img

Nhân sự ngành du lịch “ngạt thở” trước “sóng” Covid-19

Thu Huyền

Kinh doanh khó khăn, không ít doanh nghiệp du lịch đã phải cho nhân viên nghỉ thay phiên, nghỉ việc tạm thời, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nuôi hy vọng khi du lịch nội địa khởi sắc trở lại nhờ các chương trình kích cầu, một lần nữa, ngành công nghiệp không khói này lại phải đối mặt với khó khăn.

Quản lý khách sạn đi làm shipper

Cuối tháng 6/2020, chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rục rịch mở cửa trở lại cho có hơi người. Anh Đào Quang Huy, 29 tuổi, là quản lý khách sạn đã được 6 năm. Thời điểm giãn cách xã hội, trong khi chờ khách sạn mở cửa trở lại, khoảng thời gian 4 tháng thất nghiệp, anh Huy phải tìm mọi cách để xoay sở. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi cả mẹ và vợ cùng làm ngành dịch vụ đều trong tình cảnh mất việc.

“Vợ tôi cũng làm trong ngành du lịch, lại mới sinh em bé. Thời điểm mất việc, tôi nhận làm shipper cho một người quen để có đồng ra đồng vào, trang trải chi phí cho cả gia đình. Khi đã đi làm lại tại khách sạn, tôi vẫn duy trì công việc làm shipper vì thu nhập bị cắt giảm nhiều và cũng không biết khi nào lại mất việc tiếp. Thú thực, tôi cảm thấy vẫn còn may mắn hơn những người đồng nghiệp khi không mất tiền thuê nhà”, anh Huy chia sẻ.

img

Anh Đào Quang Huy (giữa) cũng như hầu hết nhân sự ngành du lịch đang mong chờ thoát khỏi cảnh u ám.

Anh Huy cho biết, tình hình kinh tế quá khó khăn, nhân sự có 40 người bị cắt giảm gần hết, thời điểm này, cả khách sạn chỉ có 4 người làm việc với công suất hoạt động chỉ từ 5 - 7 phòng trên tổng số 34 phòng.

“Mọi người nghỉ việc ở đây, một số khác đã tìm những công việc trái ngành để mưu sinh, có người về quê sống. Chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng, chờ dịch qua. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận được tin nhắn hỏi thăm từ những vị khách nước ngoài từng thuê phòng tại khách sạn. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng ngành du lịch lại rơi vào cảnh như vậy. Không biết đến khi nào mới có thể thoát khỏi cơn khủng hoảng này”, anh Huy ngậm ngùi.

Sinh viên năm cuối cùng nỗi lo thất nghiệp

Là sinh viên năm cuối ngành Khách sạn - Nhà hàng của trường cao đẳng Du lịch Hà Nội, Nguyễn Mai Anh (22 tuổi, Thanh Hóa) bắt đầu thực tập 4 tháng không lương tại một khách sạn ở Hà Nội từ tháng 8/2019. Sau khoảng thời gian thực tập, Mai Anh được chủ khách sạn ký hợp đồng với mức lương là 7 triệu đồng. Niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu khi 2 tháng sau, Mai Anh mất việc.

“Lúc được Giám đốc khách sạn nhận vào làm việc chính thức với số tiền lương khởi điểm là 7 triệu đồng, mình cảm thấy vui lắm. Nhưng hồi cuối tháng Ba, ảnh hưởng của dịch Covid-19,Việt Nam không tiếp nhận các chuyến bay chở khách quốc tế, các điểm tham quan đóng cửa. Không có nguồn thu, bị ảnh hưởng nặng nề, khách sạn bắt đầu cắt giảm nhân sự. Là người mới, mình bị cắt giảm đầu tiên. Suốt khoảng thời gian đó, mình buồn nhiều. Loay hoay tìm việc để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống ở Hà Nội, mình xin làm part-time (công việc bán thời gian) tại một cửa hàng tiện lợi và tranh thủ đi làm gia sư tiếng Anh. Có chút thu nhập, mình cũng phần nào an tâm chi trả tiền nhà và tiền ăn…”, Mai Anh chia sẻ.

img

Chung cảnh ngộ, Đỗ Thị Ánh Hồng - sinh viên năm cuối ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành (trường đại học Hà Nội) - cũng bị mất việc làm thêm vì dịch Covid-19. Khi còn làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài, Hồng đều đặn nhận 5 - 6 tour/ tuần với mức thu nhập khá. Thời điểm ngành du lịch ảnh hưởng, khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh do hạn chế nhập cảnh, không có tour đồng nghĩa với việc không có thu nhập, công ty du lịch mà Hồng đang làm thêm tạm dừng hoạt động. Hồng mất việc.

“Thời điểm thị trường nội địa bắt đầu hồi phục nhưng vẫn rất ít người mua tour trọn gói, đi đoàn đông mà chủ yếu đi lẻ, theo nhóm nhỏ, tự đặt phòng khách sạn, tự lái xe và không có nhu cầu sử dụng hướng dẫn viên hay thông qua công ty lữ hành. Hầu hết hướng dẫn viên vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp tạm thời nhưng chưa biết kéo dài đến bao giờ”, Hồng nói.

Không chỉ riêng Hồng hay Mai Anh, mà còn hàng nghìn sinh viên năm cuối ở các ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng cũng đang loay hoay, lo lắng vì sợ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp khi dịch Covid-19 đang khiến cho ngành du lịch thoi thóp như hiện nay.

Chờ một tín hiệu tích cực…

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội Lữ hành Việt Nam - nhận định: Trong giai đoạn tháng Sáu, đầu tháng Bảy, ngành du lịch trong nước hồi sinh mạnh mẽ nhờ thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trùng đúng với giai đoạn vàng của du lịch nội địa đã khiến nhiều công ty du lịch lao đao, nhất là dịch lại bùng phát ở một địa phương đi đầu về du lịch, nó khiến tháng du lịch trở thành chuỗi ngày đáng buồn nhất.

img

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội Lữ hành Việt Nam.

Cũng phải nhìn nhận, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát, nhân sự ngành du lịch bị tác động rất nhiều. Thời điểm các doanh nghiệp du lịch rục rịch hoạt động trở lại cũng chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ lao động. Nhưng khi dịch bùng phát trở lại, khả năng số nhân viên được trở lại làm sẽ bị giảm tiếp.

CNói về những hy vọng đối với nhân sự ngành du lịch, ông Thắng cho rằng, mọi người lúc này nên nhìn vào những điểm tích cực hơn là một bức tranh u ám. Thời điểm khủng hoảng này cũng là một phép thử về khả năng thích ứng, lòng yêu nghề, sự quyết tâm vượt qua khó khăn để theo đuổi công việc. Thời điểm này nên học tập để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, tìm kiếm cơ hội ở một lĩnh vực mới, hoặc lùi lại để chuẩn bị chờ đón cơ hội…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH) dự kiến, trong thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 người mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải...

T.H - N.T

img