Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, những ngày qua tại bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều ca bệnh mắc tay chân miệng. Theo thống kê của trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 và 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này tăng 5 - 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bé Nguyễn Diệu Linh (25 tháng tuổi, Hà Nội) được chuyển đến trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em, khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ tư. Qua quá trình thăm khám toàn thân, bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác mụn nước đã khô. Bệnh nhi được làm xét nghiệm công thức máu, CRP và EV71. Kết quả là bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 2a.
Một bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương.
Cùng phòng bệnh với bệnh nhi Diệu Linh là bé Bảo Nam (8 tháng tuổi, Hà Nội). Chia sẻ về bệnh tình của bệnh nhi, gia đình bé cho hay: “4 ngày trước khi nhập viện, gia đình tôi phát hiện chân và tay con nổi nhiều nốt phỏng. Nghi ngờ con mắc tay chân miệng, chúng tôi vội đưa con đến bệnh viện thăm khám. Tại đây sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán con mắc tay chân miệng mức độ 2a”.
Chị Phạm H. (Hà Nội) gương mặt mệt mỏi chia sẻ: “Mấy ngày qua con quấy sốt, sau đó con nổi các nốt ở tay, chân, miệng nên vợ chồng tôi mới hốt hoảng cho con đi khám. Đến đây, các bác sĩ cho biết con mắc bệnh tay chân miệng. Đã mấy đêm nay thức chăm con mà không rõ nguyên nhân vì sao con quấy khiến tôi lo lắng, mệt mỏi. Tôi chỉ mong con mau khỏe để vợ chồng tôi yên tâm làm ăn. Không chỉ có tôi mà nhiều gia đình khác cũng có bé bị tay chân miệng”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Trang (Hà Nội) phụ huynh từng có con mắc tay chân miệng vẫn chưa hết sợ kể lại: “Thời điểm con bị bệnh tay miệng, ban đầu con có biểu hiện sốt cao liên tục vài ngày, vợ chồng tôi lo lắng nên cho con đi khám bác sĩ gần nhà. Cho con đi khám bác sĩ cũng phải tách riêng ra với các bệnh nhi khác vì bệnh này lây lan rất nhanh, chỉ gặp nhau hoặc trong bầu không khí chung cũng dễ lây bệnh. Mấy ngày sau khi thăm khám, tay chân miệng của con nổi các nốt phỏng lên, có bọng nước chi chít ở bàn tay, bàn chân, các đầu gối, miệng, trong khoang miệng cũng nổi nốt…”.
Chị Trang cho hay, việc chăm bé bị tay chân miệng rất khó khăn: “Tôi phải nghỉ làm gần 2 tuần để ở nhà chăm con, theo dõi mọi diễn biến, biểu hiện bệnh của con. Con quấy khóc, rồi nốt nổi trong khoang miệng không uống được sữa, sau khi cắt được sốt thì con lại vật lộn với cơn ngứa từ các nốt phỏng. Nhìn con bệnh mà tôi xót xa”.
Theo lời chị Trang, chị biết bệnh này không có vắc-xin nên hướng điều trị là cho con uống hạ sốt, rồi dựa vào sức đề kháng của trẻ: “Hơn một tuần sau các vết phỏng của con se lại là bệnh cũng bắt đầu khỏi, việc điều trị không có vắc-xin, thuốc bôi cũng không có, nên những phụ huynh chăm con như chúng tôi vất vả hơn”.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em - cho hay: “Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Hiện, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 - 50 bệnh nhân, chủ yếu đến từ Hà Nội”.
Dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng.
Nói về những tác hại khi mắc phải bệnh tay chân miệng, BS Lâm thông tin: “Bệnh tay chân miệng có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết: Sốt gồm sốt nhẹ hoặc sốt cao; sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…”.
BS Lâm cũng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
“Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh”, BS Lâm cho biết.
Cả nước ghi nhận hơn 10 nghìn ca mắc tay chân miệng
Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%. Tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.
T.L