Đôi khi ta vẫn tự hỏi, mình mua món đồ này liệu có xứng đáng, khi nhìn lại số tiền lớn bỏ ra cũng như công năng nhạt nhòa của nó.
Mua sắm là nhu cầu thiết yếu đối với con người trong kỷ nguyên hàng hóa. Không chỉ dừng lại ở nhu cầu về nhu yếu phẩm mà mua sắm còn là cách mà con người hưởng thụ cuộc sống, nâng cao chất lượng sống. Những món đồ giúp cuộc sống hàng ngày trở nên tiện nghi hơn, nâng cao tinh thần và sức khỏe.
Mua sắm trở thành một phần tất yếu mà đối với nhiều người có thể trở thành “nghiện”. Người nghiện mua sắm có thể nhiều nhưng người không bao giờ mua sắm dường như là rất hiếm. Thế nhưng, giữa thế giới hiện đại ngày nay, xu hướng sống tối giản đang giúp nhịp sống chúng ta chậm lại và mang nhiều ý nghĩa đáng khích lệ.
Trong năm 2020 vừa qua, Elizabeth Chai (40 tuổi) đã lên kế hoạch không mua bất cứ món đồ gì ngoại trừ thức ăn, cà phê, nhu yếu phẩm và chi phí cho các dịch vụ thiết yếu như cắt tóc. Cô từ bỏ thói quen mua trang phục mới hay vật dụng trong gia đình. Thay vào đó, Elizabeth chọn cách sửa chữa hoặc mượn, đồng thời vứt bỏ hay cho đi những thứ mà cô có nhiều hơn 1 cái. Mục tiêu của cô là “thanh lý” 2.020 món đồ bằng cách vứt bỏ, đem tặng hoặc bán đi.
Không phải do thu nhập giảm hay thất nghiệp, theo New York Times, cam kết “không mua gì” của Elizabeth Chai được truyền cảm hứng bởi mong muốn giảm thiểu tác động của con người lên môi trường và coi trọng những thứ bản thân đang sở hữu.
Đầu tháng 12, Elizabeth đã thanh lý thành công 2.020 món đồ trước khi năm 2020 kết thúc. Sống tối giản và hạn chế mua đồ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Elizebeth. Nhờ sử dụng tiền một cách có chủ ý hơn, Elizabeth dư dả để giúp đỡ người thân bị mất việc và gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà.
Dù cam kết không mua gì, cô vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ như các cửa hàng cà phê địa phương - thông qua việc mua đồ ăn, cà phê hoặc thông qua quyên góp. Sống chậm lại và cho đi nhiều hơn, Elizabeth cảm thấy kế hoạch của mình đã phần nào thành công và có ý định sẽ tiếp tục trong năm 2021.
Lý giải về quyết định từ bỏ cuộc sống vật chất đủ đầy, những người như Elizabeth tin rằng chủ nghĩa tiêu dùng đang khiến con người trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn bao giờ hết. Việc cố gắng chi tiền để mua những món đồ đôi khi không thực sự hữu dụng đã gây nên sự lãng phí, trong khi tạo nên gánh nặng về chất thải đối với môi trường.
Quan điểm này cũng được lan tỏa ở Việt Nam, với nhiều câu chuyện khác nhau trong thời gian gần đây. Sống tối giản và bớt mua sắm để danh tiền cho những mục đích lớn lao đã tạo nên cảm hứng cho các bạn trẻ.
Hôm 10/1, nhiều bạn trẻ ở TP. HCM đã đến gian hàng "Đổi cũ trao yêu thương" cùng nhau trao đổi, mua bán những món đồ cũ, trải nghiệm lối sống tối giản. Tại đây, các bạn trẻ sẽ mang đến những món đồ không còn nhu cầu sử dụng, đã được làm sạch để trao đổi với những món đồ khác mà mình hứng thú. Không chỉ là đến để tìm những món đồ “cũ người mới ta”, chương trình là chuỗi các hoạt động gây quỹ để quyên góp cho trẻ em.
Đôi khi nhìn lại những món đồ xung quanh mình, không ít người sẽ thấy rằng bản thân đã mua những món đồ không mấy cần thiết, cũng như mua nhiều món đồ với chỉ cùng một công dụng. Đây là lúc để các bạn trẻ có thể biến những món đồ thừa đó trở nên ý nghĩa hơn với người khác, đồng thời đóng góp phần nào đó cho những mục tiêu xã hội cao cả.
Những đóng góp ban đầu có thể là nhỏ bé, nhưng cảm hứng lan rộng về sau sẽ giúp hiệu quả trở nên to lớn. Đó cũng là suy nghĩ của Dương Thùy Dung (23 tuổi), Hà Nội, chủ nhân dự án vì môi trường mang tên Làn. Để phần nào đó truyền cảm hứng sống xanh cho mọi người, Dung quyết định không sử dụng túi ni lông khi đi mua sắm. Được tặng một chiếc làn cỏ, cô mang đi khắp nơi để sử dụng thay vì dùng túi cung cấp tại các cửa hàng.
Những câu chuyện nhỏ về sống tối giản, tiết kiệm, vì xã hội, vì môi trường như gian hàng "Đổi cũ trao yêu thương" hay Dung, đều cần được nhân rộng hơn và được sự khích lệ hơn nữa của cộng đồng, thay vì những xu hướng sống tiêu cực như khoe khoang, tệ nạn, chạy theo những điều phù phiếm, xa hoa.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.