Nghịch lý đồng thuận và phản biện

Các nhà giáo dục đã chứng minh, tư duy phản biện mang lại những giá trị to lớn. Nhưng, với không ít người Việt, phản biện còn khá xa lạ. Khi vẫn còn tồn tại quan điểm không phản biện vì sợ ảnh hưởng miếng cơm manh áo hay con đường tiến thân thì mỗi người trưởng thành có khi lại giống như một đứa trẻ. Ví như học sinh răm rắp nghe lời được coi là ngoan thì phản biện trở thành thứ bị coi là… lạc loài. Đó là một nghịch lý…

img

Nhưng, trong cái sự nghịch lý ấy lại có cái lý riêng. Cái lý ấy được hình thành trong một thời gian dài, từ khi ta ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi bước vào đời. Khi những đứa trẻ được dạy, ngoan là phải biết vâng lời, khi người lớn nói là phải nghe bất kể đúng sai, mọi điều cô giáo dạy đều trở thành chuẩn mực; khi nhân viên rỉ tai nhau việc muốn yên thân, trôi chảy hãy “im lặng là vàng” thì quan điểm cá nhân, cái tôi sáng tạo dần bị ép vào khung để sống sót.

Khi một đứa trẻ nói lên quan điểm của mình bị coi là hư, khi làm văn không theo mẫu bị coi là lạc đề,… thì đứa trẻ sẽ chọn điều gì cho mình, kẹo ngọt hay đòn roi? Khi một nhân viên vượt qua lề thói để làm việc bị coi là “lạc đàn”; khi dám nói lên tiếng nói của mình bị coi là không biết phép tắc… thì số đông sẽ chọn gì, cây gậy hay củ cà rốt?

Vẫn biết chẳng cuộc cách mạng nào không phải đổ máu, chẳng thành công nào mà không phải nếm mật nằm gai, nhưng cuộc đời lại chẳng phải chuyện cổ tích. Vậy ai đủ bản lĩnh vượt qua gánh nặng cơm áo gạo tiền để kiên cường chiến đấu cho sự “khác biệt”? Khi những khuôn mẫu trở thành tiêu chuẩn của số đông, khi tư tưởng “kẻ trên người dưới” vẫn còn như là “gông cùm” thì thiểu số dù là đúng đắn cũng trở nên lạc lõng.

Ngược lại, ở một mặt nào đó, đồng thuận số đông mang lại sức mạnh tổng thể. Các cuộc cách mạng có thể vươn đến thành công chính là nhờ tướng sĩ một lòng, đồng thuận cho một mục tiêu. Do đó, đồng thuận được xem là tiêu chí trên dưới một lòng ắt thành công lớn.

Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới. Trong thế kỷ 20, người Do Thái chiếm khoảng 3% dân số Mỹ nhưng giành 27% số giải Nobel khoa học của Mỹ và 25% giải thưởng khoa học máy tính Turing. Họ chiếm hơn nửa số nhà vô địch cờ vua thế giới. Có nhiều lý do giải thích cho sự xuất chúng của người Do Thái và một trong số đó chính là tư duy phản biện. Người Do Thái coi việc bất đồng ý kiến là đương nhiên và phản biện là yếu tố không thể thiếu. “Họ mâu thuẫn khi tranh biện, bảo lưu phản biện và nhất trí trong hành động”.

Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó là quá trình xâu chuỗi, thống nhất, nhận định và rồi tư duy lập luận để phản bác. Nó là đường đi có chọn lọc của thông tin với sự vận hành cao độ của các nơ ron thần kinh. Ấy thế nhưng, nhiều người Việt chúng ta thờ ơ với tư duy phản biện. Trong nhiều trường hợp, phản biện bị gán cho những cụm từ tồi tệ như “mất dạy”, “láo”, “bất hiếu”, “bất nghĩa”…

Thế mới có chuyện, người Việt nhắc đến cụm từ "9 người 10 ý" với hàm ý tiêu cực. Chúng ta thường chọn sự đồng thuận miệng và phân ly ở hành động. Chính sự phân ly này khiến tổng lực bị yếu, khiến chúng ta bị kẹt lại, từ đó phần nào mất đi sức mạnh tập thể.

Tư duy phản biện không chắc sẽ dẫn đến một kết luận chính xác, đúng đắn nhưng có một điều chắc chắn, nó mang đến cái nhìn khác, quan điểm khác. Sự đa diện trong cách nhìn nhận, đánh giá một vấn đề chẳng phải là điều giúp ta có cái nhìn toàn cảnh. Và, từ cái toàn cảnh ấy, những giải pháp thỏa mãn nhiều yếu tố sẽ có cơ hội được hình thành.

Và nước luôn chảy vào chỗ trũng. Mặt trời luôn mọc ở hướng Đông. Điều đúng đắn luôn chẳng thể phủ nhận. Vì vậy mà, chân lý sẽ luôn tìm được lối đi riêng….

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img