Ngoài điện thoại, Tết còn lại gì trong tâm trí trẻ?

Kết thúc nghỉ Tết trở về cuộc sống thường nhật, tôi tự hỏi Tết còn ý nghĩa gì và đọng lại gì trong tâm trí trẻ ngoài điện thoại?

img
img

Tết Nguyên đán là dịp khởi đầu một năm mới, cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm bộn bề nhiều lo toan. Hiếm có dịp nào trong năm mà chúng ta có nhiều thời gian dành cho gia đình như những ngày Tết.

Thế nhưng, Tết công nghệ ngày nay không còn như xưa, khi các thành viên trong gia đình vẫn về bên nhau nhưng họ ít còn giao tiếp với nhau vì mỗi người đều có thế giới riêng, thậm chí, trẻ nhỏ còn bị chính bố mẹ mình bỏ rơi vì bận…dùng điện thoại.

Tết năm nay, tôi đưa bọn trẻ đi ăn kem ở quán cà phê ven hồ. Ngồi được 30 phút, thấy một cặp vợ chồng cùng con nhỏ bước vào.

Nhưng ngay khi vừa ngồi xuống, trên tay bố mẹ đã cầm điện thoại tự lúc nào, người chồng hỏi mật khẩu wifi rồi mỗi người đều lướt lướt và thu mình lại một thế giới lặng thinh. Họ mặc kệ đứa con bên cạnh hết chạy bên mẹ rồi lại lăng xăng ê a bên bố nhằm thu hút sự chú ý.

Khi nhân viên phục vụ tới, ông bố, bà mẹ cũng chẳng ngẩng lên nhìn mà miệng chỉ mấp máy: “1 dừa tươi, 1 nước cam”. Rồi họ tiếp tục cắm mặt vào điện thoại.

Tôi hoàn toàn không hiểu, ở trong cái màn hình nhỏ đó có gì hấp dẫn đến mức họ sẵn sàng bơ đi đứa con bé bỏng cứ cố gắng nói chuyện một mình. Tới lúc ra về, họ vẫn chưa kịp uống đồ uống đã chọn chỉ vì quá chú tâm vào điện thoại.

Những tình huống như thế bạn có thấy quen thuộc không? Rõ ràng là chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ quán cà phê hay bất cứ một gia đình nào… Thời nay, người ta đi cà phê lạ lắm. Bố mẹ thì bỏ rơi con cái, bạn bè thì mặc kệ nhau. Họ hẹn nhau cà phê chỉ để có người ngồi cùng rồi ai dùng điện thoại nấy. Thậm chí, họ chẳng nhìn vào nhau huống hồ là sẻ chia, giao tiếp với nhau.

Cũng thật lạ, đã cùng nhau đi cà phê, đặc biệt là đi với con nhỏ thì càng phải chú tâm hơn. Đưa nhau đi cà phê chỉ để có người ngồi cùng thì ở nhà có phải tốt hơn không?

Nhiều bố mẹ cứ than trách sao con họ nghiện xem điện thoại, nhưng sao không tự hỏi bố mẹ cũng cứ kè kè chiếc điện thoại trên tay ngay trước mặt con trẻ đó thôi.

Hoặc đôi khi họ lại “ném” chiếc điện thoại cho con là giải pháp để dỗ dành trẻ, để được nhàn thân. Cứ cho rằng, do ngày thường cuộc sống hối hả vội vàng, bố mẹ không còn cách nào khác là quăng điện thoại cho con.

Vậy tại sao, khi ngày Tết vốn là ngày nghỉ để gia đình sum vầy, là dịp đặc biệt để bố mẹ bỏ điện thoại xuống, dành thời gian dạy trẻ về Tết, về những giá trị truyền thống…nhưng phụ huynh vẫn để trẻ chơi với điện thoại. Trong khi điện thoại có quá nhiều thứ “xàm xí” hoặc không phù hợp với lứa tuổi của trẻ lại kích thích chúng xem, đó chẳng phải là cách nhanh nhất để làm hại một đứa trẻ hay sao?

Bản thân tôi khi ngồi tiếp chuyện ai, hiếm khi sử dụng điện thoại. Đó là cách tôn trọng người ngồi cùng và cũng là cách tôn trọng chính mình.

Dịp Tết cũng là khoảng thời gian đặc biệt, bởi bản thân được dành toàn bộ thời gian bên con, dạy cho con về Tết cổ truyền, cùng con lau dọn trang trí nhà cửa đón Tết, đi chợ hoa xuân, thăm hỏi chúc Tết 2 bên gia đình nội ngoại và hằng đêm dành thời gian đều đọc truyện cho con trước khi ngủ.

Nhìn trẻ con đón Tết cùng chiếc điện thoại thông minh, tôi tự hỏi, khi hết Tết, trở về cuộc sống thường nhật, Tết có ý nghĩa gì và còn đọng lại gì trong tâm trí của những đứa trẻ?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img