Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân trong một trưa tháng Sáu, sau khi ông vừa rời gót khỏi một hội thảo khoa học.
Ở tuổi 91, ánh mắt tinh anh và nụ cười thân tình, hồn hậu vẫn luôn thường trực trên gương mặt vị nhà báo lão thành, đặc biệt, những lời trò chuyện, chia sẻ chân thành mà sâu sắc, hệt như chữ nghĩa của ông suốt sự nghiệp 70 năm qua.
Ký ức về dấu mốc bắt đầu cuộc đời làm báo như ùa về trong đôi mắt sáng trong của ông. Năm 1950, ông Thư ký tòa soạn tạp chí Miền Nam - cơ quan của ban đại diện Văn hoá Cứu quốc ở miền Nam Trung Bộ, rồi làm phóng viên báo Văn nghệ Liên khu V từ năm 1951. Năm 1952, ông trở thành biên tập viên báo Nhân dân Liên khu V. Đến năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông làm ở báo Nhân dân...
Những năm tháng trải nghề mang đến cho ông những trải nghiệm mới mẻ, những thử thách với thời cuộc, nhưng đối với ông, kỷ niệm sâu sắc hơn cả là những bài viết. Với ông, thực tế cuộc sống thường tạo ra những bài báo sinh động!
Nhắc đến sự khác nhau của người làm báo giữa thời nay và thời xưa, trên gương mặt của ông thoáng nét đăm chiêu: “Theo tôi, làm báo thời xưa và thời nay, chủ yếu là khác nhau ở bối cảnh. Mỗi thời đại, người làm báo sẽ có cái nhìn khác nhau, hướng đến nội dung và cách thể hiện khác nhau. Thời xưa khó khăn trăm bề, thời nay công nghệ thông tin hiện đại, phương tiện tác nghiệp thông minh phong phú, đã tạo nên một môi trường báo chí vô cùng đa dạng và sôi động...
Tuy nhiên, thời nào thế ấy! Đứng trước bối cảnh nào, báo chí phải xác định rõ mình ở vị trí nào? Từ trước đến nay, báo chí vẫn đã và đang thực hiện vai trò “cầu nối”, là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước. Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, báo chí là chiến sĩ tiên phong, là “binh chủng” đặc biệt”.
Sau khi đề cập đến một vài tiêu cực trong nghề báo, chúng tôi nhận được những lời chia sẻ chân tình từ nhà báo Hà Đăng: “Không phải chỉ những năm gần đây, mà những tiêu cực đã xuất hiện, tồn tại từ lâu, nhiều nhà báo không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ, mới dẫn đến những hành vi trái đạo đức.
Một tình trạng nữa, hiện nay, báo chí gặp phải “kẻ thù” là những thông tin giật gân, không chính xác, tin giả, tin xấu, tin độc tràn lan trên mạng xã hội, khiến độc giả không phân biệt được. Nếu báo chí “chạy đua theo”, vô hình trung sẽ tiếp tay cho tội phạm về truyền thông...”.
“Để trở thành một nhà báo chân chính, cần hội tụ ba yếu tố, đó là đức, tài và bản lĩnh chính trị. Ba yếu tố này giống như nguyên tắc “kiềng ba chân”, giữ cho nhà báo luôn vững chân trong nghề. Bởi lẽ, người làm báo dù ở bất kỳ giai đoạn nào, đứng trước bất kỳ tình hình nào, nhà báo phải thạo nghề, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức.
Bác Hồ, người thầy của báo chí cách mạng đã dạy: Cán bộ nói chung phải có đức, có tài. Đức là gốc, nhưng tài cũng rất quan trọng! Với nghề báo, chúng ta chỉ say mê thôi là chưa đủ, mà còn cần một quá trình tôi luyện, học hỏi để có vốn tri thức, vốn sống, tri thức văn hóa, khoa học, tri thức từng trải. Sự học là mãi mãi... Có vốn, có nền tảng, nhà báo mới luôn có cái nhìn đúng, dám nhìn thẳng, dám nói lên sự thật, không đưa tin thất thiệt”, nụ cười hồn hậu khẽ nở trên gương mặt nhà báo 91 tuổi.
Kết thúc cuộc trò chuyện, nhà báo Hà Đăng tạm biệt tôi bằng cái nắm tay trìu mến, cặn kẽ căn dặn: “Nghề báo lạ lắm! Đã làm là say mê. Mà đã say mê, thì phải làm cho thật chính trực!”.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tin tưởng những người làm báo chân chính
Báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động nghị trường - là cầu nối đặc biệt kéo gần khoảng cách giữa cử tri với đại biểu. Báo chí cũng là kênh giám sát đặc biệt để cử tri theo dõi hoạt động của các đại biểu mà mình đã bầu cử. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua báo chí để tham khảo và nắm bắt đầy đủ hơn về ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Ngay như trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19, khi chúng ta cần đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì báo chí vẫn làm tốt trọng trách của mình với những đóng góp tích cực giúp Việt Nam tiến gần hơn đến dấu mốc chiến thắng đại dịch.
Đặc biệt, trong thời kỳ giãn cách xã hội vừa qua, nếu không có báo chí, không có hoạt động thông tin truyền thông, thì thực sự không thể biết đến thế giới bên ngoài đang diễn ra như thế nào.
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể đội ngũ những người làm báo trong cả nước, luôn dồi dào sức khỏe và tình yêu với nghề.
Tôi cũng mong và tin tưởng, những người làm báo chân chính luôn làm tốt vai trò của mình, là đưa thông tin chính xác, đã được kiểm chứng để định hướng dư luận. Đặc biệt, đối với những vấn đề “nhạy cảm”, có nhiều ý kiến khác nhau thì thông tin cần đầy đủ để người dân có cái nhìn nhiều chiều, hiểu đúng vấn đề… Báo chí chính thống khác với các trang mạng xã hội, không thể đưa thông tin thiếu trách nhiệm!
C.M-P.D