img

50 năm nấu cơm trước hiên, buồn ngủ mới chui vào nhà

Ngọc Lài

Nhà nhỏ, bà Trịnh Thị Y phải lúi húi nấu cơm, kho cá… dưới mái hiên. Đang nấu, trời mưa, bà dùng những tấm ván đã chuẩn bị trước che chắn bếp lửa. Trong lúc vợ nấu cơm, chồng của bà Y lại thích lang thang trước nhà, ngoài hẻm để tám chuyện với mấy lão bạn, chỉ khi nào buồn ngủ mới chui vào nhà.

Nấu cơm trước hiên nhà

Nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tôn (83 tuổi), Trịnh Thị Y (75 tuổi) nằm trên con hẻm 25 đường Vĩnh Viễn (phường 4, quận 10, TP.HCM). Theo ông Tôn, ngôi nhà chỉ rộng 1m và dài 7,5m, có thêm 3 gác gỗ tạm bợ. Căn nhà đã qua nhiều lần sửa chữa và đang xuống cấp trầm trọng. Năm 1952, cuộc sống của gia đình ông Tôn ở tỉnh Long An quá nghèo khó. Cho nên, mẹ của ông đã dắt díu các con lên Sài Gòn ở đậu nhà bà con.

Sau những bỡ ngỡ khó khăn, ông Tôn bám víu vào nghề thợ hồ để kiếm chén cơm qua ngày. Năm 1967, ông gặp và yêu bà Y lúc này đang phụ việc ở bệnh viện An Bình. Ông Tôn thưa chuyện với má vợ, xin làm mâm cơm rước vợ về sống chung. Thương chàng trai quê chất phác, má của bà Y không khó dễ nhưng chàng rể làm gì có nhà. Mãi đến năm 1973, ông mới được người dì cho cái hẻm để lu, làm nhà sống tạm. Hẻm chỉ có 1 mét ngang, được lợp tôn cũ kỹ. Thấy vậy, ông Tôn tự sửa sang, rồi dọn vào ở cho đến nay.

Gần 50 năm qua, ngày nào, bà Y cũng lo cơm nước trước hiên nhà. Nhà nghèo không đủ tiền sử dụng bếp gas nên bà Y phải nấu bằng bếp than. Khói bụi kèm nhem mắt nhưng bà rất vui vẻ, nấu xong nồi cơm, quay sang kho cá, nấu canh. Bà chỉ mấy miếng ván được treo ở vách nhà và nói: “Trời mưa, tôi lấy mấy miếng đó che bếp lửa lại. Cơm canh nấu xong thì đem vào nhà, nếu nguội quá thì mới dùng bếp gas mini trong nhà hâm lại, ăn cho nóng”.

img

Căn nhà của vợ chồng ông Tôn chỉ rộng 1m và đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dù có tuổi, vợ chồng bà Y vẫn rất minh mẫn, khỏe khoắn. Ông Tôn có lãng tai một chút nhưng rất hòa đồng, vui tính. Cả hai sống cùng người con gái và chắt dưới mái nhà siêu nhỏ. Ông sống tầng trên cùng, khó trèo lên nhất; bà ngủ tầng giữa; còn chắt và con gái ngủ tầng dưới cùng; diện tích dưới đất thì để chiếc xe đạp, bếp núc, nhà vệ sinh…

Ông Tôn chia sẻ: “Thang nhà này khó đi lắm, đi không quen sẽ không dám đi đâu. Bà nhà tôi sợ đi thang này lắm. Tôi đi quen rồi, không sợ nữa”. Đúng như lời ông Tôn cảnh báo, tôi có chút hoảng sợ khi đối diện chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ được phủ thêm một không gian tối om. Cầu thang dựng đứng, người đi phải bám thật chặt vào tường, vào bất kỳ đồ vật nào với được trong tầm tay.

img

Trong lúc tôi khổ sở, dùng đèn pin để soi đường, ông Tôn lại đi phăng phăng, còn luôn miệng giới thiệu với khách bố trí của căn nhà. Đang tìm cách xuống cầu thang, tôi chợt chững lại khi nhìn thấy nơi rửa chén bát của gia đình ông Tôn cũng được dùng làm nhà vệ sinh. Một khoảng tối hun hút dưới chân cầu thang, không có mành che, cửa chắn, lại có chén đũa, nồi niêu. Ông Tôn thoáng chút ngại ngần và dẫn tôi đi nhanh qua khoảng tối đó mà chẳng nói thêm lời nào.

Buồn ngủ mới chui vào nhà

Trước đây, nhà ông Tôn làm vách bằng tôn mục nát, kèo cột đều xiêu vẹo, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa mới được như hiện tại. “Lúc trước không được như vậy đâu, nhà nước cho 15 triệu đồng sửa lại mới kiên cố hơn. Hồi trước, tôi lên lầu toàn phải khom người, bò bò dưới sàn, rồi nửa đêm trời giông, cả nhà lồm cồm ngồi dậy cuốn chăn mà chạy. Nhà dột hết trơn, còn bây giờ mưa cũng không sao, gió thì mát mẻ”, ông Tôn vui vẻ cho biết.

img

Nhà ông Tôn chìm trong bóng tối lờ mờ, chỗ nào cũng nhỏ và hẹp.

Đứng ở căn gác của ngôi nhà, ông Tôn chỉ tay vào vách tường và tâm sự: “Trước đây, hai bên chưa có nhà cửa xây kiên cố, mỗi lần mưa giông, nhà tôi bị gió quật nghiêng hẳn về một phía. Mấy năm gần đây, hàng xóm xây nhà lầu, vững chắc, nhà tôi ở giữa cũng ấm cúng và đỡ sợ giông gió hơn. Hàng xóm còn cho tôi bức tường của ngôi nhà cũ để chống đỡ ngôi nhà. Nhờ có bức tường này, tôi làm mấy cái gác gỗ, thêm chỗ ngủ cho các thành viên trong gia đình”.

Mới đó đã hơn chục năm, gia đình ông Tôn thoát cảnh mùa nắng, nhà cửa như lò lửa; mùa mưa, người nào cũng ngồi bó gối, quấn chăn chờ mưa tạnh mới dám đi ngủ. Nhà hàng xóm xây lên, nhà ông Tôn tối tăm hơn nhưng bù lại không sợ mưa sợ nắng nữa. Căn nhà nhỏ hẹp, vật dụng đều cũ kỹ nhưng tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp. Sàn gỗ lâu năm lên nước bóng loáng, không chút bụi bẩn làm chỗ ngả lưng của 4 thành viên trong gia đình ông Tôn.

Ông Tôn chỉ vào chiếc ti vi của gia đình và hóm hỉnh nói: “Nhà tôi có đến tận 2 - 3 cái ti vi. Trong nhà, vật dụng tốt, xịn không có nhưng đồ cũ thì nhiều, bà con lối xóm thấy mình nghèo, thương nên cho nhiều lắm. Bây giờ, người ta dùng ti vi siêu mỏng, nên đồ nào không dùng thì đem cho tôi. Khổ nỗi, nhà có chỗ đặt ti vi nhưng không có chỗ ngồi xem. Nhiều lúc, mở ti vi trong nhà mà tôi đứng ngoài đường ngó nghiêng vào xem hoặc đứng xem, chứ ngồi xuống lại không nhìn thấy”.

Dù nhà đã mát mẻ hơn nhưng không gian ngột ngạt, tối mù khiến người già như vợ chồng ông Tôn cảm thấy bức bối. Bởi thế, cả ngày vợ chồng ông cứ thích đứng trước hiên, ngoài hẻm trò chuyện cùng lối xóm. Đến lúc buồn ngủ, cả hai mới lần mò trèo thang lên gác ngủ. Tròn giấc, ông bà lại lọ mọ trèo xuống, tám chuyện xa gần. “7 giờ tối, tôi lên gác ngủ, đến 2, 3 giờ sáng, không ngủ được nữa, tôi lại xuống dưới quét dọn nhà cửa và con hẻm. Đến 12 giờ trưa, tôi ăn cơm xong thì lên gác ngủ cữ trưa, chiều thức dậy lại quét hẻm”, ông Tôn chia sẻ.

img

Hàng xóm của ông Tôn nghe vậy liền nói: “2, 3 giờ sáng, ông ấy đã thức dậy, quét hẻm, quét sân. 2,3 giờ chiều, ổng ngủ trưa xong lại tiếp tục quét dọn sạch sẽ con hẻm. Ổng cứ đi loanh quanh trong xóm, thấy rác thì nhặt bỏ vào túi rác. Ổng kỹ lưỡng lắm, cả xóm đều thương”. Ở tuổi gần đất xa trời, ông Tôn không còn sức lao động, sớm tối chỉ quẩn quanh trong nhà. Tuy nhiên, ông cũng không cho bản thân giây phút nhàn rỗi, vẫn làm những việc có ích cho xóm làng.

Gia đình ông Tôn thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Mấy miệng ăn trong nhà đều trông chờ vào vài đồng tiền hưu ít ỏi của bà Y. Con gái của ông Tôn được cả xóm thương tình cho dùng một khoảng đất chung trong hẻm làm tạm quán cóc bán nước giải khát, cà phê. Nhà nghèo, xập xệ nhưng tình cảm của tất cả thành viên trong gia đình đều rất chan hòa, chuẩn mực.

Đứng dựa tường nhà hàng xóm, ông Tôn tâm sự: “Nhà tôi nhỏ vậy nhưng có sổ hồng đàng hoàng. UBND phường 4 dự định hỗ trợ gia đình sửa chữa lại ngôi nhà. Tôi nghe mà mừng rớt nước mắt. Ban đầu, họ hỏi tôi có tiền để phụ vào sửa chữa nhà không, tôi thật bụng nói cà phê còn không có tiền uống, lấy tiền đâu mà sửa nhà. Vậy là, họ động viên tôi và nói sẽ cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ tận tình”.

UBND phường 4 hết lòng hỗ trợ gia đình

Anh Ngô Quốc Huy - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường 4 (quận 10, TP.HCM) - cho biết: “Nhà của ông Nguyễn Văn Tôn có diện tích quá nhỏ nên không thể cấp phép xây mới mà chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ sửa chữa. Đầu năm 2020, bên MTTQVN phường 4 đã tổ chức khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, trong đó về nhu cầu nhà ở có trường hợp ông Nguyễn Văn Tôn, nhà xuống cấp. Chúng tôi có đề xuất 2 phương án: sửa chữa và xây mới. Với phương án sửa chữa, đơn vị thi công vào khảo sát cho biết, không thể nào sửa được do xuống cấp nghiêm trọng. Cho nên, chúng tôi chỉ còn 1 phương án xây mới. MTTQVN phường đã đề xuất MTTQVN TP.HCM hỗ trợ kinh phí. Về pháp lý, nhà của chú Tôn có chủ quyền nhà, nhưng diện tích dưới 12 m² nên không cấp giấy phép xây mới mà chỉ xin sửa chữa cải tạo theo hiện trạng và được cấp phép. Hiện tại, UBND phường đang xin giấy phép sửa chữa cải tạo cho gia đình chú Tôn”.

N.L

img