Nếu làm nghề chỉ để mưu sinh đơn thuần và thoả mãn khâu “oai”, hầu hết người làm báo đều thất vọng vì công việc “phu chữ” vốn nhọc nhằn, khắc nghiệt hơn so với tưởng tượng ban đầu. Còn tôi, đã chọn nghề như một hành trình sống, và tôi thấy mình thật sự giàu có kể từ khi bước chân đi làm báo
Năm 1999, khi còn là tân sinh viên Báo chí, tôi nhớ trong một buổi nói chuyện chuyên đề ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện), nguyên Tổng biên tập báo An ninh Thủ đô – ông Đào Lê Bình có nói một câu: “Tôi hi vọng các bạn ngồi đây sẽ có 25% trụ lại được với nghề sau này”. Đối với tôi, câu nói của vị tiền bối đã mang đến một dư vị ám ảnh thật sự.
Bởi, với lũ sinh viên Báo chí chúng tôi năm ấy, sau khi vừa trải qua cuộc thi đầu vào khắt khe với tỷ lệ 1 chọi 80, đang sống những ngày tháng “Mặt Trời chân lý chói qua tim”, thì việc mình có thể thuộc về con số 75% là điều không thể chấp nhận được.
Chúng tôi được đọc những câu: “Nhà báo là chân luôn đi, tai luôn nghe, mắt luôn quan sát, đầu luôn nghĩ, mỗi sợi tóc là một cần anten”, “Nghề báo là nghề mà mỗi sáng múc một thìa não bỏ vào ly cà phê rồi uống”…
Những năm 1998 – 1999, khi chúng tôi học năm đầu đại học thì trên thế giới nổ ra cuộc chiến tranh Kosovo, là một cuộc xung đột vũ trang giữa người Serbia và lực lượng an ninh Nam Tư với quân giải phóng Kosovo – một nhóm quân đội người thiểu số Albania đòi ly khai khỏi nước Nam Tư cũ.
Trong một tiết học, thầy giáo ra đề kiểm tra ngắn: “Nếu được Ban biên tập thông báo phải lên đường đi Kosovo tác nghiệp ngay bây giờ, anh chị sẽ mang theo những gì?”. Và rồi, những câu trả lời cho biết hành trang của nhà báo sẽ mang theo bàn chải đánh răng hay quá nhiều vật dụng cá nhân đều bị cho điểm kém, bởi nhà báo khi đó nên nghĩ về trách nhiệm phụng sự nhiều hơn là sự tiện nghi cá nhân.
Có thể nói, trong khi được truyền cảm hứng về nghề, chúng tôi cảm nhận được hào quang của nó, rằng nghề báo sẽ mang lại những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc thú vị, được trọng thị, bài viết lên trang sẽ tác động đến nhiều người… Nhưng khi còn quá trẻ, tôi và phần lớn đám bạn học khi ấy đã choáng ngợp vì nghề đến nỗi quên mất rằng cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng nhiều hơn.
Bây giờ, nhớ lại cái thuở mới lẫm chẫm viết báo, tôi không khỏi cảm thấy rất buồn cười. Những năm tháng học ở trường Báo, lũ sinh viên “ngựa non háu đá” chúng tôi đã gây nên bao chuyện dở khóc dở cười cho chính các thầy cô trong trường. Còn nhớ, trường nằm trên đường Xuân Thuỷ, ngay cạnh cổng chính (bây giờ là nhà sách Tiến Thọ) có một quán trà đá kiêm photocopy, là nơi mà lũ sinh viên chúng tôi thường ăn sáng, uống nước, tiếp bạn bè, photo tài liệu… Một ngày đẹp trời, quán bị lực lượng chức năng “hốt” sạch, sinh viên không còn chỗ tụ tập. Hỏi ra mới biết, có cô bạn lớp bên vừa xin được chân cộng tác viên mục “Đường dây nóng” của một tờ báo, và cô quyết định khai thác ngay những đề tài gần gũi xung quanh bằng cách chụp một bức ảnh thể hiện cảnh sinh viên ngồi tràn lan lấn chiếm vỉa hè.
Một lần khác, Hà Nội mùa mưa bão, sân trường Báo vốn nhiều cây to nên cành lá rụng đổ khắp sân. Xe thu gom rác tập kết ở sân trường chưa kịp đưa đi liền bị chính sinh viên trong trường phản ánh lên báo về tình trạng rác thải lưu cữu mất vệ sinh, cây đổ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vv... Thế là thanh tra giao thông công chính về làm việc, lãnh đạo trường mướt mải giải trình. Sau lần đó, những bài giảng trên lớp của lũ sinh viên năm Nhất chúng tôi đột xuất được “gia cố” thêm nhiều kiến thức về trách nhiệm xã hội của người làm báo, mặc dù theo chương trình thì những học phần đầu chúng tôi mới chỉ đang học kiến thức đại cương.
Lan – cô bạn thân hồi đại học của tôi khi ấy thường cùng tôi đạp xe đi loanh quanh thành phố để viết bài. Mười chín tuổi, kiến thức xã hội trong đầu chẳng có gì mấy, kỹ năng chưa có, vậy nhưng hai đứa rất thích xông pha vào những đề tài nóng kiểu như “Đào đãi cát tự phát ở sông Hồng”, “Khai thác than trái phép ở Bắc Ninh”… Còn nhớ cái buổi trưa nắng chang chang, chúng tôi rong ruổi ở Bắc Ninh và nhìn thấy một bãi tập kết nhiều than tổ ong, công nhân làm than không có trang phục bảo hộ, nước đen kịt vì than đổ xuống cống… Lan dựng chân chống xe, chống nạnh hỏi to: “Bãi than này của ai ấy nhỉ?” – “Của tao. Làm sao??”, một người đàn ông lực lượng, xăm trổ xuất hiện, hất hàm nhìn hai đứa oắt con thách thức. Sợ mất mật, chúng tôi dắt xe chuồn thẳng. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười.
Sau này, khi đã đủ trải nghiệm với nghề, tôi mới hiểu rằng thứ hào quang ban đầu ấy sẽ nhanh chóng vỡ vụn như bong bóng xà phòng, nhường chỗ cho vô vàn cực nhọc lẫn khắc nghiệt. Và nó đủ sức khiến nhiều người phải bỏ cuộc, nếu như bản thân không tìm thấy lý do chính đáng để yêu nghề.
Năm 2015, khi đang là một phóng viên mảng Pháp luật, tôi được giao phỏng vấn Thiếu tướng Công an Hồ Sỹ Tiến, khi ấy ông là Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 – Bộ Công an) và vừa phá án thành công vụ thảm sát Yên Bái. Tôi gọi điện liên hệ và được ông đồng ý cho gặp vào 2h chiều ngày 18/8/2015. Thế nhưng khi tôi đến nơi, ông lại đổi ý và bảo “Nếu cháu xin thông tin vụ án thì chú cung cấp chứ chú không lên báo phô trương thành tích đâu. Cả ngày hôm nay chú đã từ chối 20 báo rồi”. Thuyết phục không được, tôi xin phép đứng chờ ngoài hành lang cho đến khi ông đồng ý trả lời phỏng vấn.
Thế nhưng 4 tiếng đồng hồ trôi qua, ông Cục trưởng sắt đá - vốn là nỗi khiếp sợ của bọn tội phạm – vẫn để tôi đứng chôn chân phơi nắng bên ngoài phòng làm việc của mình mà không hề “rung động”. Bài phỏng vấn này đã ấn định lên trang vào ngày kỷ niệm ngành Công an 19/8, tôi không thể về không. Nghĩ vậy, tôi quyết định gõ cửa phòng ông lần nữa và nói một câu sắt đá không kém: “Bọn tội phạm không hề muốn gặp chú nhưng vì đó là công việc nên chú sẵn sàng lên rừng xuống biển để gặp chúng. Ngày hôm nay cháu nhất định phải phỏng vấn được chú vì đó là công việc của cháu”. Ông Cục trưởng trố mắt kinh ngạc rồi cười to: “Thôi được rồi, vào đây!”.
Cuộc phỏng vấn thành công ngoài mong đợi. Nhưng trên đường về tôi đã khóc xối xả như mưa, cảm giác ấm ức không thể nào diễn tả nổi.
Năm 2016, tôi lên Lào Cai viết về vụ hàng loạt cựu chiến binh đồng loạt bị hạ mức trợ cấp nạn nhân chất độc màu da cam. Tự bỏ tiền taxi đi lại để các bác cựu chiến binh dắt mình đi tập hợp hồ sơ tài liệu, tiếp xúc người nọ người kia… xong cuối cùng các bác ấy lại bảo: “Thôi cháu ạ, cứ để từ từ…”. Tốn kém và về không, đó là kết quả của bao nhiêu lần đi tác nghiệp không thành.
Và vô vàn lần người được phỏng vấn thẳng thừng không tiếp nếu chỉ đến muộn sau 5-10 phút vì tìm đường. Vô vàn lần người được phỏng vấn bảo: “Thôi, báo chí mà làm gì? Cứ để yên cho anh làm…!!”.
Chính từ trong những tình huống khó khăn đó, tôi học được cách nhẫn nại, không vội từ bỏ mục tiêu, linh hoạt trong cách tiếp cận nhân vật miễn là đạt hiệu quả. Tất nhiên không tránh khỏi thất bại, trường hợp đó tôi lại học được kỹ năng quản trị cảm xúc, quản trị sự thay đổi để luôn luôn giữ được tình yêu đối với nghề.
Năm 2017, tôi đi Hoà Bình viết về một trường hợp học sinh lớp 7 nhưng chưa biết đọc biết viết. Trước đó đã có một vụ học sinh lớp 5 chưa biết chữ ở Hà Giang gây chấn động dư luận nên tôi đã rất kỳ vọng bài báo này sẽ gây tiếng vang. Nhưng cuối cùng, sau khi tiếp xúc tìm hiểu vụ việc, tôi quyết định không viết nữa. Bởi em học sinh đó có số phận rất đặc biệt, bị thiểu năng, gia đình không có khả năng chữa trị nên mặc dù chỉ ngồi trong lớp mà không hiểu gì, các thầy cô giáo qua các cấp học đều độ lượng cho em một cơ hội hoà nhập. Học bạ mỗi năm đều ghi rõ tình trạng. Tôi hiểu rằng trong một số trường hợp, không viết gì chính là thể hiện trách nhiệm xã hội cao nhất của nhà báo.
Cũng năm 2017, tôi và Vinh – cậu em đồng nghiệp cùng cơ quan – đi Quảng Ninh viết bài về một gia đình do tin tưởng người thân trong làm ăn mà bị ngân hàng siết nợ, cả nhà 4 người bỗng “không một tấc đất cắm dùi”. Năm ấy Quảng Ninh bão to, người chồng đang trong cảnh mất nhà, khánh kiệt tài sản, đã phải sang hàng xóm mượn một cái xe máy để chị em tôi đi lên UBND phường làm việc, còn anh này lẽo đẽo chạy bộ phía sau. Hình ảnh thật dễ khiến người ta chạnh lòng.
Sau đó, dường như đặt trọn niềm tin vào chúng tôi, người chồng ra hiệu cho người vợ và một lát sau người vợ trở về, đưa chúng tôi một tập tiền 500 nghìn đồng. Dường như họ vừa vay mượn đâu đó. Tập tiền còn ướt vì mưa bão. Chúng tôi không nhận của họ một xu nào. Hình ảnh tập tiền ướt nhẹp và người chồng chạy bộ theo xe chúng tôi trở thành một ký ức không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của mình.
…..
Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị khởi tố cho thấy tình trạng nhiều người làm báo vẫn còn ảo tưởng với hư vinh, với quyền năng của cái nghề vốn được coi là “quyền lực thứ tư” nên đã dựa vào đó để kiếm tiền bất chính.
Tôi nghĩ rằng, trong cuộc hành trình làm nghề, chính những người làm báo sẽ tự phân loại mình. Làm báo để làm gì? Quyền năng lớn nhất của báo chí là phản biện xã hội, nhưng mọi sự phản biện cũng chỉ nên vì mục đích phụng sự xã hội, cụ thể là phụng sự chân lý, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Còn nếu làm báo chỉ để kiếm tiền thuần tuý, thể hiện cái tôi, thì người làm báo không bao giờ có thể trở nên “giàu có” – theo cái ý nghĩa cao quý của nghề.
Năm nay, tôi và những đồng nghiệp có thêm một trải nghiệm “đắt giá” khi tờ báo điện tử chuyển đổi sang mô hình tạp chí. Một cuộc “thay da đổi thịt” ít nhiều “trày trụa” kiểu ve lột xác nhưng chúng tôi tin rằng sẽ thành công trong việc biến “nguy” thành “cơ”. Làm tạp chí nghĩa ra chúng tôi sẽ chậm lại một nhịp so với những tờ báo vốn có chu kỳ sống của tin tức rất ngắn. Nhưng chúng tôi đưa tin sâu hơn, đưa tin có quan điểm và tin rằng sẽ tạo được hiệu ứng xã hội nhất định.
Đến giờ, sau nhiều năm làm nghề, chúng tôi vẫn hỏi nhau: “Nghề báo có vinh quang không?” Câu trả lời là có. “Nghề báo có được xã hội trân trọng không?” Cũng xin trả lời là có. Nhưng với điều kiện: Chúng ta làm báo như thế nào? Nếu chỉ mưu sinh thuần tuý, thể hiện cái tôi cá nhân mà không thể góp phần mang lại một chút tiến bộ nào đấy cho xã hội, dù là nhỏ bé, thì việc chúng ta làm, suy cho cùng cũng chỉ như người nông dân ngày ngày tự cày cấy trên thửa ruộng chữ nghĩa cho chính mình hưởng mà thôi.
Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đây là tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam, được viết bằng chữ Quốc ngữ, trên giấy sá, in bằng bàn tay. 95 năm trôi qua, mỗi dịp tháng Sáu về là những người cầm bút lại cảm thấy trong lòng những chộn rộn khó tả, đầy tự hào nhưng cũng lắm suy tư.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả