Doanh nghiệp, người lao động kêu khó
Trước đó, ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về, đến Đồng Nai từ 0h ngày 5/6.
Văn bản này của UBND tỉnh Đồng Nai khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động bất ngờ, hoang mang bởi Đồng Nai và TP.HCM là 2 địa phương giáp ranh và có nhiều khu công nghiệp. Rất nhiều người lao động tại TP.HCM hằng ngày đi làm tại Đồng Nai và ngược lại.
Trao đổi với PV Người đưa tin Pháp luật, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, quy định trên của tỉnh Đồng Nai là quá cứng nhắc, gây khó khăn cho việc sản xuất và đời sống của người lao động.
Ông N.V., Giám đốc một xí nghiệp tại Đồng Nai cho biết: “Lượng công nhân ở các nhà máy đi làm về trong ngày giữa TP.HCM – Đồng Nai là rất lớn.
Việc Đồng Nai ra quyết định cách ly 21 ngày đối với người đến từ TP.HCM gây ra rất nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Công nhân là những người lao động chân tay, không thể làm việc online. Trong khi đó, nếu phải ngừng làm việc 21 ngày sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp”.
“Trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng, có thể hiểu chính quyền tỉnh Đồng Nai muốn hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, với quyết định cứng nhắc như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Rất nhiều công nhân của chúng tôi đang sinh sống ở TP.HCM và đi về trong ngày, việc sắp xếp chỗ ở cho số lượng lớn công nhân trọ lại tại Đồng Nai gần như không thể thực hiện và cũng không thể yêu cầu công nhân tự thuê trọ.
Chúng tôi hy vọng tỉnh Đồng Nai có giải pháp cho vấn đề này”, ông Nguyễn Ánh, đại diện công ty N.A.D.N. cho biết.
“Riêng công ty tôi đã là vài trăm nhân viên có nhà ở Đồng Nai. Quy định vậy chỉ làm khó cho dân. Giờ đi làm thì không thể về lại nhà, vậy thì ở đâu trong 21 ngày tới?
Còn nếu đã về nhà thì phải nghỉ làm, cách ly 21 ngày và chi trả chi phí cách ly, xét nghiệm thì ai đền bù thu nhập cho người lao động?”, một chủ doanh nghiệp khác tại TP.HCM bức xúc.
Trong sáng 5/6, nhiều người dân đi làm giữa TP.HCM và Đồng Nai bất ngờ khi biết quy định người từ TP.HCM đến Đồng Nai sẽ phải cách ly 21 ngày chứ không được đi về trong ngày như trước.
Nhiều người tỏ ra hoang mang không biết phải làm thế nào và đành chọn cách quay lại TP.HCM.
Anh Huỳnh Văn Bình, làm việc tại một công ty trên địa bàn Đồng Nai cho biết: “Mỗi ngày tôi đều đi và về giữa TP.HCM và Biên Hòa. Nếu ngăn sông cấm chợ như thế này thì tôi sẽ mất việc, mất thu nhập. Gia đình tôi sẽ sống như thế nào nếu không có tiền trong thời gian sắp tới. Mong có câu trả lời thỏa đáng”.
“Dịch thì phải chống nhưng phải làm sao cho hợp lý. Công nhân chạy ăn từng bữa ngăn sông cấm chợ như thế này họ lấy gì sống đây? Chúng tôi ở đoạn Nhơn Trạch qua phà Cát Lái, hằng ngày đi làm ở TP.HCM. Vậy giờ phải mướn phòng trọ tại TP.HCM ở tạm để đi làm sao?”, anh Bùi Nam (ngụ TP.HCM) bức xúc.
Được phép đi về trong ngày nhưng phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch
Trước những bất cập trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sáng 5/6, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị điều chỉnh phương án hoạt động giao thông vận tải giữa 2 địa phương.
Theo đó, TP.HCM thông tin, hiện TP.HCM có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, một số lượng không nhỏ người dân sinh sống trên địa bàn TP.HCM đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM. Trong đó, có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, có phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, cho việc di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại để làm việc.
Trước tình hình này, ngay trong buổi trưa 5/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo văn bản mới, đối với những trường hợp cần thiết phải đi về trong ngày, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu thực hiện nghiêm một số quy định.
Cụ thể, đối với trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, trả công nhân trên địa bàn tỉnh; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch.
Đồng thời, người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K, mỗi xe không chở quá 50% số lượng người, thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày.
Đối với trường hợp người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân, phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch.
Những trường hợp người dân không thực hiện nghiêm các quy định trên, sẽ được yêu cầu phải thực hiện cách ly y tế theo quy định trước đó.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc sở Y tế, Phó Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, có hàng triệu lao động đang làm việc tại Đồng Nai. Trong đó, có các chuyên gia, lao động ở tại TP.HCM, nên tỉnh không muốn xuất hiện thêm ổ dịch mới nào ở Đồng Nai, hạn chế tối thiểu rủi ro.
Bởi chỉ cần 1 chuyên gia ở TP.HCM đến Đồng Nai chẳng may gây ra ổ dịch tại công ty của họ thì sẽ kiểm soát không nổi”.
Đồng thời, ông cũng khẳng định Đồng Nai không ngăn sông cấm chợ như một số luồng ý kiến hiểu sai văn bản của tỉnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)