Với lý do chưa có nhà riêng, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Đặng Huỳnh Mai xin giữ lại nhà công vụ. Dù sau đó, được biết bà này đã liên hệ với bộ Xây dựng để trả lại nhà song nó đã gây ra những luồng ý kiến tranh cãi.
Vào ngày 15/7 vừa qua, khi vừa mới nhậm chức được vài ngày, Ngoại trưởng Uruguay Francisco Bustillo đã tạm gác công việc chuyển giao bề bộn để tới thăm cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica tại trang trại của ông nằm ở ngoại ô Thủ đô Montevideo.
Không chỉ đến thăm một người bạn cũ, tân Ngoại trưởng Uruguay cũng muốn xin những lời khuyên quý giá từ một nhà lãnh đạo đi trước, dày dạn kinh nghiệm, để hành trang cho nhiệm kỳ đầy cam go trước mắt của mình.
Nhắc đến Jose Mujica, có lẽ không ít người nhận ra nhà lãnh đạo nổi tiếng một thời của quốc gia Nam Mỹ, người được biết đến với biệt danh “tổng thống nghèo nhất thế giới”, một nhân vật mà cho đến tận ngày nay - sau 5 năm nghỉ hưu - vẫn được người dân Uruguay và giới chính trị gia yêu mến, kính trọng.
Có lẽ chẳng tìm thấy ở đâu một nhà lãnh đạo “dị biệt” như Jose Mujica. Ông dường như không biết hưởng thụ những đãi ngộ của một người đàn ông quyền lực nhất đất nước. Đảm trách cương vị Tổng thống Uruguay từ năm 2010, dù nhận lương 12.000USD/tháng nhưng ông dành tới 90% số tiền đó gửi đến người nghèo và người vô gia cư.
Tất nhiên, theo tiêu chuẩn “nhà công vụ” dành cho tổng thống, ông Mujica được quyền sống trong một lâu đài xa hoa với 42 người phục vụ. Tuy nhiên, ông đã từ chối và quyết định dọn về sống trong một nông trại quê mùa ở vùng ngoại ô, với căn nhà nhỏ, nơi ông làm công việc đồng áng, vườn tược.
Đổi lại, dinh thự của Tổng thống Mujica thường được mở vào mùa đông để cho những người dân nghèo và người dân du lịch đến tá túc. Khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2015, ông cũng không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì, thậm chí còn từ chối nhận lương hưu.
Khi đến thăm nông trại đìu hiu ở vùng ngoại ô, người ta mới nhận ra rằng, Mujica sống giản dị không phải để đánh bóng tên tuổi. Ông chỉ đơn giản là sống thật với bản thân mình vốn có.
Làm lãnh đạo, làm quan chức là điều mà có lẽ ai cũng khao khát. Vì không chỉ có quyền lực, địa vị, mà những đãi ngộ, quyền lợi đi kèm cũng hơn người thường rất nhiều. Một trong những “khuyến mại” đi kèm đó là nhà công vụ.
Nhà ở công vụ là nhà ở được phân cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo qui định, trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Lẽ tất nhiên, đó là tài sản Nhà nước, khi nghỉ hưu, nhà công vụ phải được trả lại.
Thế nhưng mới đây, trong một bức đơn tâm tư gửi Thủ tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã bày tỏ nguyện vọng được giữ lại nhà công vụ mà bà được phân trong thời gian đảm đương chức vụ từ năm 2001, với lý do chưa có nhà riêng.
Trong đơn, bà Mai cũng trình bày hoàn cảnh cá nhân, đưa ra những đóng góp, công lao, những lý do khách quan để tạo nên sức nặng cho đề đạt của mình, hy vọng sẽ được các cấp lãnh đạo ở trên xem xét, chấp thuận một điều chưa từng có tiền lệ.
Câu chuyện “lãng phí” nhà công vụ vẫn còn nóng hổi nhiều năm qua, khi người ta thấy có nhiều vị quan chức dù đã nghỉ hưu, nhà cửa đề huề nhưng vẫn cố tình giữ lại nhà công vụ để ở, thậm chí cho người thân sử dụng hoặc bỏ không, rồi chây ì để níu được càng lâu càng tốt.
Dường như, nguyện vọng của bà Mai khiến nhiều người lắng nghe cảm thấy bối rối, có một chút đồng cảm nhưng lại thấy phần nhiều là không hợp lý.
Trong diễn biến mới nhất, trả lời trên tờ Tuổi Trẻ, bà Mai cho hay, bà gửi đơn cho Thủ tướng là mong muốn tiếp tục được thuê chứ không phải “xin luôn” nhà công vụ.
Vài ngày sau, khi nhận được nhiều ý kiến dư luận về việc này, gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã từ bỏ ý định trong lá đơn trước đó và chấp nhận bàn giao lại căn hộ cho bộ Xây dựng.
Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, đề đạt này cũng khiến cho dư luận ít nhiều đặt câu hỏi cho câu chuyện về nhà công vụ vốn đã ít nhiều gây ồn ào thời gian qua. Trông người mà ngẫm đến ta, xem ra cũng là một việc mà các cựu quan chức nên soi vào để cân nhắc cho hành động của bản thân mình.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.