Nếu tăng giá điện sai, xin lỗi xong EVN có trả gần 1.700 tỷ cho dân?

Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, điều cốt yếu là phải công khai, minh bạch và sòng phẳng. Sòng phẳng tức là "tiền trao -cháo múc", EVN có quyền cắt điện nếu người dân đóng thiếu dù chỉ vài đồng bạc lẻ mỗi tháng, vậy nếu tăng giá điện sai (sau kiểm tra) thì hơn 90 triệu khách hàng của EVN có được trả lại tiền hay không?

img
img

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã yêu cầu tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra lại việc tăng giá điện, nếu có trường hợp sai phạm thì phải xin lỗi người dân.

Việc kiểm tra lại quyết định tăng giá điện xảy ra khi người dân đồng loạt lên tiếng về sự bất cập trong cách tính giá điện 6 bậc như hiện nay. Mặc dù đại diện EVN cũng như bộ Công Thương đã nhiều lần lên tiếng giải thích về nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng gấp nhiều lần so với con số 8,36% mà EVN đưa ra, nhưng trên thực tế, gánh nặng tiền điện luôn hiện hữu - đặc biệt vào mùa cao điểm nắng nóng như hiện nay.

Trước đó, ngay trong buổi chiều ngày 20/3 - thời điểm giá điện chính thức tăng thêm 8,36%, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng/năm nhờ quyết định này.

Nghĩa là, sau 1 tháng tăng giá, EVN đã có thể thu về 1.666 tỷ đồng - số tiền này đã được người dân trả vào thời điểm tính hoá đơn điện tháng 4 (chốt số công tơ từ 13/3 - 12/4).

Lật ngược lại vấn đề, nếu sau khi kiểm tra việc tăng giá điện, EVN làm sai thì chưa bàn đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên đới đến đâu, số tiền 1.666 tỷ đồng tăng thu kể trên liệu có được EVN trả lại cho khách hàng hay không?

Hay chăng, mọi việc chỉ dừng lại ở "lời xin lỗi người dân" như ngài Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu?

Đương nhiên, lời xin lỗi của người có chức trách là "nặng tựa ngàn vàng", những nó sẽ khó có thể xoa dịu những bức xúc của người dân mà cứ khi nào giá điện tăng thì "đến hẹn lại lên".

Theo tính toán của bộ Công Thương, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng là hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng. Tôi phải khẳng định lại, số tiền tăng thêm này là so sánh trong tương quan cùng mức tiêu thụ điện trước và sau khi tăng giá - không phải so sánh giữa hoá đơn tháng 2 (chỉ có 28 ngày và người dân nghỉ Tết) với tháng 3, tháng 4 (sử dụng 31 ngày, tháng cao điểm nắng nóng) như nhiều người lầm tưởng.

Vậy vì sao người dân lại bức xúc? Có phải chỉ vì trả thêm vài chục nghìn tiền điện mỗi tháng mà cơn sóng dư luận lại dâng cao như vậy? Xin thưa là không! Việc điều chỉnh giá điện chỉ là phần ngọn, gốc rễ vấn đề là sự công khai, minh bạch và sòng phẳng.

Điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, chỉ có khách hàng cần nhà cung cấp EVN, còn người bán lại chẳng mấy mặn mà khuyến mại cho khách sử dụng sản phẩm của mình nhiều hơn.

Nhưng không vì thế mà thương vụ này chỉ có EVN là người định đoạt. Hơn 30 năm là khách hàng của ngành điện, tuyệt nhiên, tôi chưa từng thấy khi nào EVN đưa ra lý do để giảm giá bán điện.

Khách hàng cần biết được số tiền mình chi ra sẽ được đi vào túi ai? Câu hỏi đặt ra là tại sao bản thân giá điện bình quân đã đảm bảo EVN không thể lỗ, nhưng cứ mỗi năm tập đoàn này lại kêu tăng thu không đủ bù chi, còn nhiều khoản mục phải "treo" để rồi gây áp lực tăng giá.

Hay chăng, EVN lỗ là do những khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, lỗ do tính cả chi phí tiếp khách, tuyên truyền tiết kiệm (năm 2016 là 331 tỷ đồng, năm 2017 là 488 tỷ đồng)....

Thiết nghĩ, việc rà soát lại giá điện chỉ là việc nhỏ, vấn đề cần giải quyết nhất của EVN cũng như bộ Công Thương là phải công khai, minh bạch được những thông tin về ngành điện.

Những báo cáo tài chính bị chậm nhịp thị trường đến hơn 1 năm (tính đến tháng 5/2019, EVN mới công khai báo cáo tài chính tự lập 6 tháng đầu năm 2018 - không có đơn vị kiểm toán, chỉ do Kế toán trưởng Nguyễn Xuân Nam và Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Trí ký), những thông tin yêu cầu được đóng dấu MẬT vì lo ngại tâm lý thị trường khiến cho dư luận càng đặt ra thêm nhiều dấu hỏi.

Một thương vụ đã không sòng phẳng với nhau ngay từ đầu, thì khó khiến cho đôi bên đều hài lòng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img