img

Về nơi người 100 tuổi chết vẫn bị coi là trẻ con, lập bàn thờ tổ phải mất 35 con lợn

Xuân Chinh

Nếu chưa được làm lễ “cấp sắc” thì người già 100 tuổi chết vẫn bị coi là trẻ con và không được làm các nghi lễ ma chay theo phong tục truyền thống. Gia đình, dòng họ muốn lập bàn thờ tổ phải mất ít nhất 15 năm, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cùng 35 con lợn …

Chưa làm lễ cấp sắc, người 100 tuổi vẫn bị coi là trẻ con!

Từ sự giới thiệu của lãnh đạo UBND thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) chúng tôi tìm đến khu phố Hạ Sơn gặp ông Phùng Văn Du. Ông Du nguyên là cán bộ trực Đảng xã Ngọc Khê (tương đương Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, thị trấn). Ông Du là người có uy tín trong cộng đồng người Dao tại địa phương và là thầy cúng chuyên thực hiện các nghi lễ cho đồng bào người Dao.

Ông Du cho hay, người Dao tại Ngọc Lặc có nguồn gốc từ Hòa Bình, năm 1904 họ di cư vào Thanh Hóa. Lúc đầu họ sinh sống tại huyện Mường Lát ngày nay, sau đó di cư dần xuống huyện Bá Thước, Ngọc Lặc. Người Dao tại huyện Ngọc Lặc có khoảng 460 hộ, với hơn 2.200 nhân khẩu cư trú tại thôn Tân Thành (xã Thành Lập), Hạ Sơn (thị trấn Ngọc Lặc) và Phùng Sơn (xã Phùng Giáo).

Tại khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc cộng đồng người Dao có hơn 200 hộ dân, với hơn 900 nhân khẩu. Ngoài những nét văn hóa, phong tục tập quán chung của cộng đồng người Dao thì người Dao tại Hạ Sơn có những phong tục rất “đặc biệt”. Phong tục “đặc biệt” mà ông Du nhắc tới là lễ “cấp sắc” và lập "bàn thờ tổ”.

Cấp sắc được hiểu là một nghi lễ truyền thống của người Dao để đặt tên người lớn cho một người khi đủ điều kiện về độ tuổi, kinh tế và tâm linh. Đối với người Dao, nếu chưa làm lễ cấp sắc thì có 100 tuổi cũng chưa được coi là người lớn. Khi chưa được cấp sắc, người 100 tuổi chết đi thì cũng không được làm lễ “ma tươi” và không được thờ cùng tổ tiên tại bàn thờ tổ.

img

Ông Phùng Văn Du trao đổi với PV về lễ cấp sắc và lập bàn thờ tổ.

Ông Du giải thích, lễ “ma tươi” có nghĩa là nghi lễ cúng bái, khâm liệm ngay sau khi một người chết đi. Đây được coi là sự vinh dự, tự hào của người chết và gia đình. Còn nếu ai chưa làm lễ cấp sắc thì gia đình, dòng họ vẫn tổ chức chôn cất bình thường, nhưng không được tế lễ.

Theo ông Du, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào mùa Xuân và mùa Đông khi thu hoạch xong mùa màng, lương thực, thực phẩm trong nhà đầy đủ. Để làm được lễ cấp sắc ngoài yếu tố tâm linh (gia phả của dòng họ được cho phép làm) thì cần có 7 thầy cúng (2 thầy tào, 5 thầy bình thường).

Một người muốn được làm lễ cấp sắc thì phải đủ 18 tuổi trở lên và phải có đủ cả hai vợ chồng. Làm lễ cấp sắc cho chồng thì cũng đồng thời làm luôn cho vợ. Một nghi lễ cấp sắc thường diễn ra từ 2 – 3 ngày. Gia chủ phải chuẩn bị khoảng 3 con lợn, 4 con gà, khoảng 60 lít rượu, gạo nếp để tổ chức nghi lễ và mời bà con làng xóm ăn uống, liên hoan chúc mừng.

img

Ông Du (bên phải) và ông Triệu Văn Khang, trưởng khu phố Hạ Sơn đưa cho PV xem cây thiền trượng (dụng cụ rất quan trong của thầy cúng trong lễ cấp sắc).

Vợ chồng ông Du có 5 người con, ngoài vợ chồng ông thì chỉ có vợ chồng người con cả đã được làm lễ cấp sắc. Ngoài yếu tổ khách quan như bận xây dựng nhà cửa, thì điều kiện kinh tế khó khăn chưa cho phép họ là lễ cấp sắc cho con cái, vì nó khá tốn kém.

“Những người chưa được cấp sắc thì trong sinh hoạt, cưới hỏi, ma chay vẫn tổ chức bình thường. Tuy nhiên, chỉ người được cấp sắc thì mới được coi là người lớn, được làm lễ ma tươi và thờ tại bàn thờ tổ với ông bà tổ tiên” – ông Du nói.

Lập bàn thờ tổ phải chuẩn bị hàng trăm triệu cùng 35 con lợn …

Trước đây, khi một người làm lễ cấp sắc thì sẽ mời toàn bộ người Dao, bạn bè và những người thân trong thôn, làng tới dự lễ và ăn mừng trong 5 -6 ngày. Người tới dự liên hoan, ăn uống không phải chuẩn bị quà mừng như lễ cưới của người kinh, toàn bộ chi phí đều do gia chủ lo liệu.

Hiện tại, do cộng đồng người Dao tại địa phương khá đông nên gia chủ làm lễ cấp sắc chỉ mời đại diện các hộ dân tới dự. Chi phí cho một lễ cấp sắc của người Dao tại địa phương giao động từ 20 – 40 triệu đồng, nếu gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì sẽ tiêu tốn số tiền lớn hơn.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng không chung sống với nhau nên không làm được lễ cấp sắc, một cụ ông trú tại khu phố Hạ Sơn dù đã 75 tuổi thì vẫn bị coi là “trẻ con”. Sau khi chết cụ ông này sẽ không được làm lễ “ma tươi” và không được thờ trên bàn thờ tổ.

img

Đây là bàn thờ tổ của gia đình ông Du.

Ngoài lễ cấp sắc, việc lập bàn thờ tổ cũng là một nét văn hóa và là phong tục rất quan trọng của người Dao. Tuy nhiên, công việc này mất rất nhiều thời gian, tốn kém và thủ tục rất phức tạp. Theo ông Du, khu phố Hạ Sơn có khoảng 200 hộ người Dao thì chỉ có 32 hộ lập được bàn thờ tổ. Theo quan niệm của cộng đồng, nếu chưa lập được bàn thờ tổ thì chưa được coi là người Dao.

Để lập được bàn thờ tổ, trung bình mất thời gian từ 15 – 30 năm, gia chủ phải bỏ ra chi phí hàng trăm triệu đồng, 35 con lợn, hàng chục con gà, 1.000 lít rượu, gạo nếp … Hiện nay, do mất nhiều thời gian, chi phí quá lớn, thủ tục phức tạp nên xu hướng mỗi gia đình, chi họ, dòng họ tại địa phương sẽ dùng chung một bàn thờ tổ.

Ông Triệu Văn Khang, tổ trưởng khu phố Hạ Sơn cho biết thêm, cũng giống như một số người Dao khác tại khu phố Hạ Sơn, gia đình ông phải mất 15 năm, với chi phí hàng trăm triệu đồng, cùng nhiều con lợn mới lập được bàn thờ tổ để thờ cúng.

img

Làng Hạ Sơn nơi có đông đảo người Dao sinh sống với nhiều nét phong tục tập quán mang đậm bản sắc độc đáo, nhưng cũng có nhiều phong tục rườm ra, tốn kém.

Bà Bùi Thị Quyên – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết, quan điểm của địa phương là tuyên truyền, bảo tồn, phát huy các tinh hóa văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, vận động nhân dân bỏ bớt các hủ tục, phong tục rườm rà, tốn kém, lạc hậu để phù hợp với nếp sống mới.

X.C

img