Hướng đến phát triển bền vững và hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tăng cường tuyên truyền về Nghị định Thư Montreal, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của toàn xã hội và thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam và cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu.
Chủ đề “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vắc-xin” nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozone giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vắc-xin.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS - Vũ Thanh Ca, chuyên gia lĩnh vực Môi trường, giảng viên cao cấp tại ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định : “Đây là một chủ đề đúng cho mọi thời đại, nhưng đặc biệt đúng, mang tính thực tiễn cao và cấp bách trong năm nay, khi mà dịch bệnh đang hoành hành trên toàn thế giới, nhu cầu làm lạnh tăng lên và gánh nặng tài chính đang đè lên người dân".
Trước tiên, cần xét đến tình hình dịch Covid-19 đã đưa tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển vào tình thế rất khó khăn do giãn cách xã hội dài ngày. Người dân ở nhà nhiều hơn, nhu cầu dự trữ thực phẩm đông lạnh, sử dụng điều hoà nhiệt độ tăng cao - một trong những nguyên nhân gây sự suy giảm tầng ô-dôn và gia tăng chi tiêu cuộc sống.
Trên thực tế, Nghị định Thư Montreal từ năm 2018 đã đưa ra Sửa đổi Kigali quy định các quốc gia tham gia trong đó có Việt Nam, phải cam kết giảm sản xuất và sử dụng các chất HFC theo mức độ cho phép. Bởi ngành công nghiệp làm lạnh đã và đang tạo ra những “lỗ thủng Ozone” trong tầng khí quyển, gia tăng lượng tia UV tới mặt đất, làm Trái đất nóng lên từng ngày.
Theo ông Thanh Ca, Sửa đổi Kigali cũng cung cấp cơ hội để thiết kế lại và cải tiến các hệ thống làm lạnh, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, việc này có giá trị với Việt Nam tới tận bây giờ. Việc giảm tiêu thụ các chất HFC và tăng hiệu quả làm lạnh cũng sẽ giúp làm giảm tiêu hao thực phẩm, đặc biệt là với các nước đang phát triển, đây là một cách tiết kiệm tài chính cho người dân nếu sử dụng những sản phẩm từ quy trình này.
Ngoài ra, vắc-xin ngừa Covid-19 cũng cần được bảo quản trong tủ lạnh. Thậm chí, vắc xin Pfizer – BioNTech cần được bảo quản trong tủ lạnh sâu với nhiệt độ nằm trong khoảng từ -90oC tới -60oC. Đối với các tủ lạnh loại này, thiết kế và cải tiến trong công nghệ, đảm bảo được các chức năng của tủ lạnh mà vẫn tiết kiệm điện lại càng quan trọng.
Công nghệ làm lạnh mới, tiết kiệm điện sẽ giúp chúng ta tiết kiệm tiền và tránh vòng luẩn quẩn phải làm mát, dùng điện, tăng phát thải và hậu quả cuối cùng của việc làm mát là tăng nhiệt độ trái đất, tức là lại phải dùng nhiều điện hơn.
Có lẽ đây là chủ đề gắn liền với mọi thời đại bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của mỗi cá nhân trong đời sống hằng ngày. Ông Thanh Ca cho rằng việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc Nghị định Thư năm nay mang lại nhiều giá trị tích cực cho quốc gia trên con đường phát triển lâu dài. Bởi thực tế đã chứng minh, trong 27 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việc phổ biến Nghị định trong cộng đồng, sẽ giúp người dân hiểu đúng hơn về yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiêu dùng, đặc biệt là tiết kiệm điện, giảm phát thải và giảm chính gánh nặng tài chính cho con người.
Đối với các nhà sản xuất, tuyên truyền về thông điệp của Nghị định sẽ giúp họ nỗ lực hơn trong việc thiết kế, cải tiến công nghệ để có thể sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Đối với các lãnh đạo quốc gia, việc hiểu đúng về Nghị định và thông điệp của Nghị định sẽ giúp họ nỗ lực hơn trong việc xây dựng các chính sách để giảm phát thải các loại khí có hại cho tầng ozone và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.