Sự việc xảy ra tại Trung Quốc. Theo đó, một người đàn ông 50 tuổi tại Quảng Đông (Trung Quốc) đã rang lại cơm nguội với trứng để ăn. Sau đó, anh xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, khó thở.
Khi nhập viện, anh đã bị sốc nặng, suy các cơ quan như tim, gan, thận. Nhờ sự can thiệp kịp thời tại khoa ICU, anh mới thoát khỏi cửa tử.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn do Bacillus cereus, một loại vi khuẩn thường phát triển trong cơm nguội để ở nhiệt độ phòng.

Vi khuẩn Bacillus cereus là một loại vi khuẩn sinh bào tử rất phổ biến trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm, mì, khoai tây... Chúng có thể gây 2 dạng ngộ độc chính:
Ngộ độc dạng nôn: Do chất độc sinh ra từ vi khuẩn Bacillus cereus. Triệu chứng gồm buồn nôn, nôn mửa, suy nhược nhanh. Chất độc này khá bền nhiệt, phải đun sôi đến 126°C trong 90 phút mới phá hủy được.
Ngộ độc dạng tiêu chảy: Do Bacillus cereus sinh độc tố trong ruột, gây đau bụng, tiêu chảy. Chất độc này bị phá hủy khi đun đến 56°C trong 5 phút.
Do đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bạn hãy thực hiện những biện pháp sau:
Hạn chế để thức ăn quá lâu: Tốt nhất là nên ăn ngay sau khi nấu. Nếu thức ăn còn thừa, cần bảo quản trong tủ lạnh nhưng không nên để quá lâu.
Hâm nóng kỹ trước khi ăn: Hâm đến nhiệt độ cao và đun sôi để tiêu diệt vi khuẩn.
Giữ gìn vệ sinh: Rửa tay trước khi chế biến và đảm bảo dụng cụ bếp sạch sẽ.
Cách bảo quản cơm nguội
Cơm nguội để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là các loại vi khuẩn có hại như Bacillus cereus, Salmonella, Staphylococcus aureus,... Các loại vi khuẩn này có thể sản sinh ra các độc tố gây hại cho cơ thể, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Cơm nguội cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C trở xuống để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Cơm nguội có thể để ở nhiệt độ phòng trong 2-4 tiếng, trong ngăn mát từ 2-4 ngày và ngăn đông có thể bảo quản sử dụng 2-3 tháng. Ngoài ra khi cơm nguội có những dấu hiệu như bị ôi thiu, có mùi lạ, vị chua hoặc có dấu hiệu bị nấm mốc thì bạn tuyệt đối không nên ăn vì có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Các cách làm nóng cơm nguội
- Hâm lại bằng nồi cơm điện: Sử dụng nồi cơm điện để hâm cơm là cách làm tiện lợi và phổ biến nhất; nhưng nếu chỉ đổ cơm vào rồi cắm điện không thì cơm sẽ bị khô.
Để khắc phục điều này, bạn có thể dùng cách hấp cơm bằng vỉ hấp: Cho cơm nguội vào tô rồi đặt lên vỉ hấp, đổ một ít nước vào nồi cơm, đậy nắp lại rồi nhấn nút "cook". Đợi một lúc cho nồi cơm nhảy nút là bạn đã có một bát cơm ấm nóng và ngon. Đơn giản hơn, bạn chỉ cần đổ cơm nguội vào nồi rồi cho thêm ít nước, nhấn nút "cook", đợi khoảng 5 - 10 phút cho nút ủ bật lên là được.
- Hâm bằng lò vi sóng: Để nhanh chóng tiết kiệm thời gian hơn, bạn hãy hâm cơm nguội bằng lò vi sóng. Để cơm không khô, bạn hãy bỏ một viên đá lên bát cơm, bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, đục lỗ nhỏ để hơi nươc thoát ra rồi chỉnh lò, khởi động là xong.
Minh Hoa (t/h)