img

Nhiều cơ sở thẩm mỹ ở Nghệ An hoạt động “chui” nhưng không thể xử phạt?

Anh Ngọc

Mấy năm nay các cơ sở làm đẹp ở Nghệ An “mọc lên như nấm”. Điều đáng nói, nhiều cơ sở không có phép nhưng vẫn thực hiện các kỹ thuật xâm lấn như cắt mí, chỉnh mũi, hút mỡ, nâng ngực,…

Ráo riết vào cuộc kiểm tra cơ sở vi phạm

Liên quan đến vụ cơ sở thẩm mỹ phẫu thuật nâng mũi dù không có giấy phép mà Người đưa tin Pháp luật đã phản ánh, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chánh Văn phòng sở Y tế Nghệ An cho hay, đơn vị đã mời nạn nhân là chị T.T.T. (25 tuổi), trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An đến làm việc, cung cấp hồ sơ và tài liệu liên quan đến “Phòng khám thẩm mỹ Vũ Hùng”, địa chỉ số nhà 13, ngõ 30, xóm Ngũ Phúc, xã Hưng Lộc, TP.Vinh.

“Vụ việc được giao cho Thanh tra sở Y tế Nghệ An xử lý. Chúng tôi cũng đã mời chủ cơ sở lên làm việc, viết tường trình. Sau khi đầy đủ tài liệu, đơn vị sẽ xử lý theo đúng quy định”, ông Lâm nói.

img

Phòng khám Vũ Hùng tiến hành nâng mũi dù không được phép.

Trao đổi thêm về việc này, ông Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra sở Y tế Nghệ An cũng thừa nhận, việc xử lý cơ sở thẩm mỹ cũng không đơn giản. Bởi phải bắt quả tang trực tiếp mới xử phạt được, trong khi các cơ sở cũng thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình.

“Chị T. khai đã thực hiện 2 thủ thuật là cắt mí và nâng mũi. Đây là những kỹ thuật xâm lấn mà chỉ các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ mới được phép. Thế nhưng, vụ việc đã xảy ra nhiều tháng trước, đến khi có sự cố thì chị T. mới làm đơn gửi sở Y tế. Trong khi đó, cơ sở này bình thường cũng rất ít khách”, ông Truyền nói.

img

Phẫu thuật thẩm mỹ được hiểu là những can thiệp có khoa học và chủ đích bằng dao kéo, tia, kim tiêm… lên cơ thể nhằm mục đích làm đẹp. Riêng đối với công nghệ phun, xăm môi và lông mày,… thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Các dịch vụ nói trên thực tế đều can thiệp vào cơ thể con người, song lại không thuộc danh mục điều chỉnh của ngành Y tế. Vì nằm ngoài phạm vi quản lý, vậy nên đoàn kiểm tra không có cơ sở để xử lý.

Đơn cử, vào tháng 1/2020, Thanh tra sở Y tế Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, UBND TP.Vinh thành lập đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở Thẩm mỹ viện Hàn Quốc, địa chỉ số 255 đường Hà Huy Tập, TP.Vinh.

Tại thời điểm kiểm tra, có rất nhiều khách hàng đang thực hiện phun mày, phun môi, chăm sóc da… Ngoài ra, trên sổ sách ghi chép khách hàng thể hiện cơ sở thực hiện nhiều kỹ thuật khác như: Nâng mũi giá 13 triệu đồng; cắt mí 5 triệu; cắt môi 6 triệu… Trong khi cơ sở này chỉ xuất trình được Giấy phép kinh doanh thực hiện phun thêu thẩm mỹ, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp do UBND TP.Vinh cấp.

“Chủ cơ sở cho biết chỉ nhận khách hàng rồi chuyển ra Hà Nội thực hiện thủ thuật để hưởng phần trăm hoa hồng chứ không thực hiện tại cơ sở. Tuy vậy, đoàn kiểm tra liên ngành vẫn lập biên bản, yêu cầu cơ sở không được triển khai các thủ thuật không được cơ quan chức năng cấp phép, tiếp tục phối hợp với đoàn làm rõ các hoạt động của cơ sở…”, ông Truyền nói.

“Lỗ hổng” trong chế tài xử lý

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ - làm đẹp. Chỉ tính riêng trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Vinh đã có trên 10 cơ sở làm đẹp, tồn tại với các tên gọi như spa, thẩm mỹ viện, chăm sóc da, massage...

Hầu như ở các cửa hàng này đều quảng cáo và thực hiện những dịch vụ nghe qua rất “hoành tráng” như điều trị nám da bằng tia laser, tắm trắng bằng đèn chiếu, xăm, xóa xăm và phun môi, lông mày... Tuy nhiên, phần đa các chủ cơ sở hoặc nhân viên thẩm mỹ đều không có chứng chỉ chuyên môn được thừa nhận. Nếu có thì chỉ mỗi người chủ quản lý cơ sở là có các chứng chỉ y khoa, còn các nhân viên đều không có.

img

Ông Truyền cùng cơ quan chức năng đi kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ.

Điển hình là phòng khám bệnh ngoại khoa tư nhân Mỹ Hưng, được đăng ký bởi ông Vũ Thế Hùng, vào ngày 28/4/2017. Ông Hùng vốn là thạc sỹ, bác sĩ tạo hình thẩm mỹ đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, các nhân viên khác trong phòng khám thì không có chứng chỉ này. Điều đáng nói, phòng khám chỉ được cấp phép khám chữa bệnh Ngoại khoa – Phẫu thuật tạo hình thông thường, nhưng cơ sở này vẫn phẫu thuật nâng mũi để rồi xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo thống kê chưa đầy đủ của phòng Y tế TP.Vinh, hiện trên địa bàn có ít nhất 75 cơ sở thẩm mỹ, nhưng chỉ có 3 phòng khám và một bệnh viện được cấp phép.

img

Một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang xăm môi cho khách hàng.

Ông Hoàng Nghĩa Huệ Thông, cán bộ phòng Quản lý Hành nghề Y dược tư nhân, sở Y tế Nghệ An cho biết, các cơ sở thẩm mỹ xin giấy phép một đằng, quảng cáo và thực hiện các thủ thuật một nẻo. Nhiều người vẫn đang hiểu lầm các cơ sở làm đẹp đều đã được ngành Y tế cấp phép nên yên tâm sử dụng dịch vụ có xâm hại vào cơ thể.

“Chủ cơ sở làm đẹp đang lẫn lộn giữa phạm vi hoạt động của các loại hình: Dịch vụ thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý”, ông Thông nói.

Bà Hồ Thị Hoa - Phó trưởng phòng Y tế TP.Vinh cho biết, trong năm 2019, đoàn liên ngành TP.Vinh kiểm tra chỉ được 13 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa. Xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền phạt là 15.000.000 đồng. Các lỗi xử phạt chủ yếu là quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề, sổ theo dõi bệnh nhân.

A.N

img