Rất nhiều bậc cha mẹ tin tưởng các con mình sẽ chung sống thuận hòa, hạnh phúc trên mảnh đất tổ tiên để lại sau khi mình quy tiên mà không cần di chúc. Nhưng trên thực tế, đây là một quan niệm rất sai lầm.
Sinh - lão - bệnh - tử là bốn khổ ải mà con người ai cũng phải trải qua trong cuộc đời.
Mặc dù vậy, theo văn hóa Á Đông nói chung, nhiều người trong chúng ta thường tránh né, không muốn bàn bạc, chuẩn bị trước cho cái chết của mình.
Nếu chúng ta chết mà được ma chay đàng hoàng, chôn cất tử tế, tài sản để lại được giao cho đúng người mà chúng ta muốn giao phó, biết bảo quản, duy trì và phát triển nó.
Con cái chúng ta được an toàn về tài chính để có thể học hành tới nơi tới chốn, được thành đạt thì hạnh phúc biết bao.
Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc đôi khi không diễn ra tốt đẹp như vậy.
Gần đây, số vụ kiện liên quan đến tranh chấp thừa kế giữa những người đồng hàng thừa kế với nhau có chiều hướng gia tăng. Có nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trầm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Trong thực tế, cách phân chia tài sản của một người quá cố được định đoạt bởi tòa án. Mặc dù việc thừa kế sẽ được quyết định trên cơ sở tâm nguyện của người chết, nhưng không có gì đảm bảo mọi sự sẽ diễn ra như ý. Có nhiều trường hợp con cái không thể tìm được các giấy tờ sở hữu tài sản để làm thủ tục thừa kế, hoặc tiêu xài phung phí làm cho khối tài sản bị chia năm xẻ bảy, không theo ý muốn của chúng ta trước lúc qua đời.
Do đó, lập di chúc là một điều nên làm của những bậc cha mẹ có trách nhiệm trước khi mất. Dù cha mẹ chỉ có một mảnh đất, một chút ít tài sản không đủ phân chia hay là bí kíp gia truyền chưa kịp giao cho con cháu.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.