img

Người mang hát chầu văn đi "đánh Đông dẹp Bắc" ở trời Tây

Phong Linh

Nhắc đến NSƯT Văn Ty, giới cung văn không thể không biết, bởi ông là một trong số những người đầu tiên đưa chầu văn ra sân khấu chuyên nghiệp và nằm trong số ít nghệ sĩ vừa biết đàn, hát, gõ, nắm được đầy đủ niêm luật, lề lối cụ thể của nghệ thuật hát văn. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã tìm đến gặp ông để lắng nghe những câu chuyện nghề và niềm đam mê một đời…

“Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa…”, tiếng đàn, giọng hát bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa ngân lên da diết từ đình Hào Nam (Hà Nội) - trụ sở của trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam khiến ai nghe cũng nao lòng. Khi chúng tôi bước vào đình là lúc NSƯT Văn Ty đang có giờ dạy hát chầu văn cho học trò. Ông hát mẫu một đoạn cho học viên rồi hướng dẫn cách vào nhịp và cách biến tấu của từng điệu hát.

Theo ông, người hát chầu văn phải tay đàn, miệng hát, chân gõ phách. Với người mới học, đầu tiên là nắm chắc nhịp, rồi đọc câu văn theo nhịp, nhớ chắc chắn lời văn thì mới ghép hát được. Cái khó của người mới học là làm quen với việc miệng thì hát nhưng tay phải đánh nhịp. Điều quan trọng của người hát văn phải giữ được cái cốt, lề lối, làm toát lên sự tinh túy của hát văn. Từng câu nói, từng hành động kiên nhẫn chỉ dạy cho học viên từ cách gõ từng nhịp phách, bấm từng phím đàn đến việc sửa cho học trò từng câu hát... có thể cảm nhận rõ NSƯT Văn Ty đắm đuối với loại hình nghệ thuật hát văn của dân tộc đến mức nào. 

Vượt qua quan niệm một thời là “mê tín”

Duyên số đã gắn cuộc đời của NSƯT Văn Ty đến với hát chầu văn ngay từ khi ông là một cậu bé. Ông sinh ra và lớn lên ở Hành Thiện, Nam Định, vốn là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần. Lúc nhỏ, Văn Ty hay theo mẹ đi lễ, hầu phủ, sớm được nghe và tiếp xúc với hát chầu văn. Số phận run rủi thế nào mà ngay cạnh nhà ông lại có một cung văn giỏi ở Hà Nội sơ tán về Nam Định. Ông càng có cơ hội được tiếp xúc với những làn điệu văn cổ. Dần dần, niềm đam mê về hát văn ngấm vào trong con người ông từ lúc nào không rõ.

Tình yêu dành cho những làn điệu văn cổ khiến chàng thiếu niên Văn Ty quyết định thi vào đoàn ca múa nhạc Hà Nam Ninh khi mới 15 tuổi. Sau đó, ông dành 10 năm học tại nhạc viện Hà Nội rồi về công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam.
img

Cung văn Văn Ty là người tiên phong trong việc đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu.

Quay ngược lại quá khứ, nghệ sĩ Văn Ty nhớ lại quãng thời gian khó khăn với loại hình nghệ thuật hát văn: “Vào những năm 1980, hát chầu văn bị coi như một hoạt động mê tín dị đoan và bị cấm đoán. Lúc ấy, tiếc cho một loại hình âm nhạc đặc sắc của dân tộc có nguy cơ bị mai một, tôi lặn lội khắp nơi tìm đến những cung văn giỏi để vừa học hát, vừa tìm hiểu thêm về nghệ thuật hát văn, vừa sưu tầm lại những làn điệu hát văn khác nhau.

Khi còn trẻ, tôi xông pha khắp nơi mà chẳng sợ gì dù hát văn bị coi là loại hình mê tín dị đoan. Tôi còn thu những bài hát chầu văn vào băng cát-set. Mỗi tội, hồi đó tôi không thể thu riêng mà phải nhờ nghệ sĩ Kim Đức. Một nửa băng là nghệ sĩ Kim Đức hát ca trù, nửa băng còn lại là những bài hát văn do tôi biểu diễn, chỉ có điều không dám giới thiệu đó là hát văn mà thôi...”.

Đưa chầu văn vào vở kịch xiếc

Lo ngại người đời chẳng còn ai mặn mà với loại hình nghệ thuật độc đáo, nghệ sĩ Văn Ty luôn trăn trở làm thế nào để mang hát chầu văn đến gần với công chúng. Có một điều đặc biệt, hát văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Chính điều này, nghệ sĩ Văn Ty đã nghĩ đến việc đưa nghi thức hầu đồng lên sân khấu sẽ khiến công chúng hiểu hơn, biết hơn.

Để thực hiện, nghệ sĩ Văn Ty đã kết hợp với nhạc sĩ Thao Giang thực hiện cải biên đưa 4 giá hầu đồng lên sân khấu nghệ thuật dân tộc ở Hà Nội. Những giá đồng được biểu diễn trong không gian phố đi bộ vào mỗi cuối tuần đã thu hút nhiều khán giả trong và ngoài nước. Nhờ đó, sức sống của bộ môn hát chầu văn trỗi dậy mạnh mẽ. Dần dần, nghệ sĩ Văn Ty còn đưa hát văn vào trong chèo, múa rối nước, góp phần đưa nghệ thuật hát văn đến gần hơn với khán giả.
img

Năm 2005, ông đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả bằng việc lồng ghép hát văn vào vở kịch xiếc Làng tôi do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng. Trong suốt 5 năm, từ 2008 - 2013, kịch xiếc Làng tôi đã biểu diễn 360 buổi ở nhiều nước trên thế giới, gây được tiếng vang lớn, đặc biệt là ở châu Âu. Sau thành công đó, các Đoàn chèo Trung ương, Đoàn chèo Quân đội mời ông cố vấn và dàn dựng các vở diễn cho nhà hát. 

Không chỉ sưu tầm, lưu giữ, ông còn phát triển hát văn bằng việc cho ra đời nhiều bài hát văn do ông tự sáng tác lời mới như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (thơ Nguyễn Duy), Chân quê (thơ Nguyễn Bính)... Cho đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến chầu văn, những người trong giới không thể không nhắc đến cái tên cung văn Văn Ty…

“Hiện nay, hát chầu văn có nhiều biến tấu khiến ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước kia, cung văn không chỉ biết hát mà còn biết viết sớ, biết chữ Hán nôm, biết cúng bái… Họ như người đại diện cho văn hóa của cả vùng. Giá trị của các cung văn được thể hiện qua việc tham gia cuộc thi hát giữa các đền, nhưng nay nhiều cung văn chỉ biết chạy theo đồng tiền mà không hiểu thực sự ý nghĩa, vai trò của hát văn”.

Nghệ sĩ Văn Ty chia sẻ

Dành cả cuộc đời cho nghệ thuật hát văn, mong muốn lớn nhất của NSƯT Văn Ty bây giờ là làm sao để nghệ thuật hát văn phát triển, làm sao để xã hội nhìn nhận nghệ thuật hát văn đúng với giá trị đích thực của nó, một loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát hầu đồng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Nghệ thuật chầu văn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

P.L

img