Sáng 24/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và tiến hành tạm giữ ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty Văn Sơn (trụ sở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Ông Sơn bị điều tra liên quan đến sai phạm về kinh tế khi thực hiện một số gói thầu của một số hạng mục trong Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An (bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương) giai đoạn 2016-2025.
Cơ quan công an khám nhà ông Lê Văn Sơn
Theo nguồn tin của phóng viên, Công ty Văn Sơn trúng thầu gói Hỗ trợ con giống gia sức có hiệu quả kinh tế cao, thuộc Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2025, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng (bao gồm kinh phí vắc xin tiêm phòng).
Về việc này ông Vi Văn Đậu, Bí Thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết: “Quá trình họp bàn, các cơ quan chức năng đã thống nhất là nguồn bò giống cấp cho đồng bào phải là giống bò có đặc điểm tương đồng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn thức ăn nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào phát triển chăn nuôi bò hàng hoá, xoá đói giảm nghèo”.
Bò giống được cấp phát cho người dân
Thực hiện gói thầu này, công ty đã mua 280 con bò sau nhiều lần lấy ý kiến của người dân, xã và ban ngành địa phương. Bò giống được lấy từ 2 nơi là huyện Quỳnh Lưu và huyện Đô Lương. Giá bò giống công ty mua vào là 15 triệu đồng/con. Bò giống được cấp thành 3 đợt. Đợt 1 cấp vào ngày 18/4 (80 con); đợt 2 cấp vào ngày 22/5 (80 con); đợt 3 cấp vào ngày 28/6 có 120 con.
Việc cấp bò giống khiến bà con dân tộc Ơ Đu rất vui mừng và phấn khởi vì sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Văng Môn giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững và toàn diện cho người Ơ Đu tại đây. Tuy nhiên, thời điểm người dân hồ hởi nhận bò giống thì cũng là lúc phát hiện có nhiều việc điểm khác thường.
Chỉ vào 4 con bò mới được nhận, anh Lô Văn Linh, trú bản Văng Môn, xã Nga My cho biết, theo đề án thì bò có giá 15 triệu đồng/con, trọng lượng tiêu chuẩn phải 130kg. Tuy nhiên, 4 con bò nhà anh Lo Văn Linh nhận về thì có 1 con đủ trọng lượng, còn 3 con còn lại chỉ khoảng 100kg.
Anh Linh khẳng định: “Con to nhất của nhà mình nếu bán ở ngoài thị trường chỉ được 6 triệu, còn 3 con này may được 5 triệu/con. Cái mình mình cũng đã thắc mắc khi nhận bò nhưng họ khẳng định là bò giống này đã được cấp trên phê duyệt. Họ nói như thế nào thì mình biết như vậy, có bò mà nuôi là mừng rồi”.
Cách nhà anh Lo Văn Linh chỉ 30 mét là chuồng bò của gia đình ông Lo Văn Trung và con trai là Lo Văn Chung. Do là 2 hộ gia đình người thân ở gần nhau nên chuồng bò của ông Trung là loại chuồng đôi với 7 con bò. Điều đáng nói, trong khi chuồng bò của ông Trung có trị giá hàng trăm triệu thì gia đình đang phải sống với nhau ở căn nhà lá lụp xụp.
Theo ông Trung, Nhà nước cấp bò giống thì người dân ai cũng vui mừng, nhưng nếu được đổi cái nhà kiên cố để các thành viên có nơi chui ra chui vào hơn là chuồng bò trăm triệu kia thì mọi người sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Bố con ông Trung chăm sóc bò trong chuồng trăm triệu, bên cạnh nhà đang giột nát
Ông Lo Văn Cường, già làng ở bản Văng Môn cho biết: “Qua quan sát thì toàn bộ số bò được cấp cho bản Văng Môn đều được lấy từ các địa phương miền xuôi, với trọng lượng bằng mắt thường có thể khẳng định là chưa đạt hoặc lớn hơn 130kg theo thẩm định dự toán của cơ quan chức năng. Giá bò cũng chẳng đến 15 triệu/con như cán bộ nói”.
Cũng theo vị già làng này, nguyện vọng người dân là cấp trên cấp bò giống cho các hộ gia đình phải cân đối giữa tỷ lệ bò đực/cái để duy trì bò sinh sản, nhân phối giống. Việc này người dân đã đăng ký, sau đó ban quản lý bản Văng Môn đã tổng hợp lại danh sách gửi cho Ban Dân tộc. Nhưng thực tế là trong số 160 con bò được cấp qua 2 đợt (tính đến 25/6/2020) thì tất cả đều chỉ là bò cái. Không những vậy, sau khi nhận bò một thời gian thì xuất hiện dịch bệnh viêm phổi.
Ngoài ra, trong tổng số 8,6ha đất khai hoang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở 3 đồng đất ở bản Văng Môn đến nay chưa hoàn thành. Vì vậy người dân cũng không biết lấy thức ăn đâu cho bò, nên một số người dân đành phải thả rông.
Cuộc sống người dân tại Văng Môn đang vô cùng khó khăn
Đáng chú ý tại hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất ở gói hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được phân khai kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng.
Về việc này, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng Công trình, Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định: “Tôi khẳng định giá xây dựng đó là chúng tôi thẩm định theo đơn giá của Nhà nước quy định. Khung giá này được liên sở Xây dựng và sở Tài chính Nghệ An ban hành nên không thể sai được”.
Ngoài ra, vị Trưởng phòng cũng giải thích thêm, dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy.
Tối 23/7, công an đã hoàn tất khám xét nơi ở của ông Nguyễn Tâm Long, Phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An. Ông Long đang bị điều tra liên quan đến việc quản lý một số hạng mục trong thực hiện Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025. Trước đó, tối 21/7, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Ban Dân tộc tỉnh để điều tra hành vi tham ô tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
A.N