Ngáo đá chém chết 5 người: Làm sao để khỏi chết oan?

Từng có câu “Ra đường sợ nhất công nông”, bởi có thời kỳ đây là phương tiện giao thông đi lại “hung hăng” chẳng né tránh ai. Ngày nay chắc ra đường sợ nhất ngáo đá, chẳng may gặp phải đối tượng như tên Hoàng Văn Chín ở Thái Nguyên, “hạ thủ” chẳng “lưu tình”, chỉ vài nhát dao là một lúc đoạt mạng 5 người liền…

img

Vụ truy sát ở Thái Nguyên sáng 26/12 khiến 5 người chết, một người bị thương đang khiến cả một vùng quê run rẩy, u ám trong bầu không khí sợ hãi và tang tóc.

Chỉ vì mâu thuẫn với vợ là chị Ma Thị Hường (SN 1976, ở xóm Lương Bình 2, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) mà 5h sáng cùng ngày, trong cơn “ngáo đá”, đối tượng Hoàng Văn Chín (sinh năm 1976) cầm dao sát hại chị Hường tử vong rồi truy sát liên tiếp 5 người khác khi họ sang can ngăn hoặc y gặp trên đường.

Hậu quả là 4 người nữa (anh rể, cháu ruột, hàng xóm) bị Chín chém tử vong, gồm anh Lường Văn B. (SN 1974); anh Hoàng Văn L. (SN 1975), chị Trần Thị H. (SN 1984), anh Hoàng Văn N. (SN 1994), cùng trú xóm Lương Bình 2.

Ngoài ra, một người bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện là ông Lường Văn Hoàng (SN 1966).

Mặc dù kẻ thủ ác đã bị công an bắt giữ chỉ sau vài giờ lẩn trốn trên đồi, song những gì hắn gây ra thì còn gây hậu quả nặng nề cho nhiều người, trong nhiều ngày sau đó.

Năm mạng người chết oan và gia đình của họ, nỗi đau này không cần nói thì ai cũng hiểu nó khủng khiếp đến mức nào.

Chỉ vì tốt bụng sang can ngăn Chín mà vợ chồng anh L và chị H phải chết một cách đau đớn, để lại hai đứa con thơ đang tuổi ăn học.

Em N vốn đã chịu thiệt thòi vì bố mẹ mất nay cũng đột ngột ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, vì nhát dao của người chú trong gia đình.

Bản thân Chín cũng có 2 con đã trưởng thành. Đang đi làm, hai cô gái trẻ bị gọi về để chứng kiến bố giết mẹ, có nỗi cay đắng nào hơn dành cho cuộc đời quá dài còn lại của họ?

Điều đáng nói, nhiều bi kịch gia đình, xóm làng tương tự do “ngáo đá” (từ thông dụng chỉ những người bị ảo giác do sử dụng ma tuý tổng hợp) gây ra đang phổ biến đến mức ai cũng cảm thấy bất an vì ra đường là gặp ngáo đá, nhìn ai có biểu hiện bất thường kiểu ngáo đá là nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của mình.

Các nhà chuyên môn đã cảnh báo, người sử dụng ma tuý tổng hợp thường xuyên, với liều lượng và cấp độ cao, ở giai đoạn nghiêm trọng sẽ dẫn tới hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi….

Những phản ứng này rất dễ dẫn tới các hành vi nguy hiểm như phóng xe nhanh gây tai nạn, cào rách mặt mũi, tháo cuộn giấy vệ sinh giăng mắc khắp phòng, leo cột điện, phi người từ mái nhà xuống đất, chém giết người…

Trên thực tế, hồi tháng 11/2018, dư luận từng thót tim vì "ngáo đá" ở TP Vinh thả rơi con ruột từ mái nhà xuống đất, rất may cháu bé được cứu sống. Trước đó, tháng 9/2017, một "ngáo đá" khác ở TPHCM trong khi phê thuốc đã nhìn nhầm người yêu thành yêu quái nên dùng búa và kéo đập nhiều nhát vào đầu cô gái khiến cô này tử vong.

Và hẳn chúng ta cũng chưa quên bi kịch của chàng “ca sĩ hội chợ” Châu Việt Cường, chỉ vì lên cơn "ngáo" mà nhét mấy chục nhánh tỏi vào miệng một cô gái khiến nạn nhân chết ngạt.

Ngoài ra, những câu chuyện nghịch tử sát hại mẹ, cắt cổ cha vẫn đầy rẫy trên báo chí, mạng xã hội và được truyền tai nhau ở nhiều đường làng, góc phố.

Vấn đề ở chỗ, ai cũng thấy những đối tượng “ngáo đá” là thành phần đặc biệt nguy hiểm cho xã hội song chế tài quản lý, xử lý những đối tượng này hiện nay vẫn còn rất bất cập.

Theo Điều 28 – Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi bổ sung năm 2008, “Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Nghị định 866/VBHN-BLĐTBXH ngày 15/5/2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” cũng xác định có 3 đối tượng thuộc nhóm phải đi cai nghiện bắt buộc.

Đó là, người nghiện ma tuý đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định; Hoặc người có nơi cư trú ổn định nhưng đang trong thờ gian phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; Hoặc đã hết hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện.

Tuy pháp luật hiện hành quy định chi tiết, chặt chẽ về đối tượng phải đi cai nghiện tập trung, bắt buộc nhưng vẫn có “kẽ hở” là cho phép được tự cai nghiện ban đầu tại gia đình. Từ đó nảy sinh vấn đề nhiều gia đình thương con, không tự cai nghiện được cho con nhưng cũng không đưa đi cai nghiện tập trung vì sợ con khổ. Hậu quả là nhiều ông bố bà mẹ bị nghịch tử sát hại chỉ vì tình yêu thương thiếu hiểu biết này.

Ngoài ra, vì ma tuý tổng hợp là một loại ma tuý mới xuất hiện ở Việt Nam do đó pháp luật chưa có quy định riêng dành cho đối tượng sử dụng nó. Nếu như trước đây, những kẻ tiêm chích ma tuý, hút heroin dễ dàng bị cộng đồng nhận diện do hình dáng gầy gò xanh xao, mắt trắng môi thâm, đi lại vật vờ của con nghiện, thì ngày nay những biểu hiện của người nghiện ma tuý đá không rõ ràng nên rất khó nhận diện để đề phòng.

Kể từ lần bị phát hiện đầu tiên ở Hà Nội năm 2006, đến nay ma tuý đá đã tồn tại 13 năm ở Việt Nam, gây ra biết bao nhiêu mất mát tổn hại cho đời sống xã hội. .

Không phải bây giờ thì bao giờ? Pháp luật, bên cạnh việc xử lý nghiêm mọi hành vi tội phạm liên quan đến ma tuý đá, cần nhanh chóng đưa ra những quy định, chế tài đủ mạnh để sàng lọc, nhận diện và đưa những con nghiện ma tuý đá đi cai nghiện tập trung, cải tạo nhận thức.

Phải coi những người nghiện ma tuý đá là đối tượng đặc biệt nguy hiểm và cách ly khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt. Có như vậy mới không còn những cái chết oan ức, những gia đình ly tán, xóm làng tang tóc vì “ngáo đá” như bi kịch vừa xảy ra ở Thái Nguyên.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img