img

Ngân hàng “đau đầu” vì áp lực giãn nợ, giảm lãi vay cho khách hàng

HÀ NHÂN

Trong bối cảnh đời sống xã hội ngưng trệ vì dịch Covid-19, nguồn thu nhập của phần lớn người lao động cũng giảm sút nghiêm trọng. Khi tỷ lệ khách hàng đề nghị giãn nợ, giảm lãi vay ngày càng nhiều, các ngân hàng đang vất vả để tránh phát sinh nợ xấu, đảm bảo đủ tiềm lực phát triển kinh tế sau giai đoạn này.

Oằn vai với gánh nặng trả góp

Không chỉ doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều người mua tài sản có giá trị như nhà đất, xe hơi,…theo hình thức vay ngân hàng trả góp lâm vào cảnh khó khăn. Chia sẻ hoàn cảnh có phần tương đồng với nhiều người, anh Nguyễn Thế Vinh, giáo viên môn Vật lý, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, vợ chồng anh đã vay 1 tỷ đồng để mua nhà từ năm ngoái. Với lãi suất 11,45%/năm, hằng tháng họ phải góp 15 triệu đồng cả gốc để trả. Nhưng từ tháng Hai đến nay, anh Vinh mất hẳn nguồn dạy thêm ở trung tâm, chỉ còn lương cơ bản của trường, không có tiền tăng tiết.

“Thu nhập bị giảm đến 60% nên vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi để trả. Túng quá tôi gọi lên ngân hàng hỏi có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay không thì nhân viên ngân hàng cho hay... mới áp dụng cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì chưa”, anh Vinh thở dài.

Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, ngụ quận 3, TP.HCM càng chật vật hơn vì hợp đồng mua một căn hộ chung cư tại quận 7 với giá gần 3 tỷ đồng. Tiền vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm nên trung bình mỗi tháng, họ phải trả góp tiền gốc và lãi gần 16 triệu đồng.

“Tuy nhiên, gần hai tháng qua, thu nhập bị giảm do dịch Covid-19, vợ chồng chị Tâm chưa trả được đồng nào nên ngân hàng đã hoãn giải ngân thanh toán, chủ đầu tư cũng nhiều lần gửi thư “dọa” xử phạt, thanh lý hợp đồng. Trao đổi nhiều lần thì phía ngân hàng mới gửi cho mẫu đề nghị giãn nợ. Tôi đã làm đơn và ngày nào cũng hỏi nhân viên phụ trách hồ sơ nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “đang xem xét” nên rất lo lắng”, chị Tâm nói.

img

Thu nhập giảm sút nên nhiều người chật vật để trả tiền vay ngân hàng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người mua xe trả góp, đặc biệt là tài xế xe công nghệ. Tài xế GrabCar Nguyễn Văn Hinh, ngụ quận 5, TP.HCM cho biết, đang rơi vào khó khăn vì bốn tháng nay làm ăn thất bát, thu nhập giảm sút. Anh buộc phải vay mượn người thân để trả góp cho ngân hàng phần tiền mua xe trước đó.

Không riêng gì anh Hinh, có khoảng 50-80% tài xế taxi công nghệ có vay vốn ngân hàng để mua xe. Trung bình, mỗi tài xế vay khoảng 300 triệu đồng, trả góp trong 48 tháng. Thu nhập bình quân của một tài xế là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Số thu nhập này đủ trả ngân hàng 8 triệu, chi tiêu cá nhân dọc đường 5 triệu, còn lại 7 triệu chi tiêu gia đình.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập của tài xế giảm trung bình khoảng 50%, từ đó kéo theo thu nhập giảm một nửa. Đến đầu tháng Tư, các phương tiện đường bộ đều ngừng hoạt động theo chỉ thị “giãn cách xã hội” nên không còn nguồn thu, tình cảnh càng bế tắc hơn.

Hỗ trợ từng trường hợp cụ thể

Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho hay, khoảng một tháng nay liên tục nhận được đơn, cuộc gọi từ khách hàng hỏi về việc miễn, giảm lãi hoặc giãn nợ cho các khoản vay đến hạn.

Như ngân hàng Sacombank đang soạn thảo quy định nội bộ liên quan đến chính sách hỗ trợ cho khách hàng cá nhân theo hướng cân nhắc từng trường hợp chứ không hỗ trợ đại trà. Đại diện nhà băng này cũng trình bày, tỷ lệ khách hàng đề nghị cơ cấu nợ, giảm lãi đang tăng đột biến.

Có khách hàng chỉ yêu cầu giảm lãi hoặc cơ cấu nợ, nhưng có trường hợp yêu cầu cả hai. Về phía ngân hàng phải rà lại xem các trường hợp đề nghị có đủ điều kiện hay không, chẳng hạn thuộc lĩnh vực nào, có bị tác động trực tiếp hay không chứ không phải trường hợp khách hàng nào cũng được xem xét.

Một trưởng phòng ngân hàng TMCP Kiên Long chia sẻ: “Ngân hàng có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải chủ động đề nghị ngân hàng và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó ngân hàng sẽ thẩm định lại. Do vậy không phải tất cả trường hợp đề xuất đều được xét duyệt. Cũng không có công thức chung mà căn cứ vào mức độ giảm thu nhập của khách hàng”.

Còn TPBank cho biết, ngân hàng này đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng từ tháng 3/2020 và đang tiếp tục triển khai. Ở nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà, ngân hàng chỉ hỗ trợ bằng cách giảm lãi trực tiếp trên hợp đồng, không hỗ trợ cơ cấu lại nợ giống như doanh nghiệp.

img

Các ngân hàng đang xem xét cơ cấu nợ cho từng trường hợp cụ thể.

Theo đại diện Vietcombank, có quá nhiều khách hàng gặp khó khăn nên nếu ngân hàng không gia hạn nợ, giảm lãi suất, các khoản vay sẽ rơi vào nợ xấu. Ngân hàng phải dùng lợi nhuận để hỗ trợ rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh.

“Trước mắt, chúng tôi quyết định không hỗ trợ đại trà mà chỉ hỗ trợ những cá nhân vay bị cách ly. Người cách ly là công chức, viên chức, công nhân lao động phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế, văn bản xác nhận giảm thu nhập; người kinh doanh nhỏ lẻ, người cho thuê nhà trọ cũng phải chứng minh hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Nếu chứng minh được việc bị giảm thu nhập, khách hàng sẽ được giảm lãi trực tiếp hoặc gia hạn nợ trong vòng một năm”, đại diện Vietcombank cho hay.

Ngân hàng Techcombank cũng vừa công bố gói giải pháp cơ cấu nợ toàn diện 30.000 tỷ đồng bao gồm miễn giảm lãi, điều chỉnh giảm lãi suất, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó có 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.

Với khách hàng cá nhân, ngân hàng này sẽ giảm lãi suất cho vay mới hoặc tái cấp khoản vay từ ngày 1/4 đến 30/6 đối với các hộ kinh doanh, cá nhân vay tiêu dùng thế chấp bất động sản, vay mua và xây sửa nhà... chịu các tác động ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Cần chia sẻ khó khăn cùng nhau

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đưa ra mức ưu đãi cho khách hàng mới là không hiệu quả, do ảnh hưởng của dịch nên người có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ giảm mạnh. Các ngân hàng cần tập trung vào việc giãn nợ, cơ cấu, thay đổi thời gian kỳ hạn, cũng có thể khoanh nợ, chuyển nhóm nợ.

Giải pháp này không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế. Bởi lẽ, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng. Nếu các ngân hàng cứ áp dụng duy trì mức trả nợ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ rơi vào cảnh nợ xấu, hoặc hạn chế tiêu dùng.

“Người vay tiền giảm thu nhập trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định, nghĩa là sẽ phải hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, sản xuất lại đình trệ, dễ dẫn đến suy thoái. Khi đó, lượng thất nghiệp lại có thể gia tăng. Đó là một vòng luẩn quẩn rất có thể xảy ra”, ông Hiếu phân tích.

Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ những người tiêu dùng cuối cùng, kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.

img

Ngân hàng cần phát huy bản lĩnh điều hành để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Giới chuyên gia cũng nhận định, rất khó nếu trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ ngân hàng vì họ cũng là đơn vị kinh doanh. Do vậy, khi phải cân đong đo đếm nguồn thu - nguồn chi, ngân hàng sẽ thực hiện rất chừng mực cũng như xem xét, chọn lựa các khách hàng để cơ cấu nợ.

“Ngoài hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính vẫn chưa có động thái nào về việc giảm lãi vay cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng hiện nay. Trong khi đó, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tiêu dùng thường rơi vào các công ty tài chính”, một giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM cảnh báo.

Theo nhận định của công ty CP Chứng khoán Bản Việt, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, ước từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.

Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%. Cho nên dung lượng thị trường rất lớn, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hiện có 18 công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 6 công ty nước ngoài.

H.N

img