img

Nhà nước cứu Vietnam Airlines, các hãng khác ai cứu?

Minh Minh

Chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA) dự kiến tổng doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm 50.000 tỷ đồng, lỗ 15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng và sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không được hỗ trợ kịp thời. VNA hiện đang xin Chính phủ gói hỗ trợ cấp bách 12.000 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao chỉ hỗ trợ Vietnam Airlines mà không hỗ trợ cả những hãng Hàng không khác?

Vietnam Airlines đang ”bay” hay “bò”?

Kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp 632 tỷ đồng, lỗ 2.748 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính – đây là những “nốt trầm” thể hiện trên báo cáo tài chính mới nhất của hãng Hàng không quốc gia, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý I/2020.

Theo đó, doanh thu thuần quý đầu năm nay, VNA chỉ đạt 18.813 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và là mức doanh thu quý thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Mức doanh thu này “tố cáo” rằng VNA đang kinh doanh dưới giá vốn bởi vì khoản giá vốn hàng bán trong kỳ là hơn 19.445 tỷ đồng. Kết quả quý I/2020, VNA chịu lỗ gộp 632 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp vẫn đạt 3.952 tỷ đồng.

img

Vietnam Airlines thua lỗ "khủng" (nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của VNA)

Trừ đi các loại chi phí, hãng chịu lỗ 2.748 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Mặc dù có khoản lợi nhuận khác hơn 200 tỷ đồng xong cuối kỳ, lỗ trước thuế của DN vẫn là 2.545 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 2.611 tỷ đồng, trong đó cổ đông công ty mẹ chịu lỗ 2.589 tỷ đồng.

Lý giải từ Vietnam Airlines cho hay, đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu nội địa bình quân của hãng giảm 29,4%, quốc tế giảm mạnh 34,4%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%.

Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vietnam Airlines - cho biết, chỉ trong hai tháng 2 và 3/2020, hãng này đã chịu sự “mất máu” đột ngột do phải chi tới khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn tiền vé cho khách hàng.

Dự kiến sản lượng khai thác năm nay của hãng sẽ giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, dù đã cắt giảm chi phí thì con số lỗ dự kiến vẫn còn khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trước đó, thông tin hãng Hàng không quốc gia lỗ "khủng" đã được tiết lộ sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Báo cáo nhấn mạnh, trước nguy cơ thiếu hụt lũy kế 15.000 tỷ đồng năm 2020 trong khi các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.

img

Hàng không thế giới bị ảnh hưởng vì Covid-19 (Thống kê của ITA, nguồn: VNA)

“Tháng 5/2020, hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9/6/2020, con số này đã lên tới 419 tỷ USD, khoản lỗ vọt lên 84 tỷ USD. Dự báo, nếu Covid -19 được khống chế vào quý III/2020, thì phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về lại trạng thái như cuối tháng 12/2019.".

"Cứu Vietnam Airlines hay không?"

Mới đây, tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã có buổi tọa đàm “Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 trong trường hợp Vietnam Airlines” để bàn về vai trò chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) Nhà nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cụ thể là trường hợp của Vietnam Airlines.

img

Tại tọa đàm, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines (ảnh bên)- cho biết, kể từ đầu tháng 4/2020, thị trường hành khách quốc tế đã đóng băng, sản lượng khai thác nội địa của VNA tuy phục hồi nhanh trong 2 tháng qua nhưng doanh thu nội địa cũng chỉ đạt khoảng 46% so với năm ngoái.

Lỗ 15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 – đây là lý do hãng Hàng không quốc gia yêu cầu được hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Đồng ý với kiến nghị này của VNA, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh dưới)- thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng (gọi tắt là tổ Tư vấn), nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) - nhận định, đối với trường hợp của Vietnam Airlines, Nhà nước cần hỗ trợ trên cả hai vai trò: Tư cách người quản lý và tư cách người đầu tư/cổ đông/thành viên doanh nghiệp.

img

Theo ông Cung, Vietnam Airlines không cần phải xin giải cứu, từ “giải cứu không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Bởi vì đối với VNA, Nhà nước đang là chủ sở hữu (hiện nắm giữ hơn 86% vốn điều lệ) nên cần có biện pháp bảo vệ khoản đầu tư của mình.

Có cùng quan điểm với ông Nguyễn Đình Cung, TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ Tư vấn – nhận định, ngoài việc VNA là hãng Hàng không duy nhất có số liệu đầy đủ và minh bạch nhất về tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp, phương án đối phó đại dịch, nêu ra những việc làm được, việc cần hỗ trợ thì một thông tin quan trọng khác là các hãng Hàng không khác đều tuyên bố năm nay có lãi hoặc vẫn ổn định tài chính. Cho nên, việc giải cứu hay hỗ trợ phải chọn đối tượng ưu tiên.

Một thành viên khác của tổ Tư vấn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam - cũng cho rằng, là chủ sở hữu VNA nên Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, chứ không phải cơ chế “xin-cho”. Còn với vai trò người điều hành vĩ mô, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp bằng các giải pháp như giảm phí đồng đều cho các hãng”.

“Vietnam Airlines phục hồi thì ngành du lịch và nền kinh tế đều phục hồi trông thấy. Nếu để quá muộn, chi phí “cứu chữa” sẽ đắt lên rất nhiều” - ông Thiên lưu ý thêm.

"Là chủ sở hữu VNA nên Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, chứ không phải cơ chế “xin-cho”.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam

Còn vướng nhiều thủ tục

Được biết, theo các quy định tại luật Đầu tư công và Nghị định 91/2015 thì VNA không đủ điều kiện để được rót vốn Nhà nước, kể cả thực hiện việc này thông qua tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vì quy định không cho phép đầu tư công trong lĩnh vực mua bán trái phiếu, công cụ tài chính...

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng giám đốc SCIC - cho biết, SCIC không thể đầu tư vào hãng này theo cách nhà đầu tư tài chính thông thường vì vướng các quy định của luật Chứng khoán và thời gian thẩm định thương vụ kéo dài, VNA lại cần cứu gấp.

SCIC có thể tham dự với tư cách nhà đầu tư Chính phủ, nhưng cần có cơ chế đặc thù để miễn trừ trách nhiệm trong điều kiện bảo toàn vốn nhà nước không được đảm bảo, ông Tùng nêu ý kiến.

Để tháo gỡ vấn đề trên, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp của CIEM - nêu quan điểm, với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay về từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm...

img

Ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (CIEM)

Ông Trung đề xuất, phần vốn do SCIC đầu tư vào VNA cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước tại Nghị định 91 nêu trên. Đồng thời, việc SCIC đầu tư vốn vào VNA không trái với chức năng, nhiệm vụ của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn (quy định tại Nghị định 148 về Điều lệ của SCIC).

“Cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ theo các khung pháp lý, quy định sẵn có” – ông Trung nói, đồng thời gợi ý rằng, cũng có thể thực hiện việc chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc CMSC từ SCIC về VNA theo điều 42 của luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hoặc vay vốn từ chủ sở hữu Nhà nước qua các ngân hàng thương mại.

Được biết, sau khi bàn bạc, tổ Tư vấn sẽ báo cáo Thủ tướng về giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó có giải pháp ủng hộ Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, cho vay bắc cầu thông qua các tổ chức tín dụng, cho cấp tín dụng vượt hạn mức với Vietnam Airlines, phát hành cổ phiếu để tăng vốn...

Cứu DN Nhà nước là cứu nền kinh tế, cứu chính tiền thuế của dân

Hỗ trợ VNA trong thời điểm này là cần thiết và cấp bách, tuy nhiên dư luận vẫn đang băn khoăn với câu hỏi vì sao chỉ hỗ trợ Vietnam Airlines mà không hỗ trợ cả những hãng Hàng không khác? PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

img

TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thưa TS Nguyễn Đức Kiên, có ý kiến cho rằng không nên dùng từ "giải cứu" để nói về việc Nhà nước giúp đỡ Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng vì đại dịch Covid. Quan điểm của ông thế nào?

Đối với VNA, một doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm 86% vốn điều lệ thì Nhà nước vừa là người quản lý vừa là chủ đầu tư, là cổ đông chiến lược. Do đó giúp đỡ VNA chính là việc Nhà nước thể hiện vai trò của mình cả trong điều hành kinh tế vĩ mô lẫn đầu tư vào thị trường. Dùng từ "hỗ trợ" có lẽ phù hợp hơn là "giải cứu".

Vậy theo ông, Nhà nước nhất thiết phải hỗ trợ VNA?

Việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là trách nhiệm chung của mọi Nhà nước. Khi có sự cố xảy ra, trước hết chúng ta phải đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế, do đó phải hỗ trợ DN, không phân biệt là DN Nhà nước hay tư nhân.

Tuy nhiên sự hỗ trợ của Chính phủ là đặc biệt quan trọng đối với những DN Nhà nước bởi vì đây là nhóm DN thường tập trung vào những ngành nghề cung ứng dịch vụ thiết yếu, sự tồn tại của họ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường nói chung.

Bên cạnh đó, DN Nhà nước là của Nhà nước, nên Nhà nước hỗ trợ với tư cách là chủ doanh nghiệp.

Ở các nước phát triển, Nhà nước có hỗ trợ hàng không như vậy hay không?

Qua kinh nghiệm quốc tế, kể cả các quốc gia đã vận hành hoàn toàn theo mô hình kinh tế thị trường, tôi thấy họ cũng hỗ trợ theo mô hình như vậy. Đức hỗ trợ hãng hàng không Lufthansa, Mỹ cũng hỗ trợ 4 hãng hàng không, Nhật Bản hỗ trợ hãng ANA. Ở Úc, giữa hãng hàng không quốc gia và Virgin Australia thì họ hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Vì Virgin Australia có quy mô nhỏ, nên tác động đến nền kinh tế ít hơn.

Vậy những DN hàng không tư nhân thì có vai trò thế nào? Liệu có bất bình đẳng đối với họ hay không nếu như chỉ hỗ trợ VNA?

Cần hiểu bản chất vấn đề: Cứu DN Nhà nước vừa là cứu nền kinh tế, vừa là cứu chính đồng thuế mà dân bỏ ra. DN Nhà nước chính là tài sản của nhân dân thông qua sự quản lý của Chính phủ. Nếu để DN "chết", mất tài sản đó, chính là mất tài sản của dân, có khác gì làm thất thu thuế?

Tất nhiên đối với nền kinh tế thì mọi DN đều có vai trò nhất định, có đặc thù nhất định về vốn, về nhân công, về thị trường... và đều có quyền được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng, chúng ta không có đủ tiềm lực ngân sách để hỗ trợ mọi DN, mọi ngành nghề ngay lập tức, bởi vậy phải lựa chọn những lĩnh vực, những DN mà chúng ta có thể hỗ trợ để hỗ trợ trước. Đó phải là những DN có vai trò lớn đối với nền kinh tế, đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất và bản thân họ cũng phải có khả năng hồi phục sau khi được hỗ trợ.

Đối với ngành Hàng không, tại sao cứu VNA trước? Vì lượng khách đi và tốc độ tăng trưởng doanh thu của VNA, chúng ta thấy đang là hình chữ V, tháng Năm là đáy, nhưng tháng Sáu vọt lên. Nghĩa là họ đã bị suy giảm doanh thu nặng nề nhưng có khả năng hồi phục. Đây cũng là đơn vị có báo cáo tài chính minh bạch nhất mà chúng ta có được trong ngành này đến thời điểm hiện nay. Cứu VNA có ý nghĩa lớn đối với ngành Hàng không nói chung, đây là ngành có sức lan tỏa lớn để vực dậy nhiều ngành khác, đặc biệt là du lịch.

Cho đến nay, Nhà nước đã đã làm những gì để hỗ trợ VNA?

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhanh, có thể nói là nhanh hơn các nước khác. Từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng đến Nghị quyết 42 của Chính phủ và các nghị quyết tiếp theo, Chính phủ đã đứng ở vai trò của người quản lý Nhà nước, thực hiện tất cả các trách nghiệm về hỗ trợ chung. Riêng trong ngành Hàng không là giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh… và đang đề nghị giảm thuế xăng dầu – thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, được quy định theo luật, thì Chính phủ đã triển khai ngay từ khi có Chỉ thị 11.

Sau khi đã thực hiện vai trò đầu tiên là quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi qua các chính sách hỗ trợ chung, bây giờ chính là lúc Chính phủ cần thực hiện tiếp vai trò thứ 2 là chủ sở hữu vốn tại DN Nhà nước.

Xin cảm ơn công!

Minh Minh(thực hiện)

img