Tại sao nhiều người đẹp phải vào showbiz bằng mọi giá? Đơn giản vì có những đại gia sẵn sàng trả mọi giá để có được một đêm với họ. Thế nên mới nói: Danh vọng là ảo ảnh, nhưng tiền là thật. Song, như một lẽ đời, tham thì thâm, cái giá phải trả cho ảo vọng kim tiền chính là nỗi ô nhục “trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”…
Vụ việc đường dây bán dâm có chân dài được giới thiệu là hoa hậu, người mẫu bán dâm 30 ngàn đô Mỹ mới được cơ quan chức năng triệt phá.
Năm 2010, cựu người mẫu Trang Trần từng khiến công chúng xôn xao khi tuyên bố thẳng thừng, đại ý rằng: Người mẫu khó có thể làm giàu nếu không bán dâm. 10 năm đã qua với nhiều đường dây bán dâm hoa hậu, người mẫu bị phát lộ, người ta có cơ sở để tin lời của Trang Trần không vô căn cứ. Vả lại, giới giải trí luôn hiểu rất rõ người trong giới mình: Ai giàu thật, ai chuyên đi mượn nhà, mượn xe để giả giàu, ai giàu nhờ làm nghề, hay ai giàu nhờ… “kinh doanh tự thân bằng vốn tự có”.
Vụ việc đường dây bán dâm có chân dài được giới thiệu là hoa hậu, người mẫu bán dâm 30 ngàn đô Mỹ mới được cơ quan chức năng triệt phá gần đây một lần nữa cho thấy mặt trái của làng giải trí thượng vàng hạ cám.
Rất nhiều cô gái có ngoại hình hấp dẫn đã tìm mọi cách đặt chân vào làng giải trí nhưng không để làm nghệ thuật mà để kiếm tiền “tự thân”. Những cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ với quy mô từ địa phương tới toàn cầu (nhưng chẳng ai nhớ tên) la liệt được dọn ra, để mời chào các thí sinh có mục đích rất cụ thể với chiếc vương miện ấy. Showbiz dễ dãi cũng sắp đặt sẵn chỗ cho các “công dân hạng hai” đó được hoạt động. Từ thảm đỏ các sự kiện (mà đôi khi là khách không vé mời) đến vị trí dự khán trong các chương trình gameshow, rồi tới một vai phụ trong MV ca nhạc, hay thậm chí là một bộ phim loại xoàng.
Chỉ cần vậy là có thể nghênh ngang với danh xưng Hoa hậu, Hoa khôi, người mẫu, diễn viên. Táo tợn hơn nữa, nếu chưa đạt một danh hiệu gì, thì có thể tự nhận “nữ hoàng” ở đâu đó. Danh tiếng tuy là ảo, hào quang tuy là phù du, nhưng tiền thì là thật.
Danh hiệu càng nhiều, thứ hạng càng cao, chăm chỉ xuất hiện trong showbiz thì dường như giá đi khách càng được nâng lên theo cấp số nhân. Năm 2013, một người đẹp cấp địa phương là Hoa hậu Nam Mê Kông bị bắt vì cầm đầu đường dây bán dâm giá 4.000 USD. Tới năm 2018, Á hậu 2 của cuộc thi nhan sắc quốc tế được xác định bán dâm với giá 7.000 USD. Nhưng, con số ngàn đô khiến dân tình choáng váng ấy vẫn chưa phải là giới hạn. Bởi kia chỉ là Á hậu 2, Hoa hậu đương nhiên giá phải khác. Hoa hậu mà có thêm mác diễn viên, lại quen mặt biết tên và được xưng tụng thì giá càng khác nữa. Song, con số 30.000 USD (gần 700 triệu đồng tiền Việt) có lẽ cũng không phải giới hạn. Bởi những cuộc thi cấp vương miện cho các cô gái kia cũng chỉ là sân chơi ao làng mà thôi. Nếu người đẹp bước chân ra từ sân chơi nhan sắc uy tín mà sa ngã, lạc lối thì giá là bao nhiêu? Thật khó có thể hình dung nổi.
Một nghịch lý chát đắng là, dường như người đẹp bán dâm lại thường không ngại chi tiền cho việc làm hình ảnh. Họ sống cuộc sống như mơ, nay nước này mai nước nọ, ở các khách sạn 5 sao, đi máy bay hạng thương gia, đồ hiệu dát từ đầu tới chân, vung tiền mua túi xách chục ngàn đô nhẹ như trả tiền lẻ mua rau. Họ khiến cho một bộ phận không nhỏ công chúng đinh ninh: Hoạt động giải trí kiếm bộn tiền, chỉ cần có một chỗ đứng trong showbiz là sẽ có cuộc sống sung túc. Họ trở thành hình mẫu phấn đấu cho không ít cô gái trẻ khác noi theo với sức mê dụ không kém gì hoạt động đa cấp. Và không loại trừ cả việc họ dẫn dắt các cô gái đó vào con đường “làm giàu tự thân với vốn tự có” mà họ đang đi.
Song đó cũng là quy luật thị trường mà thôi, có cầu ắt có cung. Có người sẵn sàng trả 30.000 USD để qua đêm một với người đẹp trong làng giải trí thì sẽ có người đẹp nhận lời ngã giá. 30.000 USD, con số đó xấp xỉ mức học bổng của một nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia. 30.000 USD, con số đủ để xây vài cái trường ở vùng cao, vài chục căn nhà chống lũ cho đồng bào vùng khó khăn hay thực hiện một số ca phẫu thuật mổ tim cho trẻ em nghèo. Để có được con số đó, các tổ chức xã hội phải lao tâm khổ tứ, tiêu tốn nhiều sức lực và thời gian tìm kiếm tài trợ, kêu gọi, vận động từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng lại có những vị đại gia giấu mặt không ngại vung 30.000 USD cho một đêm hoan lạc với “Hoa hậu”. Cách họ chi tiền mua dâm cũng tương đồng với các cô gái kia chi tiền mua đồ hiệu. Đó có phải tiền mồ hôi công sức do họ lao động ra hay là những khoản tiền bất chính? Thiết nghĩ cũng nên làm cho rõ.
Thêm nữa, tại sao chỉ có những cô gái bán dâm thì được “hé lộ” hoặc công khai danh tính như thể họ là thủ phạm duy nhất, còn những gã mua dâm lại được "bảo vệ" lí lịch như thể họ không liên quan gì tới vụ việc? Đây là một bất cập.
Người bán và kẻ mua, ai mới là kẻ có nhu cầu trước? Người bán và kẻ mua, ai mới là người tạo ra “thị trường”? Không khó gì để trả lời được câu hỏi này. Nhưng còn có sự tham gia không nhỏ tạo nên “thị trường mua bán”giữa đại gia và chân dài, đó chính là truyền thông và công chúng. Không có sự tiếp thị hình ảnh bất chấp mọi giá trị, không có sự tung hô dễ dãi, hâm mộ nông cạn, các chân dài bán dâm đâu dễ dàng “mua danh ba vạn bán thân ba chục ngàn đô”.
Lê Anh
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.