham gia. Sau khi ba qua đời, tôi khá choáng váng khi nhìn thấy tập bản thảo hàng nghìn bài hát của các nghệ sĩ tên tuổi gửi về. Quả thật, đó là công trình âm nhạc quá đồ sộ, và một mình tôi không thể đảm đương nổi. Nhưng, tôi quyết tâm không để dang dở tâm huyết của ba.
Trong suốt gần 3 năm sau khi ba qua đời, tôi dành phần lớn thời gian cho dự án này. Ban đầu tôi trăn trở làm sao để in được 1000 cuốn sách, nhưng sau đó vì nhiều yếu tố khiến tôi phải tìm hướng đi mới. Và kênh âm nhạc Sing Channel đã ra đời, giúp chuyển tải những ca khúc thiếu nhi đến gần hơn với thị hiếu của khán giả. Dẫu gặp rất nhiều trở ngại, nhưng tôi may mắn khi nhận được sự ủng hộ hết mình của những “cây đa, cây đề” trong làng âm nhạc Việt Nam như bác Hoàng Long, Hoàng Lân… và của khán thính giả yêu nhạc trên cả nước”.
Bông Mai tâm sự, từ lúc bắt tay thực hiện đến bây giờ, Sing Channel đã “ngốn” của chị số tiền không hề nhỏ. Nhưng, chị chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ dừng đầu tư tiền cho dự án này. Đâu đó trong sâu thẳm, Bông Mai cảm thấy chạnh lòng khi nhìn thấy trên mặt báo người ta khoe đồ hàng hiệu tiền tỷ, thì chị chỉ ước “nếu như có một khoản tiền lớn như vậy, thì sẽ dốc sức thực hiện những dự án còn dang dở của ba”.