Nhà chống lũ và công nghệ “hóa giải” các trận động đất

Để chống chọi những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, giải pháp khôn ngoan nhất của con người, ngoài việc bảo vệ môi trường, chính nằm ở các giải pháp phòng tránh cao độ với công nghệ tối ưu.

Những ngày mưa lũ vừa qua khi hầu hết các ngôi nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị đều ngập trong lũ giữa tình hình mưa bão bất thường thì những ngôi nhà phao ở rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình) trở thành nơi trú ẩn an toàn. Những ngôi nhà phao tuy bé nhỏ nhưng trở thành một điểm tựa vững chắc trong mưa lũ, khi ở rất nhiều nơi người dân phải trổ nóc leo lên mái nhà cầu cứu trong tình cảnh nước lũ dâng ngày càng cao.

Đây là những công trình được xây dựng bởi chương trình Nhà chống lũ - một dự án xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ được khởi xướng từ năm 2013.

img

Người dân Tân Hóa (Quảng Bình) có nơi trú ẩn an toàn trong công trình nhà phao chống lũ - Ảnh: Dự án Nhà chống lũ/Tuổi Trẻ

"Tại Quảng Bình, mức lũ năm nay vượt mức lũ lịch sử năm 1999 gần 1m. Tại các địa bàn mà Nhà chống lũ có hỗ trợ người dân xây dựng công trình Nhà chống lũ như Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa, các mô hình nhà chống lũ đã giúp người dân chủ động ứng phó. Tài sản và con người vẫn an toàn", kiến trúc sư Đinh Bá Vinh - người phụ trách mô hình thiết kế Nhà chống lũ chia sẻ.

Có điều tiếc thay ở Quảng Bình những ngôi nhà chống lũ như thế này chỉ chiếm số lượng nhỏ ở con số vài trăm. Nhìn hàng chục nghìn ngôi nhà chìm trong dòng lũ, cuốn theo bao rủi ro về tính mạng con người, về tài sản, chợt ước giá như mỗi gia đình ở vùng lũ này đều có những ngôi nhà phao nổi trên mặt nước, những căn nhà chống lũ. Thiệt hại về người, về tài sản của người dân miền Trung cũng như các nơi thường xuyên phải đối phó với tình trạng ngập lụt chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều nếu có sự hiện diện sẵn sàng của những căn nhà chống lũ.

Khó có thể dự đoán hết được thiên tai. Ngập lụt cũng khó có khả năng suy giảm. Vì lẽ đó nên những căn nhà chống lũ luôn là giải pháp phòng tránh tối ưu cho người dân ở vùng lũ.

Thực tế, ở những nước thường phải chịu nhiều thiên tai như Nhật Bản đã luôn phải tính đến việc xây dựng những căn nhà có đủ khả năng chống chọi với cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Tại “xứ sở động đất” như Nhật, công nghệ chống động đất luôn được nâng cấp theo thời gian.

Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki của Nhật Bản gần đây được xây dựng mới hoàn toàn và áp dụng các công nghệ chống động đất hiện đại nhất với mục tiêu an toàn cho bệnh viện và như lời ông Abe Masaaki, trưởng bộ phận kế hoạch của bệnh viện, là “không để thiệt hại một sinh mạng bệnh nhân nào” khi động đất xảy ra ở bệnh viện này.

Toàn bộ tòa nhà chính của bệnh viện được đặt trên một hệ thống gồm 126 thiết bị chống động đất gọi là thiết bị cách ly động đất. Khi động đất xảy ra, toàn bộ tòa nhà cao bảy tầng, rộng 9.455m2 này sẽ được 126 “con nhún” đẩy đưa “nhún” lên xuống và qua lại trên nền móng vững chãi của tòa nhà. Chính nhờ có thiết bị chống động đất như vậy, trong khi những tòa nhà lớn nhỏ xung quanh ngả nghiêng theo trận động đất 9 độ Richter ngoài khơi vùng Tohoku và đo được tại Ishinomaki 6 độ Richter ngày 11/3/2011, tòa nhà chính của bệnh viện vẫn không hề hư hại gì.

Với thiết kế hiện đại, trong trường hợp bị cúp cả điện lẫn nước do động đất xảy ra, hệ thống điện tự sạc của bệnh viện cũng sẽ tự động kích hoạt cũng như hệ thống nước dự trữ có thể sử dụng ngay khi có sự cố. Chẳng hạn, trận động đất ngày 11/3/2011 xảy ra giữa lúc bệnh viện đang có hai ca mổ nhưng việc phẫu thuật chỉ bị tạm ngưng trong 10 giây là thời gian điện cúp và hệ thống điện dự trữ kích hoạt trở lại. Ba ngày sau, hoạt động ở mọi nơi trong tình trạng bị cô lập hoàn toàn, bệnh viện vẫn đủ điện và nước để đóng vai trò “tiền tuyến” chữa trị nạn nhân sóng thần.

Tại Nhật, những thiết bị chống động đất đến nay đã được áp dụng rộng rãi trong các công trình từ cao ốc cho đến trường học, bệnh viện, công sở, nhà dân... Tính đến nay tại Nhật đã có hơn 3.000 tòa nhà lớn nhỏ trên khắp nước sử dụng công nghệ cách ly động đất. Nước Nhật cũngđã ra mắt mô hình khu căn hộ đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống cách ly động đất ba chiều do Công ty Kozo Keikaku sáng tạo.

Thiên tai luôn bất ngờ. Và để chống đỡ được những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, giải pháp khôn ngoan nhất của con người ngoài việc không tàn phá môi trường chính nằm ở sự phòng tránh cao độ với công nghệ tối ưu.

Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img