img

Muốn trở thành nhà giáo, học sinh giỏi từ chối nhiều trường top đầu

Thủy Tiên - Quang Trường

Đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và giành những tấm vé vào các trường đại học thuộc top đầu, nhưng 2 cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vẫn lựa chọn môi trường sư phạm với ước mơ đứng trên bục giảng và trao truyền tri thức cho các thế hệ học trò tương lai.

Không theo ngành y nhưng vẫn góp sức cứu người

Quyết định gắn bó con đường sư phạm, Hà Huy Công (lớp 12A5) và Dương Quỳnh Châu (lớp 12A1) đã cùng gửi một lá đơn tới sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An, cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ trở về phục vụ cho các trường THPT của tỉnh.

Đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế 2020, nam sinh Hà Huy Công trúng tuyển vào một số trường đại học, trong đó có trường đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, nam sinh trường Phan đã từ chối điểm đến mơ ước của nhiều người này để chắp cánh cho ước mơ sư phạm mà cậu ấp ủ bấy lâu nay.

Tình yêu với nghề giáo của Hà Huy Công được nhen nhóm từ khi cậu mới là một học sinh tiểu học, chập chững những bước đầu đời bên thầy cô, bè bạn. Nhìn thầy cô đứng trên bục giảng, cậu cảm nhận như có một sức hút lạ kỳ không thể diễn tả bằng lời. “Từ nhỏ em thích sách, các thầy cô lại có nhiều sách nên em như bị mê hoặc. Phần lớn thời gian của em ở trường nên những hình ảnh thầy cô tận tình giảng giải, chỉ bảo cho học trò đã tạo một sức hút với em, khiến em bắt đầu mơ ước, một ngày sẽ được giống như thầy cô”, nam sinh nhớ lại.

img

Hà Huy Công và thầy giáo chủ nhiệm Trần Mộng Lai.

Với cậu, người truyền cảm hứng và ủng hộ tinh thần lớn nhất khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, lại chính là thầy Trần Mộng Lai - giáo viên chủ nhiệm. “Thầy Lai là người dẫn dắt em trong môn Sinh học, đồng thời, cũng là người định hướng con đường sư phạm cho em. Tiếp xúc với thầy trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, em cảm nhận ở thầy một tình yêu nghề mãnh liệt. Rồi đến mỗi dịp lễ Tết, chứng kiến hình ảnh học sinh cũ tấp nập trở về thăm thầy, em lại càng khao khát trở thành một nhà giáo hơn bao giờ” - Huy Công tâm sự.

Với cậu học trò này, trở thành giáo viên Sinh học có nhiều ý nghĩa: “Sư phạm là ngành yêu thích của em, Sinh học là đam mê và thế mạnh. Em muốn như thầy giáo mình, dìu dắt các thế hệ học sinh, đặc biệt là những bác sĩ tương lai. Như vậy, mặc dù không theo ngành y, nhưng em vẫn có thể đóng góp một phần công sức nhỏ vào việc cứu chữa người bệnh”.

Nói về học trò của mình, thầy Trần Mộng Lai chia sẻ: “Công là một học sinh giỏi toàn diện. Khả năng tự học của Công rất đáng nể, em ấy có thể dịch được nhiều sách tiếng Anh về Sinh học, tự soạn ra nhiều tài liệu phục vụ cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”.

img

Nam sinh ở ngôi trường mơ ước.

Nhiều người khuyên Công nên chọn ngành y thay vì sư phạm, vì nghề này khó xin việc, nhưng cậu học trò xứ Nghệ vẫn kiên định với con đường của mình. Cậu quan niệm: “Giáo dục là một phần quan trọng với sự phát triển của đất nước, cố gắng học giỏi thì công việc sẽ tự tìm đến mình!”.

“Ngó lơ” hàng loạt trường top đầu

Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán đã đặt cô nữ sinh Dương Quỳnh Châu đứng trước nhiều lựa chọn, khi hàng loạt trường đại học top đầu gọi tên: trường đại học Kinh tế Quốc dân, trường đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học Y Hà Nội và trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cô gái nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ vẫn quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn, để hiện thực hóa ước mơ sư phạm từ khi còn học lớp 7. Quỳnh Châu đã chính thức trở thành tân sinh viên khoa Sư phạm Toán, trường đại học Sư phạm Hà Nội, trước sự bất ngờ của nhiều bạn bè.

“Em may mắn khi có bố mẹ đều là giáo viên, nên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Mọi người xung quanh vẫn luôn miệng khuyên em nên chọn trường đại học Y Hà Nội hay trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng bản thân em vẫn không hề lung lay.

Nhiều người cho rằng đây không phải một ngành “hot”, nhưng em không nghĩ vậy. Nhìn bố mẹ và thầy cô đững trên bục giảng mỗi ngày và tiếp bước cho biết bao thế hệ học sinh, em thấy nghề giáo thực sự đáng trân quý. Chỉ cần mình cố gắng học tập, cống hiến hết mình cho nghề thì sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng” -Quỳnh Châu chia sẻ.

Quỳnh Châu tiết lộ, cô giáo dạy Toán năm lớp 7 chính là người nhen nhóm tình yêu sư phạm cho mình: “Cô truyền đạt kiến thức theo những cách đặc biệt. Bài giảng của cô luôn có nhiều năng lượng, cô biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng bạn để có cách dạy khác nhau. Cô rất vui tính, thân thiện, thỉnh thoảng cô trò cùng đi uống cà phê, tâm sự với nhau. Em ngưỡng mộ cô nên đã mơ ước trở thành một giáo viên như vậy”.

Ngay từ cuối năm lớp 9, Quỳnh Châu đã đặt ra mục tiêu thi đỗ vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu, bởi cô yêu thích môi trường sư phạm ở đây. Nữ sinh cũng mong muốn sau này sẽ có cơ hội trở lại trường phục vụ giảng dạy.

img

Dương Quỳnh Châu muốn tiếp nối truyền thống gia đình.

Mặc dù mới nhập học nhưng chưa có lịch học chính thức tại trường đại học Sư phạm Hà Nội, nữ sinh Dương Quỳnh Châu đã kịp lên kế hoạch cho mình: “Em sẽ cố gắng sang kỳ II của năm nhất, học thêm ngành Toán - Tiếng Anh, để khi ra trường có hai bằng đại học. Sau đó, em sẽ học cao học. Chuyên môn thật vững thì mới có thể giảng dạy tốt và có thể tập trung hoàn toàn tâm trí cho công tác giảng dạy”.

Thầy Đào Quốc Dũng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - cho biết: “Châu là một học sinh có đam mê Toán học và tư duy logic rất tốt. Là một người học Toán nhưng khá toàn diện trong các hoạt động xã hội, đặc biệt, kiến thức và sự tự tin của Châu không hề kém cạnh các bạn nam. Với truyền thống gia đình nhà giáo, Châu đã xác định vào sư phạm từ khi vào lớp 10. Tôi rất trân trọng tình yêu nghề giáo của Châu, thời nay, hiếm có học sinh từ bỏ các trường top đầu để chọn gắn bó với sư phạm”.

Tín hiệu đáng mừng cho giáo dục

Thầy Trần Mộng Lai - Giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ: “Sứ mệnh của nhà giáo rất quan trọng để đào tạo ra nhân tài, nhưng do cơ chế lương thấp và khó xin việc khiến cho nhiều người không còn mặn mà với nghề. Hiện nay, nhà giáo thì nhiều nhưng nhà giáo giỏi thì rất ít... Trong thời buổi nhiều người quay lưng lại với nghề giáo, việc các học sinh giỏi chọn nghề này là một tín hiệu đáng mừng cho giáo dục”.

T.T-Q.T

img