Bất ngờ ở “ngã ba sung sướng”
Theo quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột đi Ninh Hòa (Khánh Hòa), tôi ghé qua thị trấn M'đrăk vì lời hẹn cafe ấp ủ gần chục năm nay chưa có dịp thực hiện với Tùng, một người bạn cũ thời phổ thông. Trong một quán cóc thơm lừng hương cafe Ban Mê, chưa kịp ngồi ấm chỗ, chúng tôi đã bị thu hút bởi một đám đông ồn ào bên kia đường. Với tính tò mò cố hữu, tôi lân la dòm ngó. Hóa ra lý do khiến người ta bu đen bu đỏ là hai chú gà chọi đang chuẩn bị bước vào một trận sống mái. Sẵn thói quen nghề nghiệp, tôi đưa tay với chiếc máy ảnh lúc nào cũng túc trực sẵn bên hông nhưng Tùng đã kịp ngăn hành động liều lĩnh đó lại đồng thời kéo tôi trở về chỗ ngồi.
Đường vào xã Cư Króa - nơi hẹn hò của những đại gia ham mê cờ bạc.
Tùng bảo: "Toàn dân cờ bạc cả đấy! Bà mà đưa máy ảnh ra, chúng nó đập bà liền! Nhưng mà mấy sới này chỉ là tép riu thôi, có gì mà xem? Thích xem, chiều tôi đưa đi". Nhìn những ngôi nhà lụp xụp, thưa thớt, phố xá vắng tanh, tôi nghĩ bụng ở cái đất nghèo khó này thì lấy đâu ra người đánh bạc, có đánh chắc cũng chỉ ăn thua ở mức vài trăm ngàn giống như việc mua vui để giết thời gian. Tuy vậy, tôi vẫn thấy vô cùng háo hức, muốn được mục sở thị cái sự đánh bạc ở quê nghèo nó ra làm sao.
3h chiều, sau vài cuộc điện thoại chớp nhoáng, Tùng chở tôi đến một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ nằm khuất sau những lùm cây um tùm, trên con đường từ thị trấn vào xã Cư Króa. Để dễ hòa nhập với mấy tay cờ bạc ở đây, tôi đã phải bỏ lại ở nhà trọ tất cả đồ đạc, chỉ đi người không với một bộ mặt phấn son lòe loẹt, không quên ngậm thêm điếu thiếu lá cho thêm phần "sang trọng". Tùng chỉ chiếc Mercedes màu bạc biển số 79 đi trước chúng tôi một đoạn: "Hàng đấy! Tuần trước mới thua hơn trăm triệu thế mà tuần này lại đến. Thời buổi kinh thế khủng hoảng mà sao vẫn có lắm thằng thừa tiền thế không biết!"
Với sự "bảo lãnh" của Tùng, tôi dễ dàng đi qua mấy tay cảnh giới để vào bên trong. Trước thái độ ngạc nhiên của tôi về sự dễ dãi ấy, Tùng giải thích: "Ở đây tuy là đánh bạc nhưng gần như không có hiện tượng côn đồ, không có dân xã hội đen, cho vay nặng lãi. Con bạc chủ yếu là các đại gia, hứng lên thì hẹn nhau đến đây sát phạt một phen, thắng thua sòng phẳng, còn tiền thì đánh, hết tiền thì thôi, không dây dưa lằng nhằng. Địa điểm sát phạt cũng không cố định ở một nơi, mọi thứ diễn ra khá âm thầm, kín đáo cho nên không nhiều người biết đến và người địa phương chỉ cần có chút quen biết là vào xem vô tư."
Trong gian nhà gỗ tuềnh toàng, hơn chục người vừa chơi, vừa xem túm tụm quanh chiếu bạc. Những cọc tiền mệnh giá cao vuông chằn chặn xếp chồng lên nhau khiến tôi lóa mắt. Đúng như lời Tùng kể, ở đây chủ yếu là chơi xóc đĩa và một khi đã đánh thì phải đánh lớn, bét nhất cũng phải mươi triệu/1 ván. Ngay cả khi chỉ "hú hè" được đôi ba "mạng" cũng khiến những tay máu mê hứng chí ôm tiền, chạy xe cả trăm cây số, vượt qua đèo Phượng Hoàng sang M'đrăk "xếp chân bằng tròn" cùng các chiến hữu trên chiếu bạc. Việc tổ chức, sắp xếp cũng cực kỳ đơn giản. Chỉ cần tiền nong sẵn sàng và một cú "alo" với chủ sới thì bất kể ngày đêm, giờ nào cũng có thể được thỏa mãn cơn khát đỏ đen nơi "ngã ba sung sướng" này.
Mục sở thị canh bạc
Cầm bát là một người đàn ông cơ bắp, khuôn mặt nhìn khá dữ tợn, những hình xăm ngoằn ngoèo ẩn hiện nơi cổ áo và hai cánh tay. Tôi được biết đây là H "bò", một trong hai ông trùm cờ bạc ở M'đrăk. Người còn lại là D "con", dáng nhỏ thó, mặt thư sinh, trên người không hề mang một hình xăm hay bất cứ dấu vết nào thể hiện sự liên quan đến cuộc sống chốn giang hồ. Có thể không ít người biết đến hai cái tên này với vai trò là một người hàng xóm hay bạn làm ăn bình thường nhưng để biết về họ với tư cách là những ông trùm cờ bạc thì chỉ những người trong cuộc mới có được "may mắn" đó.
Vị khách đi chiếc "Mẹc" màu bạc mà chúng tôi gặp trên đường là người đàn ông trạc 40 tuổi, đeo kính cận, khoác chiếc áo da bò màu nâu sậm nhìn vừa vừa sang trọng vừa có chút bụi bặm, phong trần nhưng rõ là người có tiền. Ông ta vứt ra giữa chiếu một cọc tiền trị giá 50 triệu đồng. Những người còn lại cũng lần lượt vứt tiền ra. Sau đúng 4 lần mở bát, thời gian chưa đầy 20 phút, 200 triệu đồng mà vị khách mang theo đã đội nón ra đi. Mặt ông ta tái đi rồi đanh lại nhưng vẫn cố nặn ra một nụ cười điềm tĩnh trên môi, vui vẻ bắt tay chào tạm biệt chủ sới. Chiếc "Mẹc" phóng vù đi trên con đường đất đỏ hướng về phía đèo Phượng Hoàng bỏ lại sau lưng một làn bụi mỏng. Mọi người ai về nhà nấy.
Căn nhà gỗ trở lại như ban đầu, không một dấu vết nào cho thấy chính tại chỗ này vừa diễn ra một cuộc sát phạt đỏ đen lên đến vài trăm triệu. Trên đường về, thấy tôi cứ lầu bầu tiếc rẻ 200 triệu của vị khách kia mãi, Tùng xì một tiếng: "Giời ơi, người ta toàn là đại gia tiền tỉ, 200 triệu là cái đinh gỉ gì mà bà bảo người ta phải tiếc! Có tiếc là tiếc cái công lái xe từ Khánh Hòa sang đây mà phải trở về quá sớm thôi!".
Tôi hỏi Tùng: "Ông có nghĩ bọn họ chơi gian lận không?" Tùng xì một tiếng: "Có thứ cờ bạc nào là cờ bạc không gian lận? Tính sơ qua, nếu tôi không nhầm thì cái gã kính cận hồi nãy cũng đã mất ở đây cả tỉ bạc rồi". Tôi gật gù, hỏi vu vơ: "Biết thế sao người ta còn chơi nhỉ?" Tùng cười hồn nhiên: "Vì người ta là đại gia. Đại gia thì không thiếu tiền chỉ thiếu niềm vui. Cũng có thể họ chơi để thử sức mình xem có đủ bản lĩnh bịp lại bọn cờ bạc bịp hay không".
Nhân dịp nói đến chuyện "bịp lại cờ bạc bịp", Tùng không quên kể cho tôi nghe về ông N.V.T trước đây vốn là tỷ phú trồng rừng ở M'đrăk. Vừa là người có máu mê cờ bạc, vừa tự tin vào sự may mắn và bản lĩnh cho rằng mình có có thể "chơi" lại những mánh khóe của dân cờ bạc bịp, ông không ngần ngại ném từng mớ tiền lớn vào trò đỏ đen. Nhưng càng tự tin bao nhiêu, ông lại càng thua đau bấy nhiêu. Bao nhiêu tiền bạc, đất đai của ông đổ ra ào ào như sông như suối mà thu về chỉ như vũng nước mưa bên đường chẳng đủ cho bò rửa chân. Nửa năm sau, ông đã phải bán đi những mét đất cuối cùng để trả món nợ cờ bạc. Từ một tỷ phú giàu có ngồi trên những nguồn lợi khổng lồ từ việc trồng rừng, ông chỉ còn lại hai bàn tay trắng cùng sự tiếc nuối vô bờ bến.
Không đành lòng nhìn chồng chết dần trong tuyệt vọng, vợ của ông, một người đàn bà thành đạt, là giám đốc một công ty thu mua, chế biến nông sản có chi nhánh ở nhiều nơi trong tỉnh quyết tâm trả thù cho chồng. Bà âm thầm "thò chân" vào chiếu bạc với mục đích lấy lại toàn bộ số tiền mà chồng mình đã ném vào chốn đỏ đen. Nhưng càng đánh càng ham, càng thua càng gỡ, chưa kịp lấy lại đồng nào, bà đã ném hết cơ nghiệp của mình vào những lần mở bát mà những con xúc xắc như có ma xui quỷ khiến chẳng bao giờ chịu di chuyển theo ý của mình.
Bẵng đi một thời gian, không ai trong vùng còn thấy bóng dáng của hai vợ chồng tỷ phú này nữa. Nghe nói, họ đã gom góp hết những gì còn sót lại sau khi bị cơn bão đỏ đen càn quét hết sản nghiệp gây dựng suốt bao năm và chuyển đến sống ở một nơi khác.
Dương Dung