Xưa nay người ta dựa vào “một người làm quan” để “cả họ được nhờ” về vinh hiển, công danh... Giờ mới thấy ở Thanh Hóa có hiện tượng hàng loạt người nhà quan chức “núp bóng” quen thân để được... nghèo(!!)
Từng nghe trong nhân dân có giai thoại hiện đại như sau: Một người dân đến Ủy ban nhân dân huyện xin gặp Chủ tịch. Bảo vệ cơ quan nói: Bố của Chủ tịch mất nên ông ấy nghỉ. Xin gặp Trưởng phòng Nội vụ thì anh này được trả lời: Trưởng phòng Nội vụ nghỉ vì bố vợ ông ấy mất. Người dân lại xin gặp Chánh Thanh tra huyện nhưng cũng không được vì bác họ của Chánh Thanh tra cũng vừa... qua đời. Người dân bực mình thốt lên “Không biết ngày gì mà sao lắm người mất thế?”. Tức thì anh bảo vệ xẵng giọng: “ Có một người mất chứ đâu mà lắm? Thôi, ông về đi, tôi cũng phải đóng cửa để về đưa đám ma chú tôi đây”.
Câu chuyện trên đã khái quát hóa tình trạng bổ nhiệm người nhà tại một số cơ quan công quyền, trong đó nhiều vụ việc đã được báo chí phản ánh như vụ “cả họ làm quan” ở Hà Giang, vụ bổ nhiệm hàng chục cán bộ sai quy trình tại Bộ Công Thương thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng hay vụ cựu Bí thư Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh điều động, bổ nhiệm con trai Lê Phước Hoài Bảo giữ nhiều chức vụ khác nhau không đủ tiêu chuẩn...
Chuyện như vậy không còn hiếm, và không có gì khó hiểu.
Thế nhưng, ở xứ Thanh những ngày này, trong khi địa phương giải ngân gói 62.000 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 thì vô tình làm lộ ra mảng tối của cái mà gọi là “hộ nghèo”, “hộ cận nghèo”...
Số là, trong thời gian niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, cận nghèo được hưởng tiền hỗ trợ, người dân xã Yên Thọ (huyện Yên Định) phát hiện nhiều hộ có điều kiện kinh tế khá giả bỗng dưng “đi lạc” vào danh sách hộ cận nghèo để hưởng chế độ 750.000 đồng/nhân khẩu.
Cận nghèo gì mà có nhà biệt thự kiểu kiến trúc địa phương trị giá nhiều tỷ đồng, như bà Lê Thị Thọ ở thôn Tu Mục 1. Hoá ra, bà Thọ là chị gái của bà Lê Thị Chung - Bí thư chi bộ thôn Tu Mục 1.
Cận nghèo gì mà ở trong căn nhà 2 tầng bề thế như hộ gia đình ông Đoàn Đức Bình, trú tại thôn Tu Mục 1. Thì ra ông Bình là con cô ruột của ông Hồ Xuân Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Thọ.
Trong 11 hộ cận nghèo ở các thôn Tu Mục 1 và Tu Mục 2 của xã Yên Thọ, kết quả xác minh cho thấy chỉ có 2 hộ là đúng điều kiện cận nghèo; 9 hộ còn lại đều có kinh tế khá giả, có nhà cao tầng và đầy đủ tiện nghi.
Đáng chú ý, 7 trong 9 hộ phát hiện cận nghèo không đúng quy định đó đều có quan hệ anh em, họ hàng với Chủ tịch UBND xã (3 hộ), Phó Chủ tịch UBND xã (1 hộ), Chủ tịch hội phụ nữ (1 hộ), Bí thư Chi bộ thôn Tu Mục 1 (2 hộ).
Nghịch lý chưa dừng lại ở đó. Ngay tại thôn Tu Mục 1, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình (SN 1960) và vợ là bà Đoàn Thị Tính (SN 1963) đang phải sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ xuống cấp nhiều năm với tài sản giá trị nhất là chiếc xe đạp, nhưng đề xuất 10 năm vẫn không được công nhận là nghèo. Ông Bình bị mờ mắt bẩm sinh từ nhỏ, bà Tính có sức khỏe yếu nhiều năm nên bị hạn chế khả năng lao động.
Thương tâm hơn, ở thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn có ông Nguyễn Trung Bản, 60 tuổi, là đối tượng khuyết tật nặng (tổn thương não, liệt tứ chi), nằm liệt giường từ năm lên 4 tuổi đến nay, đang hưởng bảo trợ xã hội mức 540.000 đồng/tháng, nhưng một ngày đẹp trời lại được địa phương cho …thoát nghèo. Cơ cực đến nỗi có 30.000 đồng tiền hỗ trợ điện mỗi tháng cũng bị cắt vì đã… thoát nghèo (!!).
.....
Câu nói “Một người làm quan, cả họ được nhờ” ngày nay thường bị lý giải theo nghĩa xấu, liên quan đến nạn chạy chức chạy quyền, “con ông cháu cha”. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng trong văn hoá truyền thống, “Một người làm quan, cả họ được nhờ” có hàm nghĩa hoàn toàn khác.
Chữ “Quan” là từ Hán Việt, nghĩa gốc trong tiếng Hán được chiết tự gồm bộ “Miên” ở trên (mái nhà, mái che), phía dưới là hai chữ “Khẩu” (nhiều miệng ăn, chỉ nhiều người). “Quan” là người che chở, chăm lo cuộc sống cho dân chúng, đối đãi dân như cha mẹ đối đãi con cái.
Trong kho tàng giai thoại thời xưa còn có chuyện một học sĩ khi phát nguyện cầu đỗ tiến sỹ đã tự hứa nếu đỗ sẽ làm 10.000 điều thiện để báo đáp. Sau khi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan tri huyện, ông bắt đầu ghi chép những việc thiện đã làm hàng ngày vào cuốn sổ nhỏ. Ông luôn đau đáu về nỗi không biết đến bao giờ mới tích đủ 10.000 việc thiện như đã hứa.
Một đêm, viên tri huyện nằm mơ thấy vị thần về chỉ dạy rằng chỉ cần một việc giảm tiền thuế cho dân là 10.000 điều thiện sẽ hoàn thành. Tỉnh dậy ông lập tức tiến hành giảm sưu thuế cho dân, quả nhiên dân chúng vô cùng vui mừng, hạnh phúc.
“Éo le” thay! Quan chức cấp xã, huyện ở xứ Thanh nói trên chẳng những không tích cóp từng việc thiện dành cho dân mà lại bòn mót từng đồng tiền chính sách của người nghèo khổ, người khuyết tật mang về cho họ hàng – những người lành lặn và sung túc.
Ngày nay chúng ta thấy tại nhiều gia tộc có treo hoành phi in câu nói sau để răn mình: “Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”. Trong một dòng họ, nếu có người làm quan thanh liêm, lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, người trong dòng họ ấy nhất định được hưởng phúc đức, thái bình.
Bởi vậy, người có tâm hướng thiện, có óc nhìn xa trông rộng thì mong mình làm quan để “cả họ được nhờ” với ý nghĩa quảng đại như tổ tiên truyền dạy. Chứ mong gì giúp “cả họ được nghèo” như ở xứ Thanh. Sự gian dối mấy suất hỗ trợ cận nghèo chẳng những khiến họ không thể giàu thêm mà còn bị nghèo đi về nhận thức, nhân cách, đồng thời để lại tiếng xấu đến muôn đời.
Ngày 19/11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả