img

Người mẹ của những đứa con tự kỷ muốn tặng “cần câu” thay vì cho “con cá”

Khánh Linh

Từng bị trầm cảm sau sinh, nhưng cuối cùng người phụ nữ ấy đã mạnh mẽ bước qua thử thách để tiếp tục gieo hạt giống yêu thương. Cũng là làm từ thiện, nhưng chị muốn trao tặng nhiều món quà thật đặc biệt dành cho những hoàn cảnh khó khăn, đó là tặng “cần câu” thay vì trao “con cá”.

Trở thành giám đốc sau khi bị trầm cảm

img

Chúng tôi gặp nữ Giám đốc trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story vào một chiều cuối tháng Sáu, nụ cười trên gương mặt sau một ngày làm việc như khẳng định nguồn năng lượng vẫn tràn đầy trong chị.

Giám đốc Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội), từng là phóng viên tại tạp chí Doanh nghiệp - Doanh nhân & Thương hiệu và trải qua một số công việc sôi nổi khác, nên có nhiều trải nghiệm với cuộc sống và muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2013, sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị Thu có dấu hiệu bị trầm cảm, luôn luôn cảm thấy mình cô độc vì những áp lực quá lớn lao, thậm chí, chị nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Tuy nhiên, may mắn là chút bản lĩnh cuối cùng đã giúp chị vượt qua và tìm lại chính bản thân mình. Có những tiếng nói xuất hiện khiến chị không biết phải làm gì, thậm chí biến người mẹ mới sinh này ghét cả tiếng khóc của con mình.

“Tôi không kết nối được với người thân và những người xung quanh, tôi tự làm đau mình, làm đau người khác, thậm chí đã đánh con... Lúc đó, tôi từng nghĩ đến cái chết để giải thoát. Sau đó, được chồng động viên, tôi bình tĩnh hơn, lắng nghe trái tim mình để vượt qua quãng thời gian ấy”, chị nhớ lại.

Tốt nghiệp ngành xã hội học, cũng từng làm nhiều nghiên cứu về trẻ tự kỷ, nhưng trước đó, chị Thu chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ mở trung tâm chuyên biệt, mà chỉ ấp ủ những kế hoạch hỗ trợ những hoàn cảnh ấy.

img

Có lẽ, cảm nhận của bản thân chị Thu trong chuỗi ngày trầm cảm sau sinh đã khiến chị thêm đồng cảm với những cá nhân đang thiếu thốn tình thương, và thôi thúc chị phải làm gì đó thiết thực hơn nữa: “Khi mình quá tâm huyết với điều gì đó thì mình không thể ngừng suy nghĩ về điều ấy, tôi ăn ngủ cũng đều nghĩ đến bọn trẻ... Vì từng trải qua như vậy nên sau này gặp những bạn nhỏ tự kỷ, tôi đồng cảm vô cùng và khao khát được giúp đỡ các con. Sau đó, tôi được rất nhiều người động viên và tin tưởng, đặc biệt là ông xã, nên đã quyết định mở trung tâm Our Story, cũng với mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn”.

Trao “cần câu” thay vì tặng “con cá”

32 tuổi, chị Nguyễn Thị Thu đã có hơn 13 năm gắn bó với những hoạt động từ thiện, thiện nguyện khác nhau. Nhớ lại những ngày đầu tiên có suy nghĩ muốn làm những việc có ý nghĩa, chị Thu không khỏi bật cười: “Hồi đó, tôi còn là sinh viên trường đại học Công đoàn, có một chuyến thiện nguyện trong trại tâm thần. Mỗi sinh viên đều trở thành một bác sĩ tâm lý khi được giao hoàn toàn trọng trách tắm rửa cho người bệnh, chỉ “cầu cứu” bác sĩ của trại khi cần kíp.

Tôi còn nhớ, mình đã gặp phải một tình huống dở khóc dở cười. Sau khi thuyết phục được một nữ bệnh nhân tuổi tầm 50 đi tắm, vừa dội nước lên người, bất thình lình, bệnh nhân này chồm người lên, đưa hai tay ôm chặt lấy tôi... Bao nhiêu người cùng dỗ người bệnh buông ra sẽ có quần áo đẹp nhưng hoàn toàn không hiệu quả. Tôi lấy hết can đảm, lên tiếng: “Chị thả em ra em đi lấy bánh cho chị”, và may mắn là thành công... Hú vía, người thì ướt như chuột nhưng tôi vẫn tiếp tục hoàn thành công việc của mình”.

img

“Lúc ấy, trong đầu tôi vẫn đinh ninh một điều to lớn lắm: Không chỉ làm được một điều gì đó mà đến đây để thấy rằng mình đã may mắn như thế nào khi có được cơ thể khoẻ mạnh, trí não bình thường. Sau chuyến đi, tôi càng thêm quý trọng điều đó hơn!”, người phụ nữ khẽ nhún vai.

Cũng là làm từ thiện, những chị Thu có những quan điểm rõ ràng và có phần khác biệt với nhiều hội nhóm từ thiện khác. Chị tâm sự: “Trước khi đến với công việc này, tôi từng làm báo và một số công việc khác, thu nhập cũng tương đối ổn định, mỗi năm, cả hai vợ chồng đều có những khoản tích luỹ để mang đi từ thiện.

Có điều, vợ chồng tôi không giống với mọi người, tôi muốn cho họ “cần câu” để họ tự xoay sở kiếm được “con cá” chứ không muốn mang sẵn “cá” đến cho họ. Tôi muốn họ phải tự nỗ lực để tự vượt lên chính mình, sống tốt đẹp và tự hào về bản thân mình chứ không cần dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác. Đơn giản chỉ là chút hạt giống, vật nuôi và chỉ họ cách nhân bản”.

Có lẽ, đó chính là phương châm mà Our Story muốn hướng đến. Các cộng tác viên người nước ngoài, các giáo viên tại trung tâm sẽ hướng dẫn trẻ các kỹ năng cơ bản như: quét nhà, lau nhà, nấu ăn,… phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp, tương tác, và dạy thêm tiếng Anh cho những bạn có năng khiếu. “Sau khi ổn hơn, tôi sẽ chuyển sang đào tạo nghề - những nghề mà các bạn ấy có thể làm được để tự nuôi sống bản thân. Hiện tại, tôi đang liên kết với một cửa hàng cà phê trên đường Láng để hàng tuần cho các bạn ở trung tâm ra học làm đồ uống.

img

Ở Việt Nam có rất nhiều bạn nhỏ như vậy, nên cố gắng giúp được bạn nào là tốt cho bạn ấy. Phụ huynh các con cũng không thể chăm lo cả đời được, tôi luôn hướng đến việc giúp các con hoàn thiện hơn, tự chăm sóc cho bản thân và nuôi sống bản thân bằng nghề nào đó trong khả năng. Đối tôi, đó không phải kỳ tích. Các bạn ấy hoàn toàn có thể làm được nếu hợp tác và nỗ lực. Giống như tác giả của cuốn Toto Chan, cũng là một người mắc chứng tự kỷ”, chị lý giải.

Cô Thảo - giáo viên tại Our Story chia sẻ: “Các con đã có lần chia sẻ, muốn đi học ở trường, nên các cô mới tổ chức chụp ảnh áo trắng cho các bạn có cảm giác hạnh phúc, được quan tâm”.

Những học sinh tại Our Story được dạy làm các sản phẩm thủ công để bán online như hoa, túi vải,...

“Chia sẻ về trung tâm Our Story, chị Kim Phượng, mẹ của một học sinh tại đây cho biết: “Minh Long năm nay 20 tuổi rồi nhưng tâm hồn vẫn chỉ là đứa trẻ 6-7 tuổi. Từ năm con lên 2 tuổi, tôi đã phát hiện bệnh và đưa con đi can thiệp. Mặc dù đã đưa con đi tham gia nhiều hoạt động, theo học nhiều trung tâm chuyên biệt và cả học văn hoá nhưng chỉ khi đến với Our Story, tôi mới nhận thấy sự thay đổi tích cực từ con. Hiện tại, Minh Long đã vui vẻ hơn, tự tin giao tiếp, biết phụ giúp nhiều công việc giúp mẹ. Đó là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày”.

Gia đình luôn bên cạnh

Hiện tại, trung tâm Our Story đã hoạt động được nửa năm và không thiếu những câu chuyện thú vị mỗi ngày.

“Trong tất cả các học sinh, tôi ấn tượng với Hà My nhất, bạn ấy bị tự kỷ điển hình, vừa chịu cú sốc tâm lý khi ngã từ tầng 3 xuống. Hà my thường xuyên có hành động la hét, làm đau bản thân và người khác... Tôi cũng từng bị My làm đau, nhưng tôi thương rất nhiều... Rất khó để người khác cảm thông cho con. Khi để cho My làm đau tôi, và tôi tìm cách chia sẻ, con đã thay đổi rất nhiều. My khóc, có thể giải toả với với tôi. Sau đó, Hà My trở nên rất quý tôi”, chị Thu chia sẻ.

Ngừng một lúc, chị kể tiếp: “Hay Thiên Minh, một bạn mắc chứng ám thị, tức là khi con xem được những hình ảnh, lời nói không tốt thì sẽ bị ám ảnh và tạo nên sức ép trong đầu, áp lực quá và khóc hoặc cào cấu. Tôi luôn ở cạnh con, để con biết rằng con không một mình, cho con nghe một bài hát yêu thích để tạm dừng việc làm đau bản thân...”.

img

Chia sẻ về gia đình, chị luôn cảm thấy mình may mắn vì có sự thấu hiểu của chồng và các con: “Thật may là các con tôi rất hiểu và thông cảm cho mẹ. Ngay từ nhỏ, tôi vẫn luôn dạy con rằng, vì sao các anh chị lại thiệt thòi như vậy và cần san sẻ như thế nào? Tại sao mẹ lại làm công việc này?... Từ đó, sau khi đi học về, các con cũng chơi đùa cùng các bạn ở đây..., đó có lẽ là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất! Chồng tôi cũng rất thấu hiểu công việc của vợ, việc nhà hay đưa đón các con đều được anh sắp xếp chu toàn, tôi chỉ dành được thời gian buổi tối cho các con thôi”.

Ông Đỗ Đình Mạnh - Tổ trưởng tổ dân phố 16, khu Dân cư 14, phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Tôi biết đến hoạt động của trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story mới mở trên địa bàn từ tháng 11/2019, và tôi cũng rất ủng hộ những hoạt động như thế này. Đây là hoạt động rất tốt, rất ý nghĩa, có thể giúp đỡ, hỗ trợ phần nào cho những đứa trẻ đang phải chịu thiệt thòi, có thể tự chăm sóc cho bản thân và có định hướng nghề nghiệp, có khả năng tự lo cho tương lai của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, Our Story còn có chính sách miễn giảm học phí đối với những gia đình trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi nhất định sẽ thường xuyên quan tâm, nếu trung tâm cần đến sự hỗ trợ, chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ”.

K.L

img