Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của bà Trần Thị Thao (SN 1968, trú xóm Đông Thượng, xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An) càng thêm nóng bức khi gió phơn Tây Nam thổi, thế nhưng vẫn không ngăn cản được tiếng cười nói vui vẻ của các thành viên trong gia đình.
Ngôi nhà cũ kỹ của gia đình bà Thao
Bởi bà Thao có 2 người con ruột gồm Lê Đình Sỹ và Lê Đình Dũng, cùng người con rể đang làm việc tại công trình nhà máy thủy điện Sendje (tỉnh Littorial, nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo). Tại đây, đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội và cả ba người con của bà Thao đều không may bị nhiễm, hiện đang được chăm sóc tại cơ sở y tế địa phương.
“Tháng 1/2019, không biết mấy đứa nghe tuyển dụng ở đâu mà về đồng loạt rủ nhau đi sang Guinea Xích Đạo làm việc. Lúc đầu tôi không đồng ý, nhưng các con bảo có anh có em đi thì dễ chăm sóc lẫn nhau, tiền lương cao mà chi phí bỏ ra ít, hơn nữa chỉ đi 1,5 năm thì về”, bà Thao thở dài nói.
Mấy tháng đầu, công việc khá thuận lợi, những người con của bà Thao gửi tiền về để gia đình trả nợ. Những tưởng mọi việc sẽ êm ấm như vậy cho đến khi các anh trở về thì bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020.
“Khi có dịch, tôi lo lắng nói các con về đi. Nhưng thời điểm này sắp kết thúc hợp đồng, hơn nữa ở nước ngoài không chú trọng như ở Việt Nam nên chẳng đứa nào nghe. Đến đầu tháng 7/2020, qua xét nghiệm thì cả ba người con của tôi đều có kết quả dương tính với Covid-19”, bà Thao nói.
Theo người mẹ này, thì vốn hợp đồng lao động của 3 anh em đều sẽ kết thúc vào tháng 5 và tháng 6/2020. Tuy nhiên, do dịch bùng phát nên các chuyến bay đều bị cấm, vì vậy các lao động không thể trở về Việt Nam như dự kiến.
“Từ khi biết tin, tôi không ăn không ngủ, chỉ hy vọng các con luôn giữ sức khỏe. Gia đình tôi đã gửi rất nhiều đơn thư kêu cứu tới các cấp có thẩm quyền, thậm chí ra cả công ty ở Hà Nội nhưng vẫn không có kết quả”, bà Thao nói.
Tuy nhiên, hy vọng bắt đầu nhen nhóm khi vào chiều 10/7, tại buổi làm việc với ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở Chính phủ, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo.
Bà Thao vui mừng cho biết: “Tôi như sống lại sau khi xem thời sự, các con tôi có hy vọng sống rồi. Bây giờ, tôi chỉ mong chuyến bay mau chóng được triển khai đưa các lao động về nước. Dù các con trở về bị cách ly 3 – 4 tháng thì tôi cũng thấy an lòng hơn”.
Ngày 14/7, ông Nguyễn Công Triều - Chủ tịch xã Tây Thành (Yên Thành) xác nhận, chính quyền địa phương vừa tiếp nhận rất nhiều lá đơn kêu cứu của các gia đình có lao động đang làm việc ở nước Uzbekistan.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến mọi người lo lắng
Trao đổi về việc này, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1993, trú xóm Rạng Đông, xã Tây Thành) cho biết: “Gia đình chúng tôi đang vô cùng lo lắng. Tình hình dịch bệnh ở nước ngoài diễn biến phức tạp quá, nhiều người nhiễm rồi tử vong. Hiện nay người thân của chúng tôi đang sống khổ sở bên ấy, vì vậy gia đình mong các cơ quan chức năng tìm biện pháp giúp đỡ mọi người về nước.
Chị Tuyết có chồng là Nguyễn Hữu Đồng (SN 1988) đi lao động ở Uzbekistan vào ngày 6/2. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên anh Đồng đặt chân sang nhưng chưa kịp có việc. Theo thông tin từ anh Đồng báo về cho gia đình, hiện nay anh đang ở công trình xây dựng cùng 226 người Việt Nam, nhưng đã có một số người nhiễm Covid-19 với các biểu hiện ho, sốt, tức ngực... Tuy nhiên, bây giờ anh Đồng và nhóm công nhân không có cách nào để về nước được.
Điều đáng lo hơn, tình hình dịch bệnh ở Uzbekistan đang diễn biến vô cùng phức tạp. Trong ngày 10/7, Uzbekistan chứng kiến số ca Covid-19 tăng thêm cao kỷ lục với 472 người bệnh trong một ngày. Sáng 11/7, Uzbekistan có tổng cộng 12.027 ca bệnh, trong đó có 54 người đã chết. Vì vậy, Uzbekistan đã áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ hai sau khi giới chức địa phương cảnh báo nếu không kiểm soát chặt, hệ thống y tế của quốc gia Trung Á này sẽ quá tải với số ca bệnh Covid-19 đang tăng.
Các gia đình mong ngóng người thân trở về
Cũng trường hợp tương tự, gia đình chị Trần Thị Phượng (xã Tây Thành) cũng như đang ngồi trên đống lửa khi biết tin chồng là anh Nguyễn Đình Tám đang mắc kẹt trong vùng dịch Covid-19 ở Uzbekistan cùng hàng trăm lao động khác. “Chúng tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất, đó là Nhà nước tổ chức chuyến bay để đưa các lao động trở về”, chị Phượng nói.
Về việc này, ông Nguyễn Công Triều cho biết thêm: “Những công dân này trú ở địa phương nhưng đang làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, gia đình mong muốn họ trở về là chính đáng khi dịch Covid-19 đang phức tạp. Chúng tôi luôn bám sát tìm hiểu nguyện vọng của người dân, đồng thời cố gắng hỗ trợ về các thủ tục để các gia đình gửi đến các cơ quan chức năng”.
A.N