“Người lạ” trong nhà

Theo Sohu, bài đăng tìm con gái của một cặp vợ chồng già ở Trung Quốc cách đây vài tháng đã trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội ở quốc gia tỷ dân. Ước nguyện cuối đời của cặp vợ chồng già, bệnh tật này là được gặp lại cô con gái đi du học ở Đức cách đây 17 năm bị mất liên lạc.

img

Cặp vợ chồng nói trên tên Cao Triệu Cương và Lưu Ngọc Hồng đang tìm kiếm con gái tên Cao Tây (sinh năm 1979). Điều đáng nói ở đây là không phải do sự cố, tai nạn khiến các thành viên trong gia đình phải chịu cảnh ly tán. Trên thực tế, Cao Tây được cho là đang có cuộc sống ổn định ở Đức, nhưng chối bỏ quan hệ với cha mẹ.

Cặp vợ chồng Cao Triệu Cương và Lưu Ngọc Hồng hiện cùng 70 tuổi, sống trong một căn nhà lụp xụp và cùng mắc bệnh ung thư. Theo bà Lưu, trước đây, hai vợ chồng rất nghèo nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con gái ăn học tới nơi tới chốn. Họ vất vả, kham khổ, chắt chiu từng đồng để Cao Tây có thể được học ở những ngôi trường tốt nhất, rồi đỗ đại học và trở thành niềm tự hào của gia đình, xóm làng.

Bước ngoặt chia ly xảy đến khi cô con gái bỗng dưng có ý định đi du học nước ngoài. Thấy con gái liên tục điện về nài nỉ, cặp vợ chồng nghèo phải vay mượn khắp nơi, gom góp số tiền gấp mấy chục lần thu nhập một năm ở vùng quê nghèo khó chỉ để cho Cao Tây bay sang nước ngoài du học.

Để có tiền trả nợ, hai ông bà đã phải đi nhặt phế liệu khắp nơi, cắt giảm chi tiêu, ăn uống kham khổ suốt nhiều năm. Thế nhưng, hy sinh vô bờ bến đó của họ chỉ nhận lại sự trách móc và thái độ vô cảm. Không thương cha mẹ ở nhà vất vả vì mình, cô con gái chỉ thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm, một hai lá thư viết vội rồi bặt vô âm tín, ngày Tết cũng không một lời nhắn gửi.

Khi đạt được ước vọng, con người chỉ biết hưởng thụ niềm vui, quên mất ai đã giúp mình. Rồi đến khi khó khăn mới lại tìm về nhờ giúp đỡ thêm lần nữa. Cô con gái trong câu chuyện là một ví dụ cho sự lạm dụng đó. Có lẽ, cô đủ nhận thức để biết, mình có tệ bạc đến đâu, cha mẹ cũng không bao giờ quay lưng.

Mất mặt sau khoảng thời gian dài, Cao Tây lại gọi điện về nhà xin tiền hết lần này đến lần khác, nhưng do cha mẹ đã sức cùng lực kiệt, hai bên cự cãi nhau rồi cô con gái tuyên bố từ mặt phụ mẫu. Gần đây, có thông tin cho biết, Cao Tây đã có gia đình và có một cô con gái. Cô là giáo sư của một trường đại học nổi tiếng tại Đức. Cuộc sống tốt đẹp hơn trước nhưng Cao Tây nói sẽ không gặp lại bố mẹ dù họ sắp qua đời. Nhiều người dùng mạng Trung Quốc nói, họ thấy phẫn nộ thay cho ông Cao bà Lưu vì đã sinh ra một đứa con bất hiếu.

Gần đây, câu chuyện tâm sự có tên: “Mẹ bán đất 10 tỷ chia hết cho 2 con, cuối đời mang tiếng ăn bám”, cũng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn ở Việt Nam. Người phụ nữ 68 tuổi trong bài viết cho biết, sau khi bán ngôi nhà cũ được 10 tỷ, bà chia cho hai con mỗi người 4 tỷ, còn lại 2 tỷ gửi tiết kiệm dưỡng già, rồi chuyển về sống chung với gia đình con trai cả.

Tưởng rằng như thế là vẹn toàn, các con cũng có vốn liếng để làm ăn, gia đình cứ thế phát triển. Thế nhưng, người con trai cả làm ăn thua lỗ, mất trắng số tiền được chia, lại nợ thêm 2 tỷ. Người con dâu ngọt nhạt xin mẹ số tiền 2 tỷ tiết kiệm để trả nợ. Xót con, bà mẹ rút hết tiền để giúp con xóa sổ nợ nần, sốc lại tinh thần.

Nhưng cũng kể từ đó, người mẹ hết tiền không còn giá trị gì trong gia đình. Xin con vài triệu để chi tiêu phòng thân nhưng bị con cái mắng nhiếc, bị coi là ăn bám. Tủi nhục mà cay đắng.

Câu chuyện này không mới, nhưng vẫn luôn xảy ra ở một vài gia đình nào đó trong xã hội này. Tình thương, sự hy sinh, máu mủ ruột thịt đều rất thiêng liêng cho đến khi đồng tiền trỗi dậy. Nhưng, điều đau đớn nhất là cả hai bi kịch trái ngang nói trên đều có điểm chung là, cha mẹ xả thân vì con cái nhưng thứ họ nhận lại không phải là lòng biết ơn, mà là sự phũ phàng, lòng tham như người dưng nước lã. Không lẽ, cha mẹ ngày nay lúc nào cũng phải cảnh giác con cái mình như người lạ trong nhà?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
img