Sóng gió cuộc đời gieo chữ sầu trong tâm khảm
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, quê ở Bắc Ninh. Ông mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, cha cũng mất sau đó vài năm. Không cha không mẹ nên tuổi thơ của nhạc sĩ Thanh Bình là những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vì sự nhọc nhằn của miếng cơm manh áo.
Mặc dù là tác giả của ca khúc nổi tiếng Tình lỡ nhưng thông tin về nhạc sĩ Thanh Bình không nhiều. Bởi, ông là người sống khép kín. Ông không thích nói về mình, nói về những sáng tác của mình, nhưng nhìn lại những ngày đã qua, ai cũng dành cho ông sự nuối tiếc, cảm thương.
Thanh Bình một người nhạc sĩ điển trai, tài năng và chung tình nhưng cuộc đời của ông lại trầm buồn vì những biến cố.
Ở độ tuổi thanh xuân, Thanh Bình là một nhà văn, nhà báo viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông cũng là tác giả của nhiều ca khúc được đặc biệt yêu thích như: Tình lỡ, Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi, Tiếc một người... Thế nhưng, cuộc đời của ông lại không được như cái tên Thanh Bình mà luôn nặng nỗi ưu tư, phiền muộn. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn, sự tủi hờn khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình là cái tên có chỗ đứng trong làng nhạc thì ông mới chỉ là anh nhạc công dạo. Ấn tượng về nhạc sĩ Thanh Bình ở Nguyễn Ánh 9 là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng và theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, “có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ nó cho riêng mình”.
Thanh Bình sáng tác không nhiều, bởi ông quan niệm viết nhạc không phải để kiếm tiền mà là để nói lên nỗi lòng, tâm tư của mình. Các ca khúc của ông đều là những lời gan ruột và cũng vì những tình cảm đong đầy được gửi gắm qua từng nốt nhạc, từng ca từ nên đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đến tận ngày nay, những ca khúc ấy vẫn được yêu thích.
Không chỉ sáng tác nhạc tình, nhạc sĩ Thanh Bình còn viết nhạc cách mạng. Những bài hát hừng hực khí thế như Những nẻo đường Việt Nam, hoặc chân chất hương quê như Lá thư đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe.
Vốn là một người lãng mạn, giàu cảm xúc nên dù là nhạc cách mạng hay nhạc tình thì ca khúc của Thanh Bình đều rất hình ảnh, nên thơ và bay bổng. Nếu ở những ca khúc về quê hương ông thường dùng những ca từ mộc mạc, thân thương thì trong các bản nhạc tình, hình ảnh nhẹ nhàng nhưng nặng nỗi ưu tư về nỗi đau, sự mất mát lại được nhạc sĩ thường xuyên sử dụng. Chính điều này khiến khán giả nhớ về ông ngay từ lần đầu nghe.
Cũng giống như Trúc Phương, Thanh Bình là một nhạc sĩ tài năng với các ca khúc được yêu thích, nhưng cuộc đời của ông lại chịu nhiều thăng trầm vì chữ nghèo, chữ tình. Chữ nghèo đeo bám, chữ tình dang dở khiến cuộc đời của ông đầy nỗi nhọc nhằn. Ở cái tuổi xế chiều, ông phải sống nương nhờ một người cháu trong căn nhà đơn sơ. Những ngày tháng ấy, ông ít khi nhắc lại quá khứ, nhắc về ánh hào quang năm nào. Ở cái tuổi đáng lý phải được sống an nhiên thì nhạc sĩ Thanh Bình phải sống chật vật, không vợ không con bên cạnh. Hoàn cảnh ấy khiến đôi mắt của ông lúc nào cũng u sầu. Nhìn người nhạc sĩ tài năng sống lặng lẽ, người ta biết ông vẫn ôm nỗi cô đơn và biển sầu hắt hiu.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một thống kê chính thức về các sáng tác của nhạc sĩ Thanh Bình. Phải chăng đó là sự lãng quên? Chắc chắn không! Nó chỉ là lớp bụi mù thời gian che phủ lâu quá mà vẫn chưa có ai đủ điều kiện để khơi lại và thắp lửa. Một ngày nào đó, tất cả những đứa con tinh thần của người nhạc sĩ tài năng này sẽ được mang đến với khán giả theo cách trọn vẹn nhất.
Duyên tình nhiều nỗi đắng cay
Mặc dù là một chàng trai có vẻ ngoài cuốn hút, mang tâm hồn lãng đãng của một nghệ sĩ nhưng Thanh Bình không thích những cuộc phiêu lưu tình ái.
Ông không yêu nhiều nhưng mỗi lần yêu đều dốc toàn bộ tâm gan, toàn bộ yêu thương, toàn bộ niềm tin cho người con gái. Nhưng, cũng vì dốc hết, hiến dâng hết mà nhiều lần ông lâm vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Những nỗi đau ấy ông chẳng thể chia sẻ cùng ai nên đành dốc hết vào những giai điệu, những ca từ.
Tình lỡ là một ca khúc như vậy. Những ca từ da diết của Tình lỡ chính là nỗi lòng của một chàng trai đau đớn vì bị người yêu từ bỏ. Bao nhiêu tiếc thương cho mối tình đẹp nhưng ngắn ngủi được nhạc sĩ Thanh Bình dốc cạn vào từng từ, từng nốt nhạc. “Thôi rồi còn chi đâu em ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi/ Yêu rồi tình yêu sao chua cay/ Men nào bằng men thương đau đây... Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau/ Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau/ Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi/ Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi/ Hỡi người bỏ ta trong mưa bay...” là những thương đau dành cho người con gái ông yêu. Người con gái ấy là giai nhân xinh đẹp người Hải Phòng. Chuyện tình của họ đang đẹp bỗng tan vỡ vì cô gái bị gia đình ép lấy chồng. Cuộc tình ngắn ngủi này để lại trong ông nhiều thương đau, nhiều nỗi sầu và tất cả những tủi hờn ông đều dồn hết vào ca khúc Tình lỡ.
Sau mối tình lỡ nhiều đau thương với người con gái Hải Phòng, ông kết hôn với một người phụ nữ rất xinh đẹp. Những tưởng tình duyên của ông đã hết dông bão khi cô con gái xinh đẹp của họ chào đời. Tuy nhiên, một lần nữa số phận lại nghiệt ngã với chàng trai hiền lành, lãng mạn Thanh Bình. Khi con gái được 3 tuổi, vợ ông bỏ nhà ra đi để lại cô con gái nhỏ dại. Cuộc đời của ông từ đây rẽ lối. Không ít lần ông thốt lên “Yêu nhau là thế, sao bỏ đi quá dễ dàng?”.
Vẫn biết cuộc đời đâu chỉ là mật ngọt, sẽ có những đớn đau, có những nỗi buồn nhưng với nhạc sĩ Thanh Bình nỗi đau ấy, nỗi buồn ấy là thứ gia vị mặt chát ám ảnh ông suốt cuộc đời. Đã có những lúc ông cố quên đi nỗi đau, cố lờ đi vết thương lòng nhưng thói đời lạ lắm, càng cố quên lại càng nhớ hơn, càng muốn vết thương mau lành thì nỗi đau lại càng khoét sâu.
Cuộc đời của nhạc sĩ Thanh Bình đâu chỉ đau vì tình mà còn lắm nỗi u sầu vì con. Một mình nuôi con từ khi vợ bỏ đi, bao yêu thương ông đều dành cho con gái.
Cô bé ấy là động lực sống của ông, là con thuyền đưa ông đi qua những nỗi đau, nhưng rồi cuộc đời lại một lần nữa ném ông vào khung trời đau khổ.
Con gái có chồng nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn và bị vướng vào vòng lao lý. Khi con gái ở tù, ông bị con rể nhẫn tâm bỏ rơi ở bến xe, phải sống vất vưởng 18 ngày ở đó. Đó là khoảng đời cay nghiệt nhất đối với ông.
May nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.
Sau nhiều năm bệnh tật, nhạc sĩ Thanh Bình ra đi vào lúc 4 giờ 10 phút ngày 23/5/2014, hưởng thọ 82 tuổi. Ông ra đi nhưng không tròn được ước nguyện, gặp con gái. Trong những ngày cuối đời, nhạc sĩ Thanh Bình luôn trăn trở về con và nặng lòng về cuộc đời kém may mắn của đứa con ông nhất mực yêu thương.
Hành trình của nhạc sĩ Thanh Bình đã khép lại, nhưng tất cả những đoạn trường mà ông đã trải qua khiến công chúng tiếc thương cho một nghệ sĩ tài năng.
Cuộc đời dường như bất công khi liên tiếp gieo chữ phiền muộn cho ông, nhưng cũng chính những ngày tháng đắng cay, những cuộc tình đứt gánh ấy đã tạo nên những tuyệt phẩm giúp Thanh Bình trở thành cái tên được trân trọng của làng nhạc Việt.