Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào sáng 26/9/2007 đã vùi lấp cả trăm người dưới đống đổ nát của hàng chục tấn bê tông cốt thép. Trong đó xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh), tỉnh Vĩnh Long là địa phương gánh chịu thiệt thòi và đau thương nhất với 34 trong tổng số 55 nạn nhân tử nạn. Hơn 80 người lao động thoát chết nhưng phải mang trên thân thể nhiều thương tật. Hơn hết, là vết thương lòng luôn hằn sâu trong tâm trí gia đình và người thân của họ.
Ông Việt, người may mắn thoát chết nhờ… đôi dép đang trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
Là một trong số các nạn nhân may mắn thoát chết hi hữu, ông Nguyễn Hùng Việt, SN 1958, ngụ phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh cho PV Người Đưa Tin Pháp luật biết, cứ vào những ngày này là trong lòng ông bồi hồi đến khó tả khi nhớ lại sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ của 13 năm về trước.
Ông Việt kể, với nhiệm vụ là đội trưởng bảo vệ công trình, hôm đó (ngày 26/9/2007), ông nhận ca trực vào lúc 5h sáng. Đến khoảng 7h, ông Việt cùng các đồng nghiệp tiến hành kiểm tra các thang lên sàn tại khu vực trụ cầu 14 và không phát hiện gì bất thường. Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau đó, ông Việt nghe thấy âm thanh lạ phát ra kinh hoàng, một đoạn dầm hộp nối các trụ 14 - 15 bất ngờ đổ sập. Trong lúc hoảng loạn, theo phản xạ, ông Việt vội chạy về hướng mé sông Hậu, nhưng chỉ di chuyển được chừng 10 bước chân thì ông té ngã.
Ông Việt chỉ tay về vị trí sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nơi ông gặp nạn và may mắn thoát chết.
“Tôi té ngã là do trượt chân vì mang dép vào công trình. Bởi mấy hôm trước đó trời mưa dầm, các đôi giày nghiệp vụ của tôi đều bị ướt nên phải mang tạm dép. Cũng nhờ mang đôi dép trượt té, tôi mới thoát chết trong gang tấc. Đúng là đôi dép đã cứu tôi sống sót, nếu mang giày là không bị trượt ngã. Tôi chỉ di chuyển thêm vài bước chân nữa thôi là đúng ngay vị trí nhịp dẫn cầu Cần Thơ đổ sập. Danh sách nạn nhân tử nạn đã không bỏ lọt tên tôi đâu.
Ông Việt chỉ tay về khu vụ trụ cầu số 14 nơi các nạn nhân tử nạn.
Tại hiện trường lúc đó vô cùng hỗn loạn, hàng trăm người nằm la liệt dưới khối bê tông khổng lồ, kèm theo tiếng kêu cứu thảm thiết dưới đống đổ nát. Cứ nghĩ mình sẽ chết, đến khoảng 20 phút sau khi định thần lại, tôi mới biết mình còn sống. Khi được sự hỗ trợ của mọi người đưa ra ngoài, tôi chỉ kịp quay lại quan sát, cảnh tượng thi thể người, nhiều máu xung quanh hỗn loạn với đống bê tông thật kinh hoàng. Giây phút ấy khiến tôi ám ảnh, không thể nào quên được cảnh sự sống và cái chết nó cận kề nhau như vậy”, ông Việt rùng mình nói.
Cũng theo ông Việt, trước đó một ngày (tức 25/6/2007), hàng trăm tấm bê tông cốt thép đã đổ lên mặt sàn. Tuy nhiên, sau đó xuất hiện mưa to kéo dài, đến rạng sáng 26/6/2007 trời lại xuất hiện mưa nên sự cố kinh hoàng xảy ra.
Toàn cảnh cầu Cần Thơ.
Dù may mắn thoát chết, nhưng ông Việt cũng bị đa chấn thương với vết đâm xuyên đùi của thanh sắt phải nhập viện cấp cứu điều trị suốt gần 1 tháng. Sau khi bình phục xuất viện, ông Việt tiếp tục trở lại công trình làm việc cho đến ngày khánh thành cầu Cần Thơ 24/4/2010.
Bia tưởng niệm 55 lao động tử nạn trong vụ sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được đặt tại chùa Bồ Đề.
Từ sau sự cố vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cứ đến ngày 26/9, ông Việt lại đến chùa Bồ Đề thắp hương tượng niệm.
Ông Việt hiện là Đội trưởng đội bảo vệ nội bộ của một công ty ở khu vực miền Tây nhưng ông luôn nhớ mãi ngày định mệnh.
Hiện tại, ông Việt đang đảm trách Đội trưởng đội bảo vệ nội bộ của một công ty ở khu vực miền Tây thế nhưng ông luôn nhớ mãi ngày định mệnh đó. Trong suốt thời gian qua, từ sau sự cố vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cứ đến ngày 26/9, ông Việt lại đến chùa Bồ Đề, cạnh hiện trường (thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) để thắp nén nhang tưởng niệm anh em công nhân không may tử nạn như một lời tri ân tận đáy lòng.
T.L