img

Nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: Ngành du lịch sẽ lại lao đao khi mới le lói tia hy vọng

CHÍ THANH

Việc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng sau hơn 3 tháng Việt Nam không có ca nhiễm là "cú sốc" khiến cho ngành du lịch rơi vào tình trạng lao đao. Điều đáng nói, sau một thời gian ánh lên hy vọng về hồi phục du lịch nội địa, lần này, nếu tình hình dịch căng thẳng, các doanh nghiệp du lịch lại rơi vào vòng xoáy của những khó khăn chồng chất…

Hủy, dừng hàng loạt tour du lịch đến Đà Nẵng

Theo ghi nhận của PV tạp chí Đời Sống & Pháp Luật, những ngày qua tại Đà Nẵng, các đoàn khách du lịch đã bị ảnh hưởng rất lớn từ những ca nhiễm Covid-19, họ lo lắng và tìm phương ttiện rời khỏi thành phố này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuấn Hoa, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho biết: "Lượng khách tại Đà Nẵng của doanh nghiệp đã được xử lý, hoặc là đưa về lại TP.HCM và các địa phương khác hoặc là thay tuyến Đà Nẵng bằng các điểm đến khác, như về Bình Thuận hoặc đi Phú Quốc…Dù vậy, tình hình Covid-19 tại Đà Nẵng cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn".

Tương tự, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban tiếp thị công ty Du lịch Vietravel thông tin: "Kể từ ngày 26/7, Vietravel tạm dừng toàn bộ tour du lịch có điểm đến Đà Nẵng trong 15 ngày hoặc cho đến khi có thông báo mới. Hiện tại, khách của công ty có điểm đến Đà Nẵng đã đồng ý chuyển tour đi nơi khác trong dịp hè này để đảm bảo an toàn".

img

Các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch thực hiện tạm dừng tổ chức đón, phục vụ khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoa Huệ, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ với PV: "Tôi có tham gia du lịch Hội An - Đà Nẵng rồi sẽ quay về TP.HCM. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, diễn biến phức tạp nên chúng tôi quyết định hủy tour khi đang trên tuyến tại Đà Nẵng.Việc hủy tour là cùng chia sẻ với doanh nghiệp, các bên hoàn toàn đồng ý, vì đây là sự cố bất khả kháng".

Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động: lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, như: vui chơi giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, quán bar, vũ trường cũng tạm ngưng hoạt động…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng thông tin: "Hiện nay TP.Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội, chưa thực hiện phong tỏa thành phố nên Sở khuyến nghị du khách tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của bộ Y tế và theo dõi các thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh thông chính thống".

"Đối với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đang thực hiện chương trình du lịch hoặc phục vụ dịch vụ, chúng tôi đề nghị tiếp tục phục vụ chu đáo du khách cho đến khi kết thúc hành trình hoặc hỗ trợ khách điều chỉnh chương trình, đổi vé máy bay, đặt dời các dịch vụ tàu, xe…Nếu khách có nhu cầu, đồng thời áp dụng ngay các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 như: thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng và theo dõi biểu hiện nhiễm Covid-19 của nhân viên hoặc khách (nếu có) để kịp thời đưa đến cơ quan y tế", ông Bình nói.

Gắng "vượt bão" chờ ngày "sóng yên biển lặng"

Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành, giảng viên trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho biết: "Chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt, trong một thời gian dài không có ca nhiễm mới là điều kiện vô cùng tốt để phát triển du lịch nội địa. Hơn nữa, ngành du lịch cũng đã lên các phương án, kịch bản để chuẩn bị mở đường biên - đón một số khách thị trường nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại du lịch. Theo tôi hiểu việc mở đường biên cho khách đến, sẽ có máy bay chở riêng (các chuyến charter) và đưa thẳng vào các khu du lịch riêng biệt và không tiếp xúc ở cộng đồng. Ngành du lịch đã có phương án thí điểm tại Phú Quốc, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt".

"Thế nhưng đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, điều này là ảnh hưởng không chỉ du lịch nội địa đang khởi sắc trở lại mà còn kéo theo những vấn đề lớn hơn trong phát triển du lịch quốc tế", Thạc sĩ Thành nhận định.

Thực tế, về việc tổ chức đón khách quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết: "Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ VH - TT và DL chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an… chủ động nghiên cứu, đề xuất và tham mưu thời điểm, thời gian và phương thức mở lại hoạt động du lịch quốc tế - khi đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn. Đối với việc này, TCDL đã xây dựng kế hoạch để làm việc với các bộ/ngành. Trường hợp đón khách quốc tế vào đầu quý 4/2020, lượng khách quốc tế đến chỉ đạt 4,5-5 triệu lượt".

img

Có ca nhiễm Covid-19 trở lại, Việt Nam lại phải xây dựng các kịch bản mới để ứng phó, nhằm hướng đến việc đón khách quốc tế.

Liên quan đến ảnh hưởng của dịch, ông Khánh thông tin thêm, toàn ngành du lịch có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang nghỉ hoặc dừng hoạt động; 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 48% so với cùng kỳ.

Về công suất sử dụng buồng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt xấp xỉ 20%. Hiện nay có rất nhiều cơ sở lưu trú, đặc biệt là tại các thành phố như: TP.HCM, Hà Nội - là các trung tâm du lịch lớn đón nhiều khách du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

Đà Nẵng dừng nhiều hoạt động du lịch

Trước đó, sở Du lịch Đà Nẵng đã thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" dự kiến diễn ra từ ngày 31/7-5/8/2020. Đồng thời, việc đón và phục vụ khách du lịch, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan, tàu thuyền, xe vận chuyển du lịch và các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch thực hiện tạm dừng tổ chức đón, phục vụ khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

C.T.

img