Một trong những tập tục xấu của người Việt trong ngày Tết là ăn uống ngập ngụa, lãng phí, chủ nhà liên tục gắp đồ ăn cho khách khiến ai nấy đều khó xử vì chán ngán và mất vệ sinh.
Còn gần một tháng nữa là đến Tết, chỉ nghĩ vậy thôi tôi đã thấy nản vô cùng. Chắc nhiều người sẽ trách tôi là kiểu phụ nữ cầu toàn quá đáng, việc gì cũng ôm đồm xong rồi lại kêu ca. Hoặc là kiểu phụ nữ cứ thích làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Tôi sinh ra trong một gia đình lao động bình dân ở Hà Nội, bố mẹ tôi trọng lễ nghĩa nhưng không cầu kỳ thủ tục nên bao nhiêu cái Tết đã trôi qua khá nhẹ nhàng đầm ấm.
Bản thân tôi cũng chủ trương lối sống tối giản. Tết nhất, trước hết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi sau một năm lao động và học tập vất vả. Sau đó là thăm nom họ hàng, chúc tụng hàn huyên… Ăn uống có thể đặc biệt hơn ngày thường nhưng không quá sa đà vào cỗ bàn lãng phí.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi tôi lấy chồng. Vợ chồng tôi có nhà riêng ở Hà Nội nhưng năm nào cũng phải về quê ăn Tết cùng nhà chồng. Bố mẹ chồng tôi vào ngày thường thì ăn uống đạm bạc nhưng mỗi khi có khách, nhất là dịp tết, thường tổ chức tiệc tùng rất linh đình.
Từ đó, những cái Tết đối với tôi không còn mang ý nghĩa là nghỉ ngơi. Tôi cùng mẹ chồng đi chợ quần quật ngày 30. Xong bữa cơm tất niên là đến mâm cỗ cúng Giao thừa. Ngoài việc duy trì cơm cúng gia tiên suốt mấy ngày Tết thì mùng 1, mùng 2, mùng 3, tôi chỉ quanh quẩn trong bếp vì cô dì chú bác đến chúc Tết là lại ngả mâm ra ăn, tốp này vừa đi, mâm vừa dọn thì tốp kia đến, lại dọn mâm.
Mà nhà nào cũng gà cũng xôi cũng bánh chưng…, nhìn đã ngán nhưng vẫn phải bày ra.
Và còn một điều này nữa, bố mẹ chồng tôi hay có thói quen gắp đồ ăn cho khách khiến họ rất khó xử. Nhiều người chỉ định ngồi ăn chiếu lệ nhưng ông bà cứ tiếp đầy bát để bày tỏ sự mến khách. Hai bên “giằng co” gắp qua gắp lại rồi cuối cùng đồ ăn còn nguyên, khách về là tôi lại phải đổ đi rất lãng phí.
Người quê vốn chân chất, các cô chú tôi ở quê ai cũng có thói quen này. Họ thường xuyên dùng đũa đang ăn của mình khoắng vào bát canh, đĩa thịt để gắp cho khách. Có ông chú ăn xong rồi, đang ngậm cái tăm, lại rút tăm trong miệng ra xiên miếng giò bỏ vào bát tôi. Đám thanh niên rúc rích cười còn tôi thì hoàn toàn “đứng hình”, miệng vâng dạ cảm ơn nhưng chỉ mong ông chú đứng lên để mình thoát khỏi miếng giò đó.
Đành rằng ăn uống là tiết mục không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, người Việt thường có câu về quê “ăn Tết”, có ý đề cao bữa cơm truyền thống vào dịp này. Tuy nhiên ăn uống sao cho vừa phải, hợp lý để ai cũng cảm thấy ngon miệng, bớt khó xử, không phải đổ đi lãng phí, không trở thành gánh nặng cho ai… là câu chuyện mà nhiều gia đình hiện nay vẫn chưa thật sự coi trọng.
Có vài lần tôi góp ý với mẹ chồng thì nhận được lời giải thích là ở quê nhà nào cũng vậy, chẳng nhẽ cả năm có ngày Tết khách đến lại không mời họ được bữa cơm. Mà người quê hay giữ ý, không gắp thì họ ít ăn nên chủ nhà thường phải tiếp đồ ăn để bày tỏ sự hiếu khách.
Thế là tôi hiểu từ nay trở đi Tết của tôi chỉ toàn là quần quật ăn uống và bếp núc. Tôi phải làm sao để có được những ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa sau cả một năm trời lao động vất vả đây?
*Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.