img

Ngăn chặn bán sách giáo khoa “bia kèm lạc” để sách không “làm vơi bát cơm con trẻ”

Cẩm Mịch

Để nâng cao chất lượng giáo dục, không còn cách nào khác phải bắt đầu từ việc “chặt đứt” tư duy kinh doanh hưởng lợi trong môi trường học đường, mà trong đó, thể hiện rõ nhất thông qua việc nhập nhèm bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc”.

Sách đang làm vơi bát cơm con trẻ

img

Vừa qua, câu chuyện trường tiểu học An Phong (TP.Hồ Chí Minh) đưa ra 23 danh mục sách phục vụ học sinh lớp 1 mà không nói rõ sách tham khảo, khiến phụ huynh không khỏi bức xúc. Đáng nói, đây cũng không phải câu chuyện mới, năm học nào cũng trở thành “tâm điểm” xôn xao, vậy vì sao, nhiều năm nay, tình trạng bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” vẫn còn tồn tại trong nhà trường?

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ: “Những năm qua, vẫn còn một số trường có hiện tượng nhập nhèm sách giáo khoa và đưa ra những cuốn sách “không phải sách giáo khoa” trong danh mục. Điều đó có thể bắt nguồn từ chính việc có “hoa hồng” khi nhà trường cung cấp sách đến phụ huynh học sinh”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - nhận định: “Sách giáo khoa hiện tại đang ở trong tình hình “mất trật tự”. Một chương trình nhưng có 5 bộ sách, phát sinh ra chuyện địa phương tự do chọn sách, có thể chọn từ bộ này làm sách giáo khoa chính rồi chọn sách tham khảo từ bộ kia... Từ đó, dẫn đến câu chuyện các nhà xuất bản đua nhau in sách và bắt buộc bán sách, phụ huynh học sinh phải mua.

Đây là một thực trạng nguy hiểm, “sai một ly đi một dặm”. Chuyện của sách giáo khoa lớp 1, nếu không được giải quyết êm thấm thì sẽ kéo theo đến sách giáo khoa của các lớp tiếp theo, bậc học tiếp theo...

Cả một “núi sách” sẽ được in ra và phụ huynh học sinh sẽ là người phải “ghé vai” vào mua tất. Như vậy thì “chết tiền”! Đối với những gia đình khá giả, đó có thể là con số không đáng kể, nhưng với những gia đình khó khăn hơn thì rất lớn”.

“Ngành giáo dục cứ nêu cao tinh thần “vì tương lai của học sinh”, nhưng thực tế, chính bản thân những cuốn sách bây giờ đang vừa làm hao tổn tinh thần của một đứa trẻ, vừa trở thành gánh nặng cho gia đình học sinh một cách vô lối...

img

Dường như, giữa nhà trường và bên bán sách có hoa hồng, nhà trường muốn có một số tiền thì yêu cầu ban phụ huynh mua sách, tiêu thụ được nhiều sách thì kiếm được nhiều tiền. Như vậy, sách đang “ăn vào”, đang làm vơi bát cơm của những đứa trẻ...” - ông Dong nhấn mạnh.

Để nhà trường không thành nhà buôn...

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin: “Ngay trước thềm năm học mới, phòng GD&ĐT đã đề nghị các trường trên địa bàn chỉ giới thiệu tới phụ huynh những cuốn cơ bản, gần như chỉ có sách giáo khoa và sách bài tập. Trường dùng sách nào phải đưa vào chương trình, Phòng có thể thông qua hoạt động chuyên môn, giám sát, kiểm tra đột xuất để nắm bắt thông tin.

Ngoài ra, phòng còn công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của phụ huynh về các vấn đề trong ngành, bao gồm cả chuyện nhập nhèm sách giáo khoa, sách tham khảo”.

Trước câu chuyện này, nhiều chuyên gia ủng hộ việc xử lý mạnh tay để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm trong giới thiệu sách giáo khoa. Đồng tình với quan điểm đó, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: “Trước hết, chúng ta cần lên án việc bắt buộc phụ huynh học sinh phải mua sách tham khảo khi không có nhu cầu. Hoặc vì một nhóm lợi ích nào đó hay một mục đích nào đó mà nhà trường bắt học sinh phải mua khi các em chưa có nhu cầu.

img

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, phải xử lý thật nghiêm đối với trường nào có dấu hiệu bắt ép học sinh phải mua, tạo ra gánh nặng cho gia đình hay sức ép trong học tập. Phải quyết liệt xử lý những tình huống, có dấu hiệu đó, mà trước tiên là từ Hiệu trưởng, trách nhiệm của người đứng đầu. Sau đó, mới đến các cán bộ, giáo viên, nhân viên liên đới. Người đứng đầu mà quán triệt nghiêm túc thì làm sao có chuyện sai phạm xảy ra?

Hiện tại, do chưa xử lý nghiêm nên mới còn “lỗ hổng”. Hãy làm nghiêm và làm đầy đủ, thậm chí, mức nặng thì cách chức Hiệu trưởng. Như vậy thì sẽ đủ tính răn đe!”.

Kỷ luật Hiệu trưởng phải kỷ luật luôn lãnh đạo liên đới để ngăn tham nhũng tinh vi

Xoay quanh câu chuyện bán sách giáo khoa trong trường học theo kiểu “bia kèm lạc”, khiến phụ huynh không khỏi bức xúc, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, dịch giả, tác giả chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

img

PV: Thưa ông, chuyện nhập nhèm sách giáo khoa trong trường học tồn tại do những nguyên nhân nào?

Tôi cho rằng, câu chuyện tương tự có thể có ở những nơi khác nữa chứ không chỉ có trường nói trên.

Nguyên nhân đầu tiên là nằm trong cơ chế quản lý hành chính giáo dục và tài chính. Về nguyên tắc một đồng chi tiêu của các trường đều phải thể hiện trong báo cáo tài chính và được giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên việc tiếp thị, mua bán sách nói trên nói lên rằng, những người tham gia thu được lợi ích vật chất từ đó và lợi ích này nằm ngoài sự giám sát, tức là không chính đáng.

Từ đó suy ra, cơ chế quản lý có vấn đề. Cần xem xét lại cơ chế quản lý để đảm bảo có sự đối trọng, kiểm soát. Về nguyên tắc cán bộ, công chức khi nhận một xu tiền gì khác ngoài lương đều phải báo cáo và giám sát chặt chẽ. Thực chất việc bán sách hưởng “hoa hồng” ngoài sổ sách như vậy là tham nhũng!

PV: Những tồn tại này sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào cho phụ huynh học sinh và cho chính ngành giáo dục, thưa ông?

Hệ lụy thì rất nhiều. Về mặt vĩ mô, sẽ khiến người dân không tin vào giáo dục, trường học và coi thường những người làm giáo dục. Đồng thời, cũng làm cho người dân phải mất một khoản tiền mua những tài liệu, sách vở không cần thiết, không có chất lượng và chi phí đó trở thành gánh nặng.

Khi không chính đáng thì một xu cũng tiếc và cũng lãng phí, chưa kể là đến hơn mấy trăm nghìn đồng tiền sách tham khảo, bổ trợ không cần thiết vẫn phải mua.

Hệ lụy lâu dài là giáo dục không còn giữ được tính thiêng liêng, tốt đẹp, nhân văn nữa khi nhà trường thành nơi buôn bán, giáo viên, Hiệu trưởng, cán bộ quản lý thành người môi giới, cai thầu.

PV: Với kinh nghiệm nghiên cứu về giáo dục, ông có đề xuất những giải pháp nào ngăn chặn những tiêu cực này?

Như đã trình bày ở trên, tôi cho rằng, cần xem lại cơ chế quản lý hành chính giáo dục và quản lý tài chính. Cơ chế đang tồn tại làm khó các cải cách nhưng lại tạo ra các “lỗ kim” cho các “con voi” tham nhũng chui lọt.

Nhà trường và hệ thống giáo dục không có chức năng phát hành sách, cần minh định rõ điều đó. Nhà trường, giáo viên có thể cung cấp thông tin nhưng mua sách ở đâu (kể cả sách giáo khoa) là chuyện riêng, là quyền lựa chọn của phụ huynh.

Đầu mỗi năm học, bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cho các trường và thông báo rộng rãi trên website, truyền thông đại chúng danh mục sách giáo khoa cần thiết để phụ huynh biết. Đối với những vụ việc được phát hiện phải xử lý theo đúng pháp luật đã có.

Hiện tượng các cán bộ nằm trong hệ thống quản lý giáo dục tham gia hay đứng tên viết sách tham khảo rồi dùng ảnh hưởng, quyền lực của mình để phát hành sách trong hệ thống giáo dục cũng là một hình thức tham nhũng chính sách và quyền lực tinh vi. Nhà nước cần phải có biện pháp ngăn chặn. Nếu bộ GD&ĐT muốn làm, hoàn toàn có thể rà soát xem ai nằm trong số các tác giả này và có tác động gì để đưa sách vào hệ thống trường học không.

Công luận, trong đó, có báo chí cần đóng vai trò tiên phong trong việc giám sát và làm rõ các vụ việc bất chính nói trên.

Cách chức hay kỷ luật Hiệu trưởng là đương nhiên vì Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng nhưng thực tế không có Hiệu trưởng nào trong hệ thống trường công dám “manh động” hay có “sáng kiến” nếu như không có “đèn xanh” hay chỉ đạo (đủ cách) từ phía trên. Vì vậy, khi kỷ luật phải kỷ luật luôn người liên đới trách nhiệm trực tiếp ở phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT địa phương mới công bằng.

Xin cảm ơn ông!

Có nhiều kênh tham khảo hiệu quả hơn sách

“Nếu nói sách để tham khảo, thì tôi tự hỏi, những cô cậu học trò 6 tuổi, vừa bước qua ngưỡng giáo dục mầm non, ở nhà còn bận nhõng nhẽo bố mẹ, có khi nhiều sinh hoạt còn chưa tự phục vụ được mà tham khảo cái gì? Đến người lớn, khi tham khảo những cuốn tài liệu dày khoảng mấy chục trang, cũng chưa chắc đủ ý chí ngồi đọc trọn vẹn. Chưa kể, những cuốn sách đó có thực chất cần để tham khảo hay không, hoặc có cách nào khác, không cần những cuốn sách đó mà học sinh vẫn có thể tìm hiểu thêm các kiến thức khác hay không... Tôi cho rằng, ở thời đại này, đâu có khó gì trong việc cung cấp cho học sinh thêm những tri thức mới mà không nhất thiết phải thông qua sách. Chẳng hạn, hình ảnh, clip trên mạng xã hội, thầy cô và nhà trường có thể chia sẻ đến học sinh, mà lại trở thành một tài liệu sinh động và hấp dẫn hơn đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1, lứa tuổi còn nhỏ như vậy thì điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều lần đọc sách” - GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.

Ngăn nhà trường đưa sách cũ vào danh mục

“Ngay từ đầu năm học, Sở đã có một danh mục định hướng sử dụng những sách tham khảo nào và yêu cầu các trường thực hiện theo đúng định hướng đó, những sách khác là không được bán trong nhà trường. Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những trường nhập nhằng về sách giáo khoa. Hiện nay, trong khi sách tham khảo lớp 1 theo chương trình mới của một số nhà xuất bản vẫn chưa kịp thẩm định và đưa vào nhà trường, Sở phải quán triệt từ sớm, nếu không, nhiều khi, các nhà trường cứ đưa sách của chương trình cũ vào là không được, không phù hợp với chương trình mới” - Ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An thông tin.

C.M

img