img

Mối liên minh của cặp bạn tù và “ông trùm” buôn cổ vật trong đường dây siêu trộm

Nguyễn Hường

Vốn từng có “nghề” trộm cổ vật ở các đền, chùa nên sau khi ra tù, 2 đối tượng đã liên lạc với nhau để cùng “hành sự nghề cũ”. Cặp đôi này tiếp tục kết nối với 1 “ông trùm” buôn cổ vật, tạo thành đường dây siêu trộm khép kín.

“Hành sự” chuyên nghiệp

Liên quan đến đường dây trộm cắp cổ vật với số lượng cực “khủng” vừa mới bị triệt phá, ngày 17/8, cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Huy (SN 1982, HKTT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; chỗ ở tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội); Nguyễn Văn Hậu (SN 1990, trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và Nguyễn Văn Toàn (SN 1965, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

Trong đó, Huy và Hậu bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản, còn Toàn bị khởi tố để điều tra về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tài liệu điều tra cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra một số vụ trộm cổ vật quý hiếm ở các đình, chùa, cơ sở thờ tự… Đây không chỉ là những tài sản có giá trị cao về mặt thẩm mỹ, kinh tế mà còn là những bảo vật vô giá của nhà chùa, đền thờ trong không gian tín ngưỡng.

Xác định tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương xác minh, truy tìm đối tượng gây án.

img

“Ông trùm” Nguyễn Văn Toàn, chuyên tiêu thụ cổ vật do đối tượng Huy và Hậu trộm cắp được

Tuy nhiên, quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng gần như không để lại bất kỳ dấu vết nào. Việc “hành sự” của các đối tượng cho thấy, chúng rất thông thạo đường đi lối lại tại những địa điểm thờ cúng, tín ngưỡng này. Bọn chúng tỏ ra rất chuyên nghiệp, tinh quái khi lựa chọn các cổ vật có giá trị lớn để lấy trộm và bài bản trong cách thức tháo gỡ, vận chuyển những cổ vật này ra khỏi đình, chùa.

Thậm chí, có phi vụ, các đối tượng lựa chọn thời điểm là đêm mưa, gió giật để gây án, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Cũng có phi vụ diễn ra vào thời điểm mà địa phương đang thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch covid-19 thì bọn chúng lại lên kế hoạch đi trộm cổ vật ở đình, chùa…

Lộ chân tướng “ông trùm”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các trinh sát vẫn kiên trì lần theo dấu vết dù là nhỏ nhất. Nhiều tổ công tác được bố trí bám trụ ngày đêm tại khu vực những nơi thờ tự, tín ngưỡng, nhằm phát hiện “động tĩnh” của nhóm trộm bí ẩn.

img

Số cổ vật được thu hồi từ đường dây trộm cắp, tiêu thụ tài sản do đối tượng Toàn cầm đầu

Trong khi đó, những tổ công tác khác thì thu thập thông tin, sàng lọc, chắp nối mối quan hệ của các đối tượng nằm trong diện nghi vấn, đặc biệt là những đối tượng có “máu mặt” trong hoạt động mua bán cổ vật trên địa bàn TP.Hà Nội.

Nổi cộm trong số này có Nguyễn Văn Toàn, ở phố Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là đối tượng có 4 tiền sự, 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Sau khi ra tù, Toàn cũng nổi lên là “tay” chuyên buôn cổ vật.

Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, ban chuyên án nhận định, Toàn chính là “mắt xích” quan trọng trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ cổ vật ở các đình, chùa trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Bởi vậy, sau khi tính toán kỹ các phương án, cơ quan công an quyết định sẽ đột phá từ “nút thắt” này. Các trinh sát hình sự được tung ra, bám theo di biến động của đối tượng Toàn. Nhất cử, nhất động của “ông trùm” đều nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng phá án, chờ thời cơ chín muồi.

Kiên trì theo dõi, cho đến rạng sáng ngày mồng 7/8 vừa qua, đúng thời điểm Hà Nội mưa như trút nước, các trinh sát đội 6 của phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt quả tang đối tượng Toàn cùng đồng bọn đang mua bán, trao đổi cổ vật trộm cắp được.

Lúc này, Toàn vừa mở cửa nhà thì 2 thanh niên phóng xe máy đỗ sát, quăng xuống 1 bao tải khá lớn. Sau đó, khi các đối tượng khệ nệ khiêng bao tải vào nhà Toàn thì bất ngờ bị trinh sát ập tới kiểm tra.

Đúng như dự đoán, bên trong bao tải có nhiều cổ vật chuyên dùng để trưng bày ở nơi thờ tự, tín ngưỡng. Bọn chúng thừa nhận, vừa mới trộm cắp được tại nhà thờ Thượng Đồng, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và mang về bán cho Toàn.

Ra tù, không quên “nghề cũ”

Tại cơ quan công an, danh tính 2 tên trộm được làm rõ là Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Văn Hậu. Huy và Hậu quen biết nhau từ khi còn chấp hành án phạt tù trong trại giam.

Trước đây, Huy có “nghề” trộm cổ vật ở các đền, chùa. Hắn từng đi tù về hành vi vi phạm pháp luật này. Thế nhưng, sau khi ra trại, Huy vẫn không quên được “nghề cũ”.

img

Đối tượng Nguyễn Văn Huy.

Do đó, Huy đã gọi điện rủ Hậu cùng đi trộm cắp cổ vật ở các khu vực đình, chùa, nơi thờ tự trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Việc trộm cắp được Huy và Hậu phân công rõ ràng nhiệm vụ cũng như cách thức gây án, nhằm tránh bị cơ quan công an hoặc người dân phát hiện, truy bắt.

Sau đó, Huy và Hậu sẽ bán cho Toàn tất cả số cổ vật trộm cắp được. Số tiền thu về, Huy và Hậu chia đôi để ăn tiêu.

Hiện, vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan.

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, chỉ trong vòng hơn nửa năm cho đến khi bị bắt, bọn chúng đã gây ra 13 vụ trộm cắp cổ vật ở các đình, chùa, cơ sở thờ tự tại nhiều địa phương... Một trong những vụ trộm cổ vật lớn nhất, đó là Huy và Hậu đã thực hiện tại chùa Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nhiều pho tượng, chuông bằng đồng có trị giá hàng tỷ đồng đã bị bọn chúng lấy cắp.

N.H

img