Ngôn tình thời metro Cát Linh - Hà Đông

Mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim Tự Tháp, và Kim Tự Tháp phải sợ… đường sắt Cát Linh – Hà Đông (!!)

img
img

(Truyện ngôn tình Ngưu Lang – Chức Nữ phiên bản Việt thời kỳ 4.0).

Ngày nảy ngày nay, vào thế kỷ thứ 21, truyền thuyết kể lại rằng tại kinh đô Hà Thành của nước Việt có một mối tình lãng mạn đã được tạc vào lịch sử ngành “giao thông vận chuyển” của thủ đô. Đó là mối tình chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ, gắn với tuyến đường sắt đô thị “vạn người mơ”: metro Cát Linh – Hà Đông.

Chuyện kể rằng, vào năm 2008 của thế kỷ 21, có chàng trai khôi ngô tuấn tú tên là Ngưu Lang ở phố Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa (thuộc phường Bích Câu, thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận xưa).

Vốn là kỹ sư ngành Đường sắt của trường Đại học Giao thông Vận chuyển mới ra trường, nhân lúc đương thất nghiệp, chàng thường hay lui tới đất Hà Đông (thời đó còn thuộc Hà Tây) để mua lụa Vạn Phúc ra nội thành bán online dông dài chờ ngày có việc làm.

Thời bấy giờ, từ Hà Nội đi Vĩnh Phú đã có cầu qua sông, hướng đi Hải Dương, Hưng Yên đã quy hoạch đường 5 mới..., trong khi đó, đường đi Hà Đông vẫn còn gập ghềnh khúc khuỷu, chưa có nhiều phương tiện giao thông công cộng, người dân chủ yếu đi xe máy, xe đạp.

Trong một lần vào mua lụa, Ngưu Lang bất ngờ trúng tiếng sét ái tình của nàng Chức Nữ xinh đẹp, vốn là công chúa trên thiên đình bỏ trốn xuống trần gian dạo chơi và đầu thai làm con gái của một nghệ nhân dệt vải nơi đây. Hai người từ chỗ cảm mến đã yêu nhau không thể tách rời.

Một ngày kia, Ngọc Hoàng biết chuyện bèn nổi giận lôi đình, gọi Chức Nữ về Trời, nhưng vì mối tình với chàng kỹ sư nơi trần thế nên nàng đã cãi lệnh cha. Để trừng phạt con gái, Ngọc Hoàng vời nhiều cận thần đến sai hiến kế nhưng chưa vị quan nào nghĩ ra cách hay.

Vừa lúc ấy, có sứ thần bên quốc gia láng giềng Trung Quốc đại lục đến đặt vấn đề hợp tác xây dựng đường sắt đô thị dưới hạ giới theo hình thức EPC, bằng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của nước bạn.

Nghe có lý, Ngọc Hoàng đề nghị thí điểm làm tuyến Cát Linh – Hà Đông trước, vừa để giải quyết bài toán giao thông công cộng đang thiếu hụt, vừa thử thách tình cảm của con gái với chàng kỹ sư nọ.

Thế là, ngay năm đó, giao kết được ký giữa chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận chuyển nước nhà và tổng thầu EPC là một công ty nước bạn. Tổng mức đầu tư của dự án là 8.770.000 tỷ VNĐ (552,86 triệu USD), trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD.

Năm 2011, dự án chính thức khởi công, dự kiến tháng 6/2014 sẽ tổ chức chạy thử và đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2015.

Thế là, đang yêu nhau say đắm, một ngày kia cặp “tiên đồng ngọc nữ” bỗng thấy hàng loạt cây xanh hai bên đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ, nhà cửa bị san phẳng, giao thông hỗn loạn. Đường sá tắc nghẽn, đi lại khó khăn, cộng với một lần Ngưu Lang trót ăn quả hồng xiêm rồi bị thổi nồng độ cồn, bị tịch thu bằng lái nên hai người không thể gặp nhau.

Chán nản, Chức Nữ than khóc: “Chàng rất tốt nhưng em rất tiếc, em không muốn yêu xa…”. Thấy vậy, Ngưu Lang dỗ dành: “Hãy chờ đến ngày metro Cát Linh – Hà Đông hoàn thiện, ta sẽ có mặt trên chuyến tàu vận hành thử nghiệm đầu tiên đến đón nàng. Chờ ta nhé, chỉ 4 năm thôi”. Thế rồi cứ vậy họ gạt nước mắt xa nhau.

Để cống hiến cho công trình gắn với định mệnh cuộc đời, Ngưu Lang – với tấm bằng đại học Giao thông - đã xin vào làm việc tại ban quản lý dự án đường sắt đô thị, ở phía nội đô.

Còn Chức Nữ, như một hòn vọng phu sống của thời hiện đại, nàng chọn phương án start-up bằng cách trở thành bà chủ gánh trà đá giải khát dưới gầm cầu, đoạn đi bến xe Yên Nghĩa.

Rồi 4 năm dài dằng dặc cũng trôi qua. Hôm ấy, Chức Nữ nghỉ buổi mưu sinh, ăn vận đài các đứng dưới chân cầu ngóng chờ chuyến tàu màu xanh thảo nguyên sẽ mang tin vui tới. Nhưng không có chuyến tàu định mệnh ấy. Tổng thầu báo cáo mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ. Bộ Giao thông Vận chuyển khẳng khái yêu cầu thay lãnh đạo tổng thầu và lại ấn định mốc hoàn thiện mới.

Rồi tiếp tục lần 2, lần 3, lần 4… Chức Nữ cứ đứng chân cầu ngóng rồi lại về không. Thời gian chờ đợi khiến nàng nom già nua một vẻ lam lũ. Cổ nàng đã dài như cổ những con thiên nga của Trai-cốp-xki.

Bấy giờ cái mà gọi là đường sắt đô thị trên cao thì đã “đội vốn” hơn 200%, từ mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng lên mức 18.001,59 tỷ đồng, nhưng hình hài thì vẫn như những con rồng sắt nham nhở “trơ gan cùng tuế nguyệt” cả thập kỷ trời.

Không thể tiếp tục lãng phí tuổi xuân, Chức Nữ gạt nước mắt bay về trời. Nhưng trong lòng nàng không lúc nào nguôi thương nhớ Ngưu Lang.

Một ngày, nàng lấy trộm cỗ máy thời gian của cha, điều chỉnh thời gian vào năm khánh thành metro rồi định vị đường Nguyễn Trãi. Khi đáp xuống đến nơi, nàng hỏi thăm một anh xe ôm công nghệ Grab đứng dưới gầm cầu: “Dự án này đã vận hành chưa anh nhỉ?”. “Sắp rồi em nhé” – anh chàng Grab ở tuổi tứ tuần đen sạm vì nắng gió trả lời.

Nhìn kỹ, nàng nhận ra Ngưu Lang, thì ra dự án chậm tiến độ quá lâu, chàng kỹ sư năm nào đã cùng 300 nhân sự của dự án đồng loạt bỏ việc. Họ ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Và ngầm hẹn nhất định sẽ gặp nhau mỗi năm một lần sau khi metro Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành.

Rồi Chức Nữ lại bay về trời. Thấm thoắt đã lại nhiều năm trôi qua, áng chừng dự án đường sắt có lẽ đã hoạt động trơn tru, nàng tiếp tục bỏ trốn đi tìm cố nhân. Lại đáp xuống đường Nguyễn Trãi nhưng lần này Chức Nữ gặp một anh chàng xe ôm công nghệ trẻ hơn. Có vẻ là con trai Ngưu Lang đã đủ lớn để nối nghiệp cha. Nàng thoáng buồn khi nghĩ tới mối tình đúng người - sai thời điểm của mình.

Vừa hay lúc ấy, trên đầu nàng tiếng động cơ “xình xịch… xình xịch…” ngày một tới gần. “Vậy là cuối cùng ta cũng chờ được cái ngày ấy”, nàng ứa nước mắt nghĩ thầm. Nhưng không, tiếng loa từ trạm chờ tàu phát ra đã lập tức tố cáo niềm tin ngây thơ trong nàng: “Điểm dừng thứ 5: ga Thượng Đình. Kính thưa quý khách, đây là chuyến tàu vận hành thử nghiệm Cát Linh – Hà Đông …”

“Oái, nàng nghĩ, mới chỉ là vận hành thử nghiệm…”.

Bấy giờ đã là năm hai ngàn không trăm nào đó. Tuyến đường sắt chỉ dài 13,1 km, đội vốn gần 10.000 tỷ đồng, chậm tiến độ gần 10 năm, mỗi năm trả lãi 650 tỷ đồng, chưa kể nhiều tỷ đồng trả lương, chi phí điện đóm, kích cầu giá vé…, cầm chắc chạy ngày nào lỗ vốn ngày đó.

Đã vậy, dự án tàu cao tốc ấy chỉ mang lại vận tốc rùa bò 35km/h, trong khi từ mười mấy năm trước, tàu cao tốc trên thế giới đã đạt vận tốc trung bình khoảng 300km/h.

Đúng lúc ấy, nhiều nhà báo ào tới, vây quanh vị Bộ trưởng (đã là nhiệm kỳ của ông Bộ trưởng thứ n nào đấy) để phỏng vấn. Bất giác nàng nghĩ đến câu nói tự hào của người Ai Cập: “Mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim Tự Tháp”.

Và, bằng tất cả sự thán phục mãnh liệt của bản thân, nàng khẳng khái thốt lên: “… Còn Kim Tự Tháp phải sợ đường sắt Cát Linh – Hà Đông” (!!)

Minh Minh

img