img

“Người cấp thuốc” và những ngày không quên tại bệnh viện dã chiến

Thanh Hà

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày chống dịch là chị và đồng nghiệp chỉ có thể nhìn nhau qua bộ đồ bảo hộ trắng, không nhận ra nhau nhưng vẫn mỉm cười, vì chị tin, những nỗ lực của mình không vô nghĩa”.

“Mình khó khăn một, đồng nghiệp khó khăn mười”

Trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta vẫn thường hay nhắc nhiều đến những điều dưỡng, những bác sĩ trực tiếp chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch mà đôi khi quên mất, có những “người cấp thuốc” vẫn thầm lặng từng ngày từng giờ, cần mẫn làm công tác vận chuyển, tiếp tế thuốc cho các bệnh nhân Covid-19.

Gặp gỡ với chị Trần Thị Xuân Nghĩa (36 tuổi), hiện đang làm dược sĩ tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, lắng nghe những trải lòng của chị, mới càng thêm thấu hiểu và trân trọng những nỗ lực của các dược sĩ trong suốt hành trình chống dịch.

img

Chị Nghĩa từng ngày từng giờ, cần mẫn làm công tác tiếp tế thuốc cho các bệnh nhân Covid 19.

Liên tục tham gia vào hoạt động cung ứng thuốc, thực hiện các ca kíp trực, phải trực tiếp vào kho lấy thuốc – đây là khu vực biệt lập, chị Nghĩa cho biết nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao, nhất là khi bệnh viện chị đang công tác là bệnh viện dã chiến.

Cơ sở vật chất tại đây cũng còn nhiều thiếu thốn. Xung quanh khu vực bệnh viện, kho thuốc đã được niêm phong cả để phục vụ cho quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thế nhưng chị bảo, chị thấy mình vẫn còn may mắn và công việc của mình vẫn còn nhẹ nhàng lắm, đồng nghiệp ngoài kia còn vất vả hơn nhiều. Trong đại dịch, trở thành bệnh viện dã chiến, toàn bộ hệ thống Bệnh viện Bắc Thăng Long chuyển trạng thái điều trị, tất cả đều tham gia vào công việc phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.

Làm công việc “cấp thuốc”, chị cùng các dược sĩ khác tham gia vào các kíp trực. "Công việc hàng ngày được chia theo kíp, 7 ngày 3 người trực, có người sẽ kiêm 3 ngày liên tục và có người chỉ 2 ngày liên tục bắt đầu từ 7h30 sáng của ca trực và khi hết ca thì bàn giao xong đến khoảng 21h thì được về", chị Nghĩa cho biết.

“Mặc đồ bảo hộ, không nhận ra nhau nhưng vẫn mỉm cười”

Làm nghề "cấp thuốc", công việc hàng ngày của chị là trang bị thuốc tại tủ trực cho các khoa, thường các khoa sẽ lĩnh vào ban ngày nhưng nếu các khoa dùng thuốc cấp cứu đột xuất thì chị Nghĩa cùng đồng nghiệp vẫn đi phát ngay cả trong đêm.

"Với chị, vất vả nhất có lẽ là những ngày nắng nóng phải mặc quần áo bảo hộ cả ngày, người nóng ran như đang bị sốt, thân nhiệt đo lên tới 41- 42 độ. Nhân viên tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc. Bộ đồ chống dịch giúp bảo vệ nhân viên y tế. Tuy nhiên mặc liên tục trong cả ngày gây khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, nóng, khó chịu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, người mặc có nguy cơ bị kiệt sức và ngất.

Việc mặc áo bảo hộ cũng như quy trình phòng dịch phải đảm bảo an toàn, khi thay quần áo bảo hộ ra là phải khử khuẩn để tránh nguy cơ lây nhiễm. Các thao tác phải được thực hiện rất nhanh chóng, khẩn trương", chị Nghĩa bộc bạch.
img

Chị Nghĩa luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Chị Nghĩa tâm sự: "Trực ở đây, ngày cũng như đêm. Ngoài việc phát thuốc, khi bệnh nhân cần oxy gấp thì bọn chị cũng đi phát. Để các khoa dùng hay cho xe cấp cứu chuyển bệnh nhân."

Chị bảo mình may mắn vì vẫn còn được về nhà sau khoảng 2-3 ngày ở tại bệnh viện, còn các bác sĩ và điều dưỡng thì khó khăn hơn. “Y bác sĩ tham điều trị bệnh nhân suốt 7 ngày, sau đó phải cách ly 14 ngày rồi mới được về nhà để cách ly 7 ngày và lại quay trở lại viện để tiếp tục vòng làm việc sau”, chị Nghĩa chia sẻ.

Khi được hỏi về điều ấn tượng nhất trong những ngày chống dịch cùng đồng nghiệp, chị Nghĩa trả lời: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng đáng nhớ nhất là chị và đồng nghiệp chỉ có thể nhìn nhau qua kính và bộ đồ bảo hộ trắng, không nhận ra nhau nhưng vẫn mỉm cười, vì chị tin, những nỗ lực của mình không vô nghĩa”.

Không thể nhìn rõ mặt nhau, chị cùng đồng nghiệp đã sáng tạo, vẽ hình lên tấm áo để có thể nhận ra nhau. Đối với chị Nghĩa và các bác sĩ, cán bộ y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, đây là một kỷ niệm đáng giá trong cuộc đời làm nghề “cứu người”. Trong gian khó, giữa ngay tâm dịch, mà vẫn nhìn thấy niềm vui, vẫn nở nụ cười trên môi, vẫn lạc quan để sống tích cực, để chiến đấu hết mình, tinh thần ấy quả là một điều đáng khâm phục.

img

Ca trực của chị Nghĩa bắt đầu từ 7h30.

Liên tục đi trực tại bệnh viện, điều làm chị Nghĩa trăn trở nhất chính là ít có thời gian dành cho gia đình. Giờ tan tầm, khi các gia đình nhỏ khác được quây quần bên mâm cơm tối, được trò chuyện với nhau thì đó là lúc chị và các đồng nghiệp vẫn trong ca làm việc. Nhiều lúc, chị không tránh khỏi chạnh lòng, nhớ và thương các con xa mẹ.

Thế nhưng, chị Nghĩa vẫn có thể an tâm công tác, bởi ở nhà chị, là hậu phương yêu thương. Chồng, bố mẹ và các bé luôn ủng hộ chị. Chị Nghĩa cho biết: “Các bé nhà mình ở nhà với ông bà ngoại nếu bố cũng bận đi công tác, may mình có hậu phương ở gần nên cũng không quá lo lắng. Bé lớn nhà chị học lớp 6 nên cũng tự lo được cho bản thân, bé thứ 2 học lớp 1 thì ông bà vẫn phải kèm cả chuyện học hành nữa. Nói chung các con cũng ngoan thông cảm với công việc của mẹ. Các bé cũng rất tự hào vì mẹ công tác ở viện, giúp đỡ được nhiều người”.

“Giúp được một bệnh nhân là một niềm vui”

img

Chị Nghĩa tâm sự: “Trực ở bệnh viện, có khi chị quên khái niệm ngày hay đêm”.

Trong suốt quãng thời gian cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bắc Thăng Long chống dịch, câu chuyện khiến chị Nghĩa xúc động nhất là chuyện của một gia đình nhiễm F0 tại Thanh Trì.

Rất tình cờ, chị nhìn thấy một bài đăng trên Facebook của em gái gia đình bệnh nhân ở Hà Đông, dù biết sức khỏe chị mình rất yếu nhưng không thể làm cách nào tiếp tế đồ đến viện.

“Gia đình này gồm có 4 người, bố mẹ và hai em bé, không may trong khi đi tiêm vaccine phòng Covid 19 thì điểm tiêm đó lại có người nhiễm bệnh, cả gia đình trở thành F0 và phải đi điều trị. Trước khi vào viện, vì quá gấp gáp nên gia đình cũng chưa kịp chuẩn bị đồ đạc gì nhiều. Hai em bé và người chồng thì còn ăn uống được nên vẫn khá khỏe mạnh, nhưng chị vợ gần như đã rơi vào trạng thái kiệt sức, chị ấy gần như không thể ăn được gì hết”, chị Nghĩa kể lại.

Rất nhanh chóng sau đó, chị Nghĩa đã liên lạc với gia đình em gái bệnh nhân để hỗ trợ tiếp tế đồ vào viện. Sau khi bệnh nhân ăn được một chút cháo thì sức khỏe cũng dần dần hồi phục. Đêm hôm đó chị nhận được cuộc điện thoại từ em gái bệnh nhân cùng lời cảm ơn vì đã giúp đỡ gia đình.

Chị Nghĩa vui vẻ nói: “Đối với chị, giúp được một bệnh nhân chính là một niềm vui. Nghề của mình, cái cốt nhất là cứu được người bệnh ấy mà. Chứng kiến bệnh nhân hồi phục, chị hạnh phúc lắm”.

Những đêm cùng đồng nghiệp đi phát oxy, chứng kiến những nhiều cảnh đời nơi bệnh viện dã chiến, nơi mà sự sống và cái chết chỉ được đong đếm trong gang tấc, nơi mà mọi công việc đều yêu cầu sự nhanh chóng, kịp thời sẽ là “những ngày không quên” trong cuộc đời của chị.

Những ngày không quên ấy một ngày nào đó rồi sẽ đi qua, chỉ còn lại là kỷ niệm. Nhưng tinh thần, sự hy sinh của những cán bộ ngành y, dược như chị Nghĩa sẽ mãi là câu chuyện đẹp để kể lại cho thế hệ mai sau. Rằng là đã từng có những con người, không ngại hiểm nguy, đứng giữa cuộc chiến của sinh và tử, vẫn đi gieo niềm tin và giữ lấy mạng sống cho hàng ngàn bệnh nhân. Những chiến sĩ áo trắng ấy xứng đáng được trân trọng, được kính phục và được biết ơn.

Hành trình thầm lặng cống hiến của “người cấp thuốc” ấy vẫn sẽ tiếp tục. Vất vả đấy, nhưng mong rằng chị và đồng nghiệp sẽ có đủ sức khỏe, đủ vững vàng để trở thành điểm tựa nơi tuyến đầu chống dịch, để không một bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau.

Một ngày làm việc của chị Nghĩa bắt đầu từ 7h30. Tua trực thường kéo dài liên tục 48 giờ hoặc 72 giờ. Chị Nghĩa sẽ phải duyệt phiếu lĩnh thuốc cho các khoa và đi phát thuốc cho các khoa bất kể giờ nào trong ngày.

T.H

img