Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, những ngày gần đây trên nhiều hội nhóm, xuất hiện nhiều dòng trạng thái rao bán cá hồi Sa Pa.
Chia sẻ với PV, chị Kim một người rao bán cá hồi cho biết: “Chưa bao giờ cá hồi Sa Pa lại rẻ đến như vậy, tôi có người bác ở Sa Pa nuôi nhiều cá hồi nhưng giờ không bán được nên tôi đành vào các hội nhóm đăng bài bán để “giải cứu cá hồi” giúp bác. Giá bán ra cũng rẻ hơn nhiều so với siêu thị ngày thường là 290.000 đồng/1kg”.
Trong khi đó, anh Vượng rao bán cá hồi cũng thông tin: “Do dịch Covid-19 khách du lịch lên Sa Pa sụt giảm mạnh, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn khó khăn khiến cho các trang trại nuôi cá hồi Sa Pa lâm vào cảnh lao đao bởi không có nơi tiêu thụ. Bởi, phần lớn cá hồi phục vụ nhu cầu khách du lịch, giá bán cũng tương đối cao nên thị trường bình dân khó tiếp cận.
Tuy nhiên, hiện nay, giá đã xuống thấp, với thương hiệu đã được xây dựng nếu có kênh tiêu thụ tại các đô thị trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận có thể giải quyết phần nào khó khăn cho người dân nuôi cá hồi. Tôi rao bán cá hồi giúp người thân của mình trên Sa Pa, nhận vận chuyển về Hà Nội”.
Mặc dù giá cá hồi Sa Pa hiện được rao bán với giá dao động từ 200-290.000 đồng/1kg, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, người dân cũng không mấy hào hứng.
Chị Linh (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy có mấy người bạn của mình rao bán giải cứu cá hồi Sa Pa, một phần cũng muốn mua cho con làm ruốc, nhưng giá lại rẻ thì phân vân về chất lượng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đông người đợt dịch này cũng chẳng kiếm được là bao nên chúng tôi cũng phải cân nhắc, tính toán”.
Tương tự, chị Thuỷ (nội trợ ở Hà Nội) cho rằng thấy cá hồi rẻ chưa từng thấy, thế nhưng để đặt mua nguyên cân chị cũng phải cân nhắc: “Thật sự là cá hồi so với giá trước khi chưa giải cứu thì rẻ tầm một nửa, nhưng tính ra vẫn cao. Nên đây cũng không phải món gia đình tôi có thể dùng mỗi ngày. Tôi cũng đã cân nhắc để đặt mua một chút thôi làm ruốc cá cho hai con nhỏ”.
Trước thông tin liên quan đến việc “giải cứu cá hồi Sa Pa”, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn cho biết, hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai cũng đã có báo cáo về tình hình sản xuất, cung ứng nuôi trồng thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong điều kiện dịch Covid -19.
Theo đó, tình hình nuôi trồng thủy sản nước lạnh trong tháng 3/2020 và những khó khăn tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó có 08 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản với thể tích ước đạt 03 tháng đầu năm 55.000 m3 chủ yếu nuôi tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn.... Sản lượng thủy sản ước đạt 375 tấn.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh được cung ứng chủ yếu cho thị trường Sa Pa thông qua các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở bán cá nước lạnh tại thị trấn Sa Pa, một số cung ứng ra thị trường thành phố Lào Cai, thị trường Hà Nội. Đầu năm 2020 do ảnh hướng của dịch Covid -19 đã tác động mạnh đến sản xuất, cung ứng thủy sản nước lạnh trên địa bàn tỉnh làm cho giá bán cá hồi, cá tầm hiện nay giảm mạnh khoảng 150,000 - 170.000 đồng/ kg (giảm khoảng 40%).
Đến nay sản phẩm thủy sản cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) cơ bản không tiêu thụ được, lượng cá đến thời điểm xuất bán còn khoảng 250 tấn nhưng vẫn phải tiếp tục nuôi duy trì dẫn đến phát sinh chi phí, thiếu vốn sản xuất cho các hội viên nuôi trồng thủy sản nước lạnh. Hình thức tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong mùa dịch chủ yếu là bán hàng qua online nên sản lượng tiêu thụ thấp.
Trước tình hình này, sở Công thương tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản gửi sở NN&PTNT; UBND huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa; Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai với nội dung, nhằm tiêu thụ cá nước lạnh cho các hộ sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngày 06/4/2020, Sở Công Thương Lào Cai đã có văn bản số 469/SCT-TM gửi Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước để đề nghị hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng cá nước lạnh của Lào Cai.
Đến ngày 16/4/2020, đã có các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp phân phối như BigC Hà Nội, BigC Vĩnh Yên, BigC Phú Thọ, Hapro mart, Vinmart... liên hệ trực tiếp với các trang trại, cơ sở nuôi cá nước lạnh của tỉnh để xem xét ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tùy nhu cầu thực tế các chuỗi siêu thị có lượng đặt hàng theo số lượng khác nhau (mỗi đơn vị đặt từ 2 tạ đến 2 tấn/ngày), giá bán tại một số cơ sở ở thị xã Sa Pa đang thông báo tới các đơn vị phân phối là 200.000đ/kg (cá tươi tại trang trại, chưa bao gồm chi phí vận tải, bốc xếp, bảo quản...).
Cùng với đó, ông Nguyễn Xuân Nhẫn cho biết, sở NN&PT tỉnh Lào Cai cũng đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, đề nghị hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai thống kê rà soát lại chính xác toàn bộ số hộ nuôi cá hiện nay, đánh giá về hiện trạng: Quy mô, số lượng, sản lượng, số cá đến thời điểm xuất bán, giá thành tại cơ sở nuôi trồng...
Tổ chức trao đổi, thảo luận với các Hội viên tìm kiếm thị trường tiêu thụ; chế biến các sản phẩm từ cá (ruốc, cá sấy, tháo tiết bảo quản lạnh...); Tổ chức lại sản xuất từ khâu giống, nuôi, chế biến, tiêu thụ... một cách khoa học, bền vững. Chủ động, phối hợp với các bên liên quan tổ chức quảng bá trên các phương tiên thông tin đại chúng, trên các trang mạng chính thống để tìm các kênh tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi cũng đề nghị hội Nông sản tỉnh Lào Cai tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu để liển kết tiêu thụ cho người nuôi trồng cá nước lạnh của tỉnh; Phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại của tỉnh, Sở Công thương để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh”, ông Nhẫn cho hay.
Đồng thời, ông Nhẫn cũng cho biết: “Đối với UBND thị xã Sa Pa, UBND huyện Bát Xát, chúng tôi đề nghị quan tâm chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi xuất cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh có vay vốn ngân hàng. Phối hợp với các sở, ngành đưa danh mục cá nước lạnh vào đối tượng được hưởng hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tác động ảnh hưởng của thị trường…”.
T.L