Sáng 25/9, chỉ vài giờ sau khi kỳ họp thứ 16 (họp bất thường) của HĐND TP. Hà Nội kết thúc với việc bầu ra người đứng đầu UBND Thành phố, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có trao đổi nhanh với một số người dân Hà Nội.
Phấn khởi khi Hà Nội có tân Chủ tịch, như bao người Hà Nội khác, bà Nguyễn Thị Ngọc (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vui mừng nhưng cũng hết sức băn khoăn. Nhiều năm nay, bà Ngọc cùng vài chục hộ dân ở dọc hai bên sông Tô Lịch rất khổ sở vì phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ lòng sông.
“Mấy hôm nay xem đài báo và theo dõi kỳ họp HĐND TP sáng nay, thấy Hà Nội bầu Chủ tịch mới, tôi chúc ông Chủ tịch phát huy được thế mạnh khi vận hành bộ máy quản lý đầu não của Thủ đô. Với tư cách công dân, tôi chẳng mong gì hơn là làm sao ông Chủ tịch có thể can thiệp, giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường ở sông Tô Lịch, cho người dân bớt khổ”, bà Ngọc tâm sự.
Tương tự, là hộ kinh doanh quán nước sinh tố, giải khát trên đường Bát Sứ (quận Hoàn Kiếm), chị Nguyễn Thị Trang cho biết bản thân chị và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác rất mong ông Chu Ngọc Anh nhanh chóng có những quyết sách hỗ trợ sinh kế cho người dân phố cổ đang trầy trật mưu sinh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề.
“Tôi rất hi vọng vị tân chủ tịch này quyết liệt phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để mọi hoạt động ở Thủ đô đều trở lại bình thường. Mong sao chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chịu ảnh hưởng vì Covid-19 sẽ đến được nhiều người Hà Nội hơn”, chị Trang bày tỏ.
Với tư cách một nhà khoa học trong lĩnh vực Công nghệ, có thể nói là đồng nghiệp với tân Chủ tịch Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (viện Sinh học Công nghệ – đại học Bách khoa Hà Nội) vui mừng vì cương vị mới của ông Chu Ngọc Anh.
Nói về sự kỳ vọng đối với tân Chủ tịch, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã từng trải qua rất nhiều công việc, bây giờ được Nhà nước giao trọng trách quản lý bộ máy kinh tế chính trị hành chính của Thủ đô, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự phát triển toàn diện của Hà Nội trong những năm tới.
“Hà Nội được xem là “Thủ phủ” của trí tuệ cả nước, trái tim Việt Nam, đồng thời cũng là thành phố đang phát triển khoa học công nghệ. Trên cương vị mới, tôi mong ông Chu Ngọc Anh sẽ có nhiều chính sách mới để đưa Hà Nội lên một vị thế cao hơn. Đồng thời, cần nhìn nhận từ những bài học để lại nhằm rút kinh nghiệm sau này”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Quốc Khánh – Ủy viên Thường trực ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu HĐND TP - cho biết, bản thân bà và tất cả mọi người đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vị lãnh đạo mới của TP. Hà Nội.
Theo bà Khánh, Thủ đô Hà Nội có vị trí quan trọng, có nhiều trọng trách to lớn với Trung ương. “Hiện nay, bộ máy hành chính công đang có nhiều vấn đề và tồn tại hạn chế. Ông Chu Ngọc Anh cần phải tiếp tục đấu tranh, lên tiếng để cho cán bộ không còn mắc sai phạm, bị kỷ luật. Chính vì vậy, vị Chủ tịch mới phải phát huy những điều tích cực mà Hà Nội đã và đang làm được. Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội thì việc giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội càng phải làm tốt hơn nữa. Tôi tin rằng một vị lãnh đạo đã có nhiều kinh nghiệm như ông Chu Ngọc Anh, khi sang quản lý đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực sẽ phát huy tốt. Trên cơ sở ổn định xã hội, Chủ tịch mới nên tiếp tục xây dựng thành phố kỷ cương, văn minh, văn hóa. Từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế”, bà Khánh nêu quan điểm.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay tất cả người dân Hà Nội đang mong muốn giao thông Thủ đô có một nền tảng, hạ tầng giao thông hiện đại, văn minh và an toàn.
“Tân Chủ tịch Hà Nội cần có biện pháp giúp giao thông Hà Nội đảm bảo trật tự. Trong đó giao thông phải theo đúng luật lệ. Vấn đề đi lại, sử dụng lòng đường vỉa hè, buôn bán hàng quán... phải có quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Cần xác định được vai trò, trách nhiệm của tất cả chủ thể có liên quan để đảm bảo luật Giao thông. Cần có biện pháp giảm thiểu ách tắc giao thông. Ngoài ra, cần dẹp bỏ được những tệ nạn liên quan đến giao thông trên địa bàn Hà Nội như bãi xe dù, bãi xe vua, bãi xe chui... Bên cạnh đó, cần huy động được nguồn lực của toàn xã hội vào việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đô thị thông minh. Đây là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay chúng ta đang thực hiện từng bước rồi, tuy nhiên tiến độ vẫn rất chậm" - ông Nhưỡng cho hay.
Để giao thông được phát triển, ông Nhưỡng cho rằng tân Chủ tịch Thành phố cần vận dụng, ứng dụng được các nền tảng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình quản lý giao thông đô thị. Nếu không quản lý sẽ không có hiệu quả, không cải thiện được giao thông. Khi nền giao thông có được bước đột phá, bộ mặt giao thông thủ đô văn minh, thanh lịch thay đổi sẽ tạo điều kiện căn bản cho sự phát triển của Thủ Đô trong giai đoạn mới.
“Ngoài ra, vấn đề quy hoạch của Hà Nội cũng gây ra những hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng đến giao thông và gây lãng phí nguồn lực của Thủ đô cũng như Nhà nước. Nhiều cử tri rất bức xúc về vấn đề các cụm dân cư tập trung ở các nút giao gây ách tắc giao thông. Hi vọng sắp tới đây, Hà Nội quy hoạch các dự án phải khắc phục được tình trạng này" - ông Nhưỡng nói.
“Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng bộ, HĐND và toàn thể nhân dân của TP tin cậy giao cho. Tôi nguyện đem hết sức mình, không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liên chính, chí công vô tư; chủ động sâu sát với cơ sở, lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp để đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cầu thị sự thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động của các cấp lãnh đạo, toàn quân, toàn dân TP, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội cùng với tập thể UBND TP phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc chức trách nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP”.
(Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ mới vào sáng 25/9/2020).
L.L