Tranh thủ cái nắng yếu ớt sáng sớm, ông Phan Văn Đệ (SN 1955) trú xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình còng lưng bê từng bao thóc ra phơi. Đây là số thóc ông thu lượm được từ vụ mùa hè thu trước đó.
“Năm ni lúa được mùa, nhà tui làm có mấy xào cũng được cả tấn lúa. Phơi sấy kỹ càng để phân chia cái ăn, cái bán, phần đặng gửi vào Nam cho mấy đứa con. Ai dè…”, ông Đệ chua chát nói.
Cái ai dè đến mức rơm rớm nước mắt của ông Đệ cũng là tình cảnh chung của triệu người dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh, trong đó, nặng nề nhất là Quảng Bình, Quảng Trị khi bị mưa lũ nhấn chìm trong suốt nhiều ngày liền vừa qua. Theo thống kê từ văn phòng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thống kê tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên từ ngày 6 – 25/10, chưa tính thiệt hại về tài sản thì mưa lũ cũng đã làm 130 người chết và 18 người mất tích.
Mất mát, khó khăn do thiên tai là không thể kể hết. Cũng chưa cần đến phân tích của các chuyên gia, khi thực hiện các chuyến từ thiện về rốn lũ Quảng Bình, Quảng Trị, PV cũng thấy hết sự tàn khốc của mưa lũ. Hay như lời lão ngư Nguyễn Lượm (SN 1945) trú xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thì cảnh tượng sau lũ chẳng khác nào trận bom B52 mà những năm 1972 ông vẫn hằng thấy, hằng ám ảnh.
“Tôi sống đến chừng này tuổi rồi nhưng chưa từng thấy đợt lũ mô mà khiếp như ri. Lũ năm 1999, hay 1973 rồi cả 1979 gì cũng không bằng. Hồi đó, nhà cửa mái tranh, phên đất thấp lẹt đẹt chứ giờ nhà cửa nhiều nơi cao ráo mà cũng không thoát nổi. Tiếp nữa là nước lên rất nhanh, bà con trở tay không kịp”, ông Lượm chia sẻ.
Cách Quảng Bình 300km, TP. Đà Nẵng cũng trãi qua những trận lụt lội nhấn chìm cả vùng rộng lớn phía Tây như huyện Hòa Vang. Nước rút chưa lâu, người dân các xã Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Bắc đi sơ tán về lại nhà. Nhưng rồi chưa biết bắt đầu vào đâu để khắc phục hậu quả đợt mưa lũ thì họ ngao ngán nghe tiếng loa phát thanh ra rả về cơn bão số 9 ngoài khơi.
Mưa lũ, bão lụt đang bủa vây miền Trung.
Theo ghi nhận của PV, thời tiết sáng 27/10 tại TP. Đà Nẵng có nắng, trời quang mây tạnh rất đẹp. Điều này là vô cùng lạ thường so với những cơn bão trước đây liên tục có mưa, gió trước khi bão đỗ bộ. Những diễn biến lạ thường của thời tiết này càng khiến người dân có phần lo lắng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương triển khai công tác sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, sơ tán vùng biển có khả năng nước dâng cao. “Dù tâm có lệch Nam một chút, nhưng do bão đi xéo Tây Tây Bắc khi vào bờ nên Hội An vẫn trong vùng rất nguy hiểm vì đây là một cơn bão lớn chưa từng có ở vùng đất này. Mọi người còn buổi sáng và chiều nay để chằng chống nhà cửa, kê dọn tài sản và phải sơ tán ngay trước 18h tối nay đối với những ngôi nhà không an toàn, nhà có nguy cơ ngập do nước biển dâng.”, ông Hùng chia sẻ.
Trả lời PV, ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ cho biết, hiện bão số 9 đang có sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17. Dự báo bão sẽ hướng vào các tỉnh từ Đà Nẵng – Phú Yên.
Thảm họa thiên tai liên tục gia tăng khiến người dân lâm cảnh khốn đốn.
Nói về việc trước bão thời tiết đất liền có nắng đẹp, trời quang mây tạnh, ông Bảo cho rằng, thực ra đây không phải là điều dị thường mà ngược lại đó là cảnh báo về một siêu bão. “Người dân cứ nghĩ trước bão là phải mưa, gió. Thực tế là những cơn bão suy yếu, gặp không khí lạnh khi thì mới gây mưa gió đất liền. Còn với bão số 9 là cơn bão rất mạnh mới hình thành và khi nhiệt độ trong bờ càng ấm thì bão càng mạnh”, ông Bảo nói.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trước thời tiết nắng ấm hiện tại mà nên triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ theo hướng dẫn của cơ quan, chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng theo dõi dự báo thời tiết, thiên tai để chủ động ứng phó.Nói về việc thiên tai, bão lũ liên tục ập đến miền Trung, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho rằng, thời gian bao lũ, bão ở miền Trung xảy ra lạ thường, chưa có lịch sử. Sau trận mưa lũ lịch sử Quảng Bình, Quảng Trị thì đến bão số 8, sau bão số 8 lại bão số 9. Tính rộng ra trong tháng 10/2020, miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp. Trong lịch sử, số lượng 4 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong cùng một tháng chỉ xảy ra năm 1983.
Cũng theo một số chuyên gia khác, bão lũ liên tiếp hướng vào miền Trung là do sự tăng cường hoạt động của La Nina, cao điểm hoạt động của La Nina là vào thời gian từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 của năm. Từ đó, gia tăng các áp thấp nhiệt đới tạo thành bão và các cơn mưa liên tục.Trong khi đó, theo ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục Trưởng tổng cục Khí tượng và Thủy văn, bão số 9 dự báo sẽ gây ra tổ hợp thiên tai như ngập lụt diện rộng, sạt lở, lũ quét, nguy cơ mất an toàn các hồ chứa, đập thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ của các tỉnh miền Trung. Hoàn lưu sau bão gây mưa lớn cho miền Trung nhiều ngày.
Như vậy, sau lũ là bão, hết bão là lũ, miền Trung oằn mình gánh chịu diễn biến phức tạp của thiên tai trong nhiều ngày tới đây. Trước mắt, để ứng phó với bão sô 9, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam… đã cấm người dân ra đường khi bão đỗ bộ, tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản.
N.T