Người lớn ở đâu khi những đứa trẻ về thiên đường?

Đó có lẽ là câu hỏi xuất hiện nhiều nhất trong những ngày gần đây, khi lại có thêm những đứa trẻ vô tội phải rời xa vòng tay bố mẹ mãi mãi ngay trong buổi học đầu tiên.

img
img

Vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 7/9 tại một điểm trường nằm trên địa bàn huyện Văn Bàn (Lào Cai) hẳn vẫn còn ám ảnh rất nhiều người. Đâu phải chỉ có người thân mới cảm nhận được nỗi đau đớn tột cùng ấy, mà bất cứ ai khi chứng kiến hoặc nghe thông tin cũng đều không khỏi xót xa cho những đứa trẻ xấu số.

Buổi trưa hôm ấy, những đứa trẻ vô tư chọn cổng trường làm nơi vui đùa như thường lệ, không ai ngờ đến kết cục thương tâm ập đến chỉ trong nháy mắt. Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, do trước khi xảy ra tai nạn, khu vực cổng trường không hề có dấu hiệu hư hỏng, sụt lún nên đã không có cảnh báo gì đến học sinh.

Nỗi đau hơn một năm trước của cậu học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón tại trường phổ thông liên cấp Gateway vẫn chưa kịp nguôi ngoai, lại xuất hiện thêm nỗi đau mới. Đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trong học đường, nơi đáng lẽ được xem là ngôi nhà thứ hai của trẻ, nơi đáng lẽ các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi gửi gắm con em mình…

Vậy mà, những mầm xanh non nớt còn chưa kịp nếm hương vị của tuổi học trò, đã phải bỏ mạng ngay trước cánh cổng trường. Vì đâu mà một môi trường đáng lẽ phải thật an toàn cho học sinh, lại trở thành những “cái bẫy” cướp đi sự sống của mầm xanh?

Người lớn ở đâu khi những đứa trẻ ấy đứng trước bờ vực thẳm?

Trách nhiệm của những người lớn đáng lẽ phải đảm bảo an toàn và sức khỏe cho những đứa trẻ ấy, ở đâu?

Cậu bé lớp 1 ra đi vào ngày 6/8/2019 vì sự chủ quan của một số cá nhân, vì sự tắc trách của nhiều bộ phận trong nhà trường. Còn những học sinh gặp tai nạn vì sự cố cơ sở vật chất của nhà trường, là do lỗi của cả một hệ thống.

Điểm lại trong những năm qua, một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn, gây tai nạn cho học sinh tại các trường học, như: sập cổng trường, sập tường rào, sập trần lớp học, sập lan can… Nguyên nhân chủ yếu là do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học.

Bộ GD&ĐT thì nói rằng đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về việc thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các công trình xây dựng. Nhưng chẳng lẽ “con voi chui lọt lỗ kim”? Vẫn không ít công trình mất an toàn trong trường học, gây thương vong cho học sinh.

Phải chăng, cứ mỗi khi xuất hiện một sự cố, câu chuyện đảm bảo an toàn cho học sinh mới lại được ráo riết đề nghị và rộ lên trong một thời điểm…

Phải chăng, những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ vốn chỉ nằm trên giấy và chỉ có hiệu lực trên giấy?

Và phải chăng, những người đứng đầu không hề nhìn thấy những lỗ hổng trong các khâu thanh, kiểm tra trước thềm năm học mới. Hay nhìn thấy nhưng lại “nhắm mắt làm ngơ”?

Rồi đến khi xảy ra sự cố, những người vốn dĩ có trách nhiệm trực tiếp lại dễ dàng “phủi sạch” bằng những từ ngữ sáo rỗng “đã chỉ đạo”. Việc “đã chỉ đạo” và chỉ đạo thực chất ra sao lại là một vấn đề cần phải soi xét kỹ lưỡng. Lãnh đạo chỉ phát đi thông tin một chiều mà không tận mắt chứng kiến quá trình, khó tránh khỏi những nơi làm ẩu. Sơ suất gây hậu quả nhưng lại dễ dàng “phủi sạch” thì sẽ chỉ tạo ra tiền lệ xấu.

Nếu quả thực, tất cả các khâu đều được thực hiện nghiêm túc, chỉn chu, được đôn đốc thường xuyên, được giám sát chặt chẽ, liên tục, có lẽ sẽ chẳng có những câu chuyện đau lòng.

Ngay như trong sự việc vừa qua, đại diện sở GD&ĐT Lào Cai cũng khẳng định, Sở đã có văn bản gửi đến các phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc từ đầu tháng 6/2020, đề nghị chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong trường học; kịp thời sửa chữa các hạng mục, công trình xây dựng đã xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn.

Vậy, vì sao cổng trường lại đổ sập xuống chỉ trong nháy mắt như vậy? Hay những hoạt động ấy chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”? Nếu đã được rà soát, sửa chữa, duy tu kiên cố, mà chỉ một trận mưa có thể cuốn trôi nền móng dễ dàng, thì có liệu có thực sự chất lượng… Và nếu nhà trường có thể sát sao hơn nữa, để kịp thời cảnh báo đến gia đình các em, có lẽ chuyện đau lòng sẽ chẳng xảy ra.

Những câu chuyện buồn vẫn cứ xảy ra trong ngành giáo dục, bởi những “hạt sạn” vẫn còn đó. Chuông vẫn đang ngân, nhưng nhiều người lớn vẫn chưa kịp thức tỉnh.

Một bộ phận những cá nhân có liên quan, có trách nhiệm vẫn còn thờ ơ với nhiệm vụ của mình, làm việc hời hợt như chỉ có nghĩa vụ điểm danh. Dường như họ đã quên mất rằng, làm giáo dục là phải có tâm, phải đặt tâm huyết vào từng hoạt động, mới có thể vận hành trơn tru cả bộ máy nuôi dưỡng mầm xanh.

Hãy là những người lớn có trách nhiệm!

Nếu cảm thấy hai từ “trách nhiệm” quá xa xỉ, chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh là một người lớn trong gia đình có trẻ thơ, và luôn đặt trọn niềm tin vào môi trường giáo dục mình đã chọn. Lúc ấy, tự khắc sẽ tìm thấy hai từ “trách nhiệm”!

Và nếu không thể tìm thấy trách nhiệm, thì những người có thẩm quyền cần phải kiên quyết loại bỏ những mảnh ghép không đáng có ấy ra khỏi hệ thống. Không thể chỉ soạn thảo một văn bản chỉ đạo là hết trách nhiệm, mà phải sâu sát đến cùng, đảm bảo an toàn và sức khỏe của học sinh được đặt lên hàng đầu. Một khi xuất hiện sai phạm, phải lập tức xử lý nghiêm.

Đó là một trong những cách có thể nâng niu và che chở cho những mầm xanh.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img