Gần đây, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật liên tiếp nhận được phản ánh của người dân tại xã Giao Tân (Giao Thủy, Nam Định) về tình trạng UBND xã Giao Tân đưa ra hàng loạt các khoản thu mang tên “tự nguyện”. Đáng nói, dù mang tên “tự nguyện” nhưng lại bắt buộc người dân trong độ tuổi từ 1 - 60 có hộ khẩu tại xã phải nộp đầy đủ như các khoản thu khác theo quy định.
Theo đó, tại sổ thanh toán hộ gia đình của các hộ dân tại xã Giao Tân, ngoài những khoản đóng góp cho xã sau mỗi lần thu hoạch 2 vụ lúa theo quy định của Nhà nước thì hàng loạt những khoản thu mang tên “tự nguyện” như đóng góp để sửa đường giao thông (20.000 đồng/khẩu); đóng quỹ tự nguyện 4 quỹ (2.000 đồng/khẩu) và đặc biệt là quỹ xây dựng phòng chức năng trường mầm non xã (50.000đồng/khẩu).
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long (tên nhân vật đã được thay đổi) ở xóm 12 (xã Giao Tân) chia sẻ: “Từ đầu năm 2019, gia đình tôi nhận được thông báo từ UBND xã Giao Tân về việc đóng góp tự nguyện 50.000 đồng/khẩu/vụ để xây dựng phòng chức năng của trường mầm non xã Giao Tân. Gia đình tôi có 5 người nên tổng số tiền phải đóng là 250.000 đồng/vụ.
Ban đầu, nhận thấy việc nộp tiền để xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non xã là phù hợp nên tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng, sau khi đã đóng góp xong 2 vụ của năm 2019 thì mới đây tôi lại tiếp tục thấy khoản thu này tại sổ thanh toán gia đình. Khi tôi thắc mắc, yêu cầu giải thích rõ về khoản thu tự nguyện này thì cán bộ xã đội lại trả lời một cách vòng vo cho qua chuyện rồi yêu cầu gia đình nộp tiền”.
Ông Long cũng cho biết, khi ông không nộp khoản tiền này thì cán bộ xã liền buông lời “doạ nạt”: “Tôi kiên quyết không nộp thì cán bộ này đe dọa nếu không nộp sẽ có lực lượng của UBND xã và công an xử lý”, ông Long bức xúc.
Người dân trao đổi với phóng viên về các khoản thu tự nguyện tại địa phương.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh N.V.D (xã Giao Tân) không giấu được nỗi bức xúc: “Chúng tôi rất không đồng ý trước cách làm việc của cán bộ xã Giao Tân trong việc thu các khoản phí tự nguyện và đặc biệt là thu quỹ để xây dựng phòng chức năng cho trường mầm non xã. Mặc dù là khoản thu tự nguyện nhưng chính quyền lại có những lời lẽ, hành động như ép buộc người dân phải đóng tiền. Các khoản thu tự nguyện đáng ra phải tùy tâm người dân đóng nhưng, trong sổ thanh toán đã tính số tiền mà hộ dân phải nộp theo quy định”.
Trong khi đó, anh D. cho hay, việc thu quỹ này cũng không được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Dự án xây dựng hết bao nhiêu tiền, số tiền mà người dân đóng góp được là bằng nào,… là những vấn đề người dân quan tâm nhưng không được chính quyền giải đáp.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng trường mầm non xã Giao Tân - cho biết: “Nhà trường chỉ tiếp nhận và đưa vào hoạt động công trình xây dựng phòng chức năng trường mầm non xã Giao Tân từ UBND xã Giao Tân. Do đó, mọi thông tin về việc thu, chi của công trình này nhà trường không nắm bắt được”.
Để làm rõ thông tin phản ánh trên của người dân, ngày 6/7, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Giao Tân. Tại đây, một cán bộ văn phòng xã cho biết: “Thời điểm hiện tại, Chủ tịch và Phó chủ tịch xã đang đi tiếp xúc cử chi nên chưa thể làm việc với cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo và sắp xếp lịch làm việc để thông báo với phóng viên”.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 6/7 đến 20/7 phóng viên đã nhiều lần liên hệ lại với UBND xã Giao Tân thì vị cán bộ văn phòng này vẫn nhiều lần báo lãnh đạo…. bận nên chưa trao đổi được. Vị này cho hay, sẽ báo cáo lãnh đạo rồi chủ động liên hệ lại sau.
Ngày 7/7, phóng viên có mặt tại trụ sở UBND huyện Giao Thủy để liên hệ làm việc. Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Huy – Phó chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy - tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo, tiến hành xác minh, làm rõ thông tin phản ánh và có văn bản trả lời tới cơ quan báo chí.
Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin!
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc huy động vốn từ cộng đồng dân cư phải thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, được sự đồng tình, nhất trí của người dân, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Quyết định số 1600/QĐ-TTg quy định: Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.
N.L