img

Nam cán bộ sở VH-TT Thừa Thiên Huế mặc áo dài đi làm: Những tranh cãi nảy lửa và lời trần tình của người trong cuộc

HÀ LINH

Hành trình tìm lại giá trị và hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân nam – biểu tượng văn hóa một thời bắt đầu rộ với nhiều ý tưởng “độc-lạ”. Trong đó, việc triển khai thí điểm cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở của sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế đang là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, vừa “manh nha”, đề án này đã vấp phải làn sóng tranh cãi, thậm chí bị “ném đá” dữ dội. Một lần nữa, người ta lại lo ngại về tính khả thi của việc nối lại sự “đứt gãy” cho chiếc áo dài ngũ thân nam.

Sự trở lại của một biểu tượng

Ngày 7/9 vừa qua là ngày thứ Hai đầu tiên mà cán bộ sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống đi làm. Đáng chú ý, bên cạnh các cán bộ nữ mặc áo dài tím, thì hình ảnh nam cán bộ của ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế nổi bật với áo dài ngũ thân màu xanh đậm, khăn đóng và đi giày Tây ngay lập tức trở thành tâm điểm bàn luận.

Cũng từ đây đã “nổ” ra một cuộc tranh cãi “nảy lửa” về việc có nên yêu cầu nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân đến cơ quan?

Sau khi thông tin và hình ảnh liên quan được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người đã tán dương hoạt động này của sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế. “Đẹp quá! Thể hiện lòng tự hào và bản sắc dân tộc”; “Phụ nữ mặc áo dài truyền thống trong các ngày lễ, chào cờ, thì nam giới cũng nên thế. Nam hay nữ cũng đều góp giữ gìn truyền thống”; “Nam công chức mặc áo dài đến cơ quan cũng là cách quảng bá du lịch cực tốt cho Huế. Ý tưởng này rất hay”,…là những bình luận thể hiện sự hưởng ứng, đồng tình của khán giả.

img

Nam công chức sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân trong lễ chào cờ đầu tháng 9.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, cũng khá nhiều ý kiến phản đối cho rằng, áo dài không phù hợp với nam giới ở môi trường công sở. Có vài sự không tiện dụng mà nhiều người nhắc đến như sự tốn kém, nóng nực, vướng víu, bất tiện. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, áo dài ngũ thân đã là lỗi thời trong mỗi trường công sở, nên mặc đi làm sẽ không phù hợp, ảnh hưởng tới công việc.

“Trang phục công sở đã được nhà nước quy định từ lâu, việc sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành thêm quy định mới này là không phù hợp”; “Truyền thống cần giữ là tính cách cần cù chăm chỉ, còn trang phục cần có sự thay đổi theo thời đại, nếu cứ phải giống thời xưa thì chả lẽ đóng khố hay sao?”; “Trang phục đi làm cần tiện lợi, thoải mái, chứ lụng thụng, vướng víu rất dễ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc” là quan điểm của một số cư dân mạng.

Ở thời điểm hiện tại, khi nhắc đến áo dài Việt, người ta thường nói nhiều về áo dài của phụ nữ. Thực tế, đã có nhiều đơn vị, cơ quan yêu cầu nữ giới mặc áo dài tới cơ quan vào thứ Hai hàng tuần và rất được hưởng ứng. Tuy nhiên, đối với nam giới, có lẽ đây là lần hiếm hoi người ta thấy các “quý ông” đồng loạt diện áo dài ngũ thân tới cơ quan. Vì sự mới và lạ, nên chuyện tranh cãi trái chiều là khó tránh khỏi.

Trở ngại nối lại sự "đứt gãy"

Giữa “dòng chảy” xô bồ của xã hội hiện đại, người ta bắt đầu tìm về những giá trị truyền thống xưa cũ, và áo dài ngũ thân là một trong những biểu tượng văn hóa một thời được khơi lại.

Mấy năm trở lại đây, “manh nha” khá nhiều ý tưởng tìm lại giá trị đích thực và hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân với mong muốn đưa trang phục này quay trở lại với nhịp sống thường nhật. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn trong xã hội hiện đại.

Bàn về vấn đề này, Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường (trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống thuộc nhóm Đình Làng Việt) cho hay: “Do biến cố lịch sử và nhiều yếu tố tác động mà theo thời gian, chiếc áo dài ngũ thân không còn “đất diễn”, thay vào đó chỉ còn xuất hiện trên sân khấu, các dịp lễ, Tết...

Khoảng vài năm trở lại đây, phong trào mặc áo dài ngũ thân mới bắt đầu dấy lên ở một nhóm nhỏ như Đình Làng Việt, Đại Việt Cổ Phong,…

Từ tình yêu trang phục truyền thống, chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng muốn hồi sinh chiếc áo dài đặc biệt này. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực không hề dễ, nhất là khi các nghệ nhân nổi tiếng một thời giờ đã vắng bóng.

Chúng tôi phải mày mò tìm kiếm lại từ đầu để có thể phục dựng được chiếc áo dài ngũ thân vừa giữ được “hồn cốt” truyền thống, nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại”.

img

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường (trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống thuộc nhóm Đình Làng Việt).

“Muốn áo dài nam hồi sinh và có được sức sống mãnh liệt như áo dài nữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của người “cầm cân nảy mực” là cầu nối cực kỳ quan trọng trong việc nối lại sự “đứt gãy” của biểu tượng văn hóa một thời.

Bên cạnh đó, trong quá trình phục dựng chiếc áo dài ngũ thân, việc kế thừa giá trị bản sắc, hồn cốt truyền thống là điều tiên quyết, nhưng cần thổi hồn để giúp nó hòa mình được vào dòng chảy của xã hội”, Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ thêm.

Quả thực, hành trình hồi sinh và tìm một “chỗ đứng” cho chiếc áo dài nam không dễ, nhất là giữa thời điểm âu phục vẫn đang thịnh hành và những xu hướng thời trang mới liên tục được du nhập vào nước ta.

Việc nam cán bộ, công chức của sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế tiên phong đồng loạt mặc áo dài tới công sở được xem là “điểm sáng” về ý tưởng giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ấy nhưng, vừa “manh nha” đã vấp phải làn sóng tranh cãi, thậm chí bị “ném đá” dữ dội. Một lần nữa, người ta lại lo ngại về tính khả thi của việc nối lại sự “đứt gãy” cho chiếc áo dài ngũ thân nam.

Tất nhiên, đề án này đang trong quá trình thử nghiệm và kết quả ra sao, cần thêm một thời gian nữa mới rõ. Nhưng, nhiều người vẫn hy vọng, “cánh én” nhỏ này sẽ tạo nên kỳ tích, “vượt bão” để làm nên mùa xuân.

img

Hoa hậu Ngọc Hân thướt tha trong tà áo dài truyền thống.

Trên phương diện một nhà thiết kế có tình yêu đặc biệt với áo dài, Hoa hậu Ngọc Hân bày tỏ: “Chưa bàn về việc các nam cán bộ, công chức của sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc đẹp hay không đẹp, mà ấn tượng đầu tiên là họ mặc đúng chiếc áo dài ngũ thân.

Tôi thấy, động thái của phía Sở rất tích cực và đáng hoan nghênh, qua đó giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa tới khách du lịch trong nước và quốc tế.

Còn những ai cho rằng, đàn ông mặc áo dài đi làm bất tiện, đó chỉ là trở ngại ban đầu. Bởi, áo dài của phụ nữ còn chiết eo, không rộng, thoải mái như áo dài nam, mà các chị em còn mặc được và trở thành đồng phục của nhiều cơ quan, đơn vị, vậy thì không có lý gì đàn ông không mặc được áo dài tới công sở.

Tất nhiên, Huế là địa phương “mở màn” nên khó tránh khỏi ý kiến trái chiều, nhưng tôi hy vọng, việc làm này sẽ được lan tỏa trên khắp cả nước”.

Hồi sinh áo dài ngũ thân nam liệu có khả thi?

Bản thân đã có hơn 60 năm nghiên cứu nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền thẳng thắn nêu quan điểm về tính khả thi của việc hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân nam trong xã hội hiện đại.

“Thực ra, những năm gần đây, khá nhiều người có ý thức muốn phục hồi áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Và, việc làm của sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây là góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu giữ ở phương diện tư liệu sẽ tốt hơn, còn giữ bằng cách phổ cấp vào thực tiễn xã hội hiện nay, nhất là yêu cầu cán bộ mặc đi làm e rằng không khả thi.

img

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền.

Trong guồng quay của xã hội hiện nay, xu hướng thường sẽ chọn những thứ thích hợp nhất. Trang phục cũng vậy, và sự thích hợp nhất hiện tại vẫn là sự âu hóa

Nếu diện áo dài ngũ thân vào những dịp lễ hội, Tết, cưới hỏi,…thì có thể chấp nhận, bởi nó ít nhiều gắn bó với quá khứ, nhưng mặc đi làm thì khó mà áp dụng lâu dài được”.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho áo dài ngũ thân nam giới. Áo dài ngũ thân được coi là truyền thống bởi nhà Nguyễn kế nghiệp, có công hoàn thiện, trải dài vài ba trăm năm. Áo có 5 cúc cài thể hiện Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín, có ý nghĩa người mặc áo phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử; mặc áo dài ngũ thân cũng có góp phần chuẩn chỉnh tác phong của đàn ông Việt. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiếc áo này dần rơi vào quên lãng. Giờ đây, hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân nam chỉ còn xuất hiện trên phim ảnh, trong những buổi biểu diễn, hay những dịp cưới hỏi, lễ, Tết.

H.L

img