Bãi tập kết rác thành núi giữa khu vực thị trấn Anh Sơn
Giữa tháng Bảy cũng là thời điểm miền Trung phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài nhất. Mệt mỏi do thời tiết khó chịu, người dân tại khu vực khối 6 và khối 7 (thị trấn Anh Sơn) càng thêm khó chịu khi bị bãi tập kết rác thải đồng Lèn Tu hành hạ.
Ông Nguyễn Anh Dũng (trú khối 6) lắc đầu cho biết: “Bãi rác này thực ra có cả chục năm trước rồi. Nguyên do thị trấn chưa có bãi rác, vì vậy chính quyền mới phải thu gom rồi đổ về bãi chứa tạm thời rộng chưa đầy 2 ha ở đồng Lèn Tu. Tất cả rác thải được tập kết về rồi sau đó chôn lấp và đốt thủ công. Lúc đầu rác còn ít thì chả sao, nhưng sau đó tốc độ đô thị hóa cao, rác nhiều hơn nên mọi người bắt đầu khó chịu bởi mùi ô nhiễm rác thải”.
Đốt và chôn lấp rác không thể xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường
Theo người dân địa phương, mỗi ngày có tới 4 – 5 xe chở rác vào khu vực này tập kết. Lượng rác lớn bắt đầu dồn thành núi. Tuy nhiên, do việc xử lý không hiệu quả, chỉ đơn giản là đốt đi nên mùi hôi thối bắt đầu lan ra cộng đồng, đặc biệt là vào những ngày trời nắng nóng. Ngoài ra, mấy năm nay, người dân cũng bắt đầu mua đất làm nhà ở khu vực này, vì vậy hiện nay bãi tập kết rác này chỉ cách nhà dân có hơn 200 m. Điều đáng nói, bãi tập kết rác này cũng chỉ cách bệnh viện và một trường học vài trăm mét.
Nhiều loại rác sinh hoạt của người dân được đưa vào tập kết nơi đây
Theo ông Dũng, người dân đã rất nhiều lần viết đơn kiến nghị, trong các cuộc họp HDND và tiếp xúc cử tri cũng đưa vấn đề này ra để trao đổi. Có giai đoạn người dân phải ra chặn xe không cho vào vì quá hôi thối, lúc này các cấp chính quyền có xuống hứa hẹn. Thế nhưng, bãi tập kết rác này vẫn tồn tại trong nhiều năm qua.
“Vừa rồi, đại diện UBND huyện Anh Sơn về trả lời đối thoại người dân và đề nghị UBND thị trấn tìm nơi tập kết rác mới, còn nơi tập kết rác cũ sẽ san lấp trồng cây trả lại môi trường cho người dân. Lúc đầu mọi người nghe vậy cũng rất vui mừng và hi vọng sẽ được sống trong môi trường sạch đẹp. Thế nhưng, sau đó không hiểu sao xe chở rác vẫn đi vào tập kết nơi đây” - bà Nguyễn Thị Hồng, người dân địa phương, cho biết.
Trao đổi về việc này, ông Đặng Duy Đô - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn - xác nhận, có một bãi rác tại thị trấn Anh Sơn cách đây đã nhiều năm. “Thời gian đầu, do huyện chưa có bãi tập kết rác thải cũng như nhà máy xử lý nên có quy hoạch vận chuyển rác vào đây để đốt và chôn lấp. Lúc đó bãi rác nằm sâu trong núi, dân cư còn ít nên mọi người không có kiến nghị gì. Sau này, người dân vào đây mua đất xây nhà nhiều nên mới bắt đầu bị ảnh hưởng”, ông Đô nói.
Theo vị Trưởng phòng, ngay sau khi nhận được kiến nghị của người dân thì UBND huyện Anh Sơn đã phối hợp với UBND thị trấn Anh Sơn tìm biện pháp xử lý. Hiện tại, chính quyền địa phương đã quyết định vận chuyển toàn bộ số rác trên đến Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ cao, thuộc công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam (đóng trên địa bàn xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn, Nghệ An) để xử lý.
“Do đoạn đường vận chuyển từ huyện Anh Sơn đến huyện Nghĩa Đàn khá dài, gần 100 km nên chi phí khá lớn. Thời gian đầu, UBND thị trấn bỏ tiền ra để chi trả, nhưng sắp tới sẽ họp bàn tìm biện pháp để kêu gọi người dân và một số đơn vị đóng tiền môi trường, nhằm xử lý dứt điểm việc này”, ông Đô nói.
Rác tập kết 1 tuần thì mới được vận chuyển đến nhà máy xử lý
Tuy nhiên, do vẫn chưa tìm được bãi tập kết rác mới nên hàng ngày các xe chở rác vẫn phải đưa vào đây. Sau đó, cứ mỗi tuần thì công ty sẽ có xe chở rác về nhà máy xử lý. Mặc dù tình trạng có đỡ hơn trước nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn đang xảy ra. Vì vậy, người dân kiến nghị các cấp chính quyền cần đẩy nhanh các biện pháp xử lý, để trả lại môi trường trong sạch cho mọi người.
Người dân mong chờ một biện pháp dứt điểm cho tình trạng này
“Nếu bãi tập kết rác thải còn hoạt động tại đây, thì chúng tôi không thể sống nổi. Ai cũng đau đầu, tức ngực, không thể thở được. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn phải đối diện nguy cơ bệnh tật đe dọa. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm di dời bãi rác thải đi nơi khác, cách xa khu dân cư để bảo đảm đời sống, an sinh, sức khỏe cho hàng trăm hộ dân” - chị Nguyễn Thị Chung, người dân địa phương, cho biết.
Ông Hoàng Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - cho biết: “Trước tình hình ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh thì huyện cũng đã trích một phần ngân sách, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác trong thời gian tới”.
A.N